Canh tác gần 5 công mãng cầu xiêm sản lượng hơn 15 tấn trái mỗi năm nhưng liên tục gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Cách đây 2 năm, ông Nguyễn Văn Điều, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn phát triển mô hình sản xuất trà mãng cầu xiêm thay vì bán trái thô. Khi xây dựng mô hình, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, ông Điều còn làm các thủ tục tham gia xây dựng OCOP với 2 sản phẩm là trà mãng cầu xiêm sợi và trà mãng cầu xiêm túi lọc.
Bà Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: "Trước đây, các sản phẩm chưa được công nhận OCOP thường rất khó bán. Mình đem đi chào hàng ở các siêu thị đôi khi người ta cũng không mặn mà. Nhưng sau khi được công nhận OCOP thì tự dưng họ lại tìm đến mình để mua sản phẩm".
Một yếu tố khác làm cho các sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, đó là quy trình sản xuất được cải tiến để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và mẫu mã đẹp. Để làm được điều đó buộc các chủ thể phải chuyển tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy được lợi thế đặc trưng của từng địa phương.
Chia sẻ với PV, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Mặt thuận lợi khi Hậu Giang triển khai OCOP là ngành nông nghiệp của tỉnh có nền tảng phát triển và định hướng được những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng vùng nên phần nào giúp cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi trong việc lựa chọn một số sản phẩm bước đầu mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP.
"Ngoài ra, một điểm khá ấn tượng của Hậu Giang khi thực hiện sản phẩm OCOP là có không ít chủ thể tạo ra sản phẩm OCOP là nữ và có nhiều tâm huyết trong việc thường xuyên cải tiến mẫu mã hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh nông sản đặc trưng cho tỉnh" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn Phòng, Văn phòng điều phối các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang cho biết: Hầu hết các sản phẩm OCOP đều được quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, đồng thời trên bao bì sản phẩm đều có mã QR Code để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của Hậu Giang có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Coop Mart, Vinmart… Một số sản phẩm trái cây đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như EU, Hong Kong, và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường Hàn Quốc, Đài Loan...
Chương trình OCOP đã thành công trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng từng địa phương, đồng thời giúp tăng thu nhập cho nông dân nông thôn. Ngoài ra, chương trình còn lan tỏa giá trị văn hóa, truyền thống, cũng như đặc sản địa phương ra mọi miền đất nước.
Sản phẩm OCOP hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho tỉnh Hậu Giang. Chương trình đã tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và những người sản xuất để tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương với nhau.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 175 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao, riêng trong năm 2022 công nhận mới 70 sản phẩm, và 1 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Đặc biệt tỉnh có 7 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia gồm cá thát lát rút xương tẩm gia vị, rượu lão tửu đông trùng hạ thảo, sữa chua dê sấy khô, bưởi da xanh, chanh không hạt, bưởi năm roi, gạo sạch Vị Thủy. Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh đã vượt qua chỉ tiêu đề ra hàng năm.
Qua 4 năm thực hiện, chương trình OCOP đã và đang tạo sức lan tỏa lớn và thu hút được nhiều chủ thể là hộ dân, doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đặc biệt, hiện toàn tỉnh có 35 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đạt chuẩn OCOP.
Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm khi được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; đồng thời có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Nhờ vậy, hiện có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP của tỉnh để đưa vào hệ thống phân phối. Qua đây, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đến với nhiều thị trường trong và ngoài nước.