Ít ai biết rằng, chính HLV này lại từng là người thể hiện sự quan tâm rất lớn đến các học trò xung quanh vấn đề "cơm áo gạo tiền" thông qua… những phát biểu cực kỳ "tâm huyết".
Cách đây gần 6 năm, trong một lần bộc bạch với truyền thông xung quanh việc chăm lo đời sống cho các tay vợt trẻ của bóng bàn Việt Nam, HLV Bùi Xuân Hà từng tuyên bố xanh rờn: "Có thực mới vực được đạo, VĐV phải có động lực mới thôi thúc họ nỗ lực và cống hiến hết khả năng. Chúng ta phải lo cho VĐV, khi họ rời phòng tập bóng bàn không phải nghĩ tới cơm áo gạo tiền".
Giải thích kỹ hơn về phát ngôn này, HLV Bùi Xuân Hà khi ấy còn nhấn mạnh: "Nhiều phụ huynh vẫn chưa tin tưởng vào tương lai con em họ sau này. Vì vậy, phải làm sao để họ nhìn thấy những gì được thụ hưởng khi cống hiến cho bóng bàn".
Những dẫn chứng được HLV Bùi Xuân Hà đưa ra trong thời điểm ấy khá thuyết phục. Ban huấn luyện đã kêu gọi được tài trợ được cho mỗi tuyển thủ tới 70 bộ quần áo thi đấu mỗi năm, vượt xa chế độ 3-4 bộ/năm dành cho tuyển thủ trẻ bóng bàn của ngành thể thao khi đó.
HLV Bùi Xuân Hà thậm chí còn "khoe" về việc ông là người góp công lớn trong việc mang về hơn 300 triệu đồng tiền tài trợ mỗi năm cho đội bóng bàn và ông khẳng định đây là điều hiếm thấy ở các đội trẻ khác. HLV Bùi Xuân Hà còn cho biết: "Ngoài áo tập, VĐV còn được trang bị đồng phục khi dã ngoại, thi đấu quốc tế hay khi cử hành nghi lễ để tạo hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt bạn bè quốc tế. Tất cả đều đến từ nguồn xã hội hóa".
Chưa dừng lại ở đây, HLV Bùi Xuân Hà lúc đó tiết lộ thêm, nhờ có nguồn tài trợ ổn định ông mang về mà trong vài năm liền, các tuyển thủ bóng bàn trẻ được đi tập huấn tại Thượng Hải (Trung Quốc). Một số tay vợt năng khiếu, có tiềm năng phát triển thậm chí còn được tạo điều kiện thi đấu ở nhiều giải quốc tế có chất lượng.
"Đỉnh cao" của sự quan tâm dành cho học trò được HLV Bùi Xuân Hà tiết lộ: "VĐV thể thao đỉnh cao thường phải tập luyện rất nhiều, kéo theo những mệt mỏi và nhu cầu thư giãn, giải trí là đòi hỏi thiết thực để các cháu cân bằng cuộc sống. Nắm bắt tâm lý đó, hàng tháng, ban huấn luyện đưa các cháu đi xem phim, tham quan bảo tàng, dã ngoại…
Lâu lâu, chúng tôi có thể cho các cháu đi ăn buffet, nhà hàng sang trọng một chút để không chỉ tăng hưng phấn, thêm kiến thức ẩm thực mà còn giúp các cháu hiểu biết về văn hóa, lễ nghi khi ăn tiệc để không bị bỡ ngỡ khi giao lưu quốc tế. Đó không chỉ là chuyện ăn uống mà còn thể hiện trình độ, phông văn hóa của VĐV Việt Nam khi đại diện cho quốc gia ở môi trường quốc tế".
Chẳng rõ HLV Bùi Xuân Hà có phải tuýp người nói giỏi hơn làm hay không, nhưng lùm xùm xoay quanh chuyện ăn uống của các VĐV bóng bàn trẻ gần đây lại gắn với trách nhiệm của ông thầy này. Đáng buồn thay, "kiến thức ẩm thực" dành cho học trò mà ông Bùi Xuân Hà từng đề cập lại là những bữa ăn khiến VĐV "đói ăn".
Hình ảnh mâm cơm 8 người ăn với lượng thức ăn lèo tèo, không hề tương xứng số tiền theo chế độ dành cho mỗi VĐV (320.000 đồng/người/ngày, trong đó bữa sáng là 100.000 đồng, bữa trưa 120.000 đồng và bữa tối 100.000 đồng) đã khiến người hâm mộ thực sự bức xúc. Câu hỏi lập tức được đặt ra, vì sao VĐV trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, cần được bồi dưỡng đầy đủ về thể chất lại có thực tế ăn uống khó tin đến như vậy?
Từ chuyện này lại xuất hiện ra chuyện khác khi có thông tin HLV Bùi Xuân Hà "cầm hộ" tiền của VĐV bóng bàn trẻ. Lý do được đưa ra là HLV Bùi Xuân Hà dùng số tiền trên đưa dùng vào việc "ăn buffet, đi dã ngoại, xem phim" dù điều này chưa được kiểm chứng và có thông tin các VĐV cho rằng họ chẳng biết mặt mũi "bữa buffet" hay tên "bộ phim" hoặc địa chỉ "chuyến dã ngoại" là như thế nào.
Không có lửa thì rõ ràng đã chẳng có khói. HLV Bùi Xuân Hà từng có những phát biểu rất ấn tượng, nhưng có lẽ ông đã không làm được tốt như lời mình đã nói. Dẫn chứng thì quá rõ ràng, ông Bùi Xuân Hà vào thời điểm này đã không được Cục TDTT triệu tập vào đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia và mọi chuyện vẫn cần được xác minh rõ ràng hơn để bóng bàn trẻ Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung khôi phục niềm tin từ người hâm mộ và gia đình các VĐV.