Trám đen là loại quả khá đặc thù, chúng chỉ cho thu hoạch vào mùa thu và không phải nơi nào cũng có. Trước đây, loại quả này được trồng rất nhiều ở một số tỉnh miền Bắc, vào thời điểm thu hoạch nhiều nơi trám rụng đen gốc nhưng không ai nhặt. Nhiều gia đình khó khăn còn dùng loại quả này ướp muối mặn để ăn dần cả năm.
Khoảng 10 năm trở lại đây, khi diện tích trồng trám thu hẹp, giá loại quả này tăng cao lên đến vào trăm nghìn đồng/1kg.
Ngoài giá trị kinh tế, trám đen còn có giá trị ẩm thực và dược liệu với nguồn dinh dưỡng khá cao. Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), quả trám chứa 12% protein, 1,09% lipid, 12% hydrat carbon, 0,046% Ca, 0,046% P, 0,06% phosphor và 0,004% F.
Dầu hạt trám chứa caproic, myristic, acid hexanoic, stearic, palmatic, decanoic, linoleic, octanic, lauric…
Cùi trám chứa nhiều đường, chất béo, acid folic, acid hữu cơ, vitamin (C, B1, P), chất xơ và chất khoáng (kali, magie, canxi, kẽm, carroten, sắt,…).
Vì quả trám có nhiều tinh dầu nên những năm gần đây thương lái Trung Quốc thu mua khá rầm rộ, thậm chí họ sẵn sàng mua cây trong thời gian 10 năm và xuống tiền trước. Các thương lái thường chọn mua những cây trám lâu năm, quả to và chắc về để ép lấy tinh dầu làm dược liệu.
Dưới góc độ y học cổ truyền, lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, loại quả này có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, đi vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc.
Ngoài làm vị thuốc, quả trám đen còn chế biến được rất nhiều món ăn đặc trưng như làm xôi trám, thịt kho trám, trám muối, trám ỏm… Lương y Bùi Đắc Sáng cho rằng, dù kết hợp với thực phẩm khác hay ăn độc vị (ăn nguyên quả trám) thì vẫn có tác dụng nhất định với sức khỏe.
Lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn một số món ăn, bài thuốc tham khảo từ quả trám:
- Giải nhiệt, thanh phế, lợi hầu họng: Cho 10g trám tươi bỏ hạt, 120g ngó sen tươi, 6g gừng, 150g mã thầy vào máy ép, ép lấy nước, uống đều 2 bữa sau bữa ăn 30 phút có tác dụng giải nhiệt, thanh phế, có lợi cho hầu họng.
- Chữa ho gà, ho do cảm lạnh: Dùng 10g trám tươi bỏ hạt sắc cùng 1 lít nước, có thể thêm đường phèn, uống khi còn ấm, 2 bữa sáng-tối sau bữa ăn 30 phút có tác dụng chữa ho gà, ho do cảm lạnh. Kiên trì áp dụng trong 7-10 ngày để trị bệnh được hiệu quả.
- Trị đau nhức xương khớp: Lấy 10g trám, cạo bỏ vỏ lớp sần bên ngoài, cắt lát, sắc cùng 1 lít nước đến khi còn 1 nửa, chia uống 3 lần sau bữa ăn 30 phút có tác dụng điều trị bệnh đau nhức xương hiệu quả.
- Chữa kiết lị bằng quả trám: Dùng 100g trám cả hạt sắc với 1 lít nước đến khi cạn rồi cô lại lấy cao, chia thành 3 lần uống trước bữa ăn 30 phút có tác dụng điều trị bệnh kiết lị.
Ông Sáng khuyến cáo, mọi người không nên ăn trám sống vì chứa nhiều tinh dầu và có vị chát nên dễ gây chướng bụng, táo bón.
Ngoài ra, với các món kho hay muối trám khi ăn quả trám thường rất mặn do có tính thẩm thấu cao, vì thế không nên ăn nhiều bởi sẽ nạp một lượng lớn muối vào cơ thể.