Ông Nguyễn Viết Dương, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: Trước đây, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Người dân vẫn giữ lối sản xuất theo tư duy truyền thống, tốn nhiều thời gian, công lao động và hiệu quả không cao.
Nhiều gia đình gặp khó khăn do diện tích cấy lúa ở vùng chiêm trũng nên nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng. Một số người dân lựa chọn đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp khiến nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khoa học kỹ thuật và không thu tiền dịch vụ trong năm đầu tiên để khuyến khích nông dân quay lại sản xuất; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ tích tụ ruộng đất, vay vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất.
Cùng với đó, cán bộ Hội Nông dân xã được coi là nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền và tiên phong trong phong trào tích tụ ruộng đất. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, bà Bùi Thị Hái đã mạnh dạn thuê, mượn những mảnh ruộng của người dân không canh tác rồi tổ chức sản xuất lại.
Bà Hái cho biết: "Gia đình tôi đã tích tụ được trên 4ha để phát triển sản xuất. Không chỉ làm gương cho các hội viên, nông dân mà còn giúp tôi có thu nhập cao từ việc cấy lúa".
Với sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và sự lan tỏa từ phong trào “Dân vận khéo” đã thúc đẩy nông dân trong xã dần thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp từ manh mún đến việc tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trên địa bàn xã Quỳnh Thọ hiện có 268ha cấy lúa, trong đó diện tích từ tích tụ ruộng đất lên đến 170ha của 25 hộ theo quy mô từ 2ha trở lên. Hiện nay, cùng với tích tụ ruộng đất, các hộ dân cũng đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất sử dụng đất, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30% so với phương thức sản xuất cũ, tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, bền vững.
Anh Phạm Hồng Sơn, thôn Đức Chính là hội viên nông dân tích cực nhất trong phong trào tích tụ ruộng đất của xã Quỳnh Thọ. Từ vài mẫu ruộng nằm rải rác trên cánh đồng, đến nay anh Sơn đã tích tụ được hơn 40ha để cấy lúa.
“Thấy bà con bỏ ruộng nhiều, tôi tiếc ruộng để hoang hóa nên mượn đất của các hộ để tích tụ. Được chính quyền, Hội Nông dân xã hỗ trợ, tạo điều kiện nên tôi có thể đổi ruộng với bà con để nhanh chóng quy vùng thuận tiện cho sản xuất. Ngoài ra, tôi đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy cày công suất lớn, máy cấy, máy gặt, máy phun thuốc sâu... để phục vụ sản xuất. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện cơ giới hóa nên công việc của gia đình tôi cũng rất nhàn và cho hiệu quả cao hơn hẳn so với phương thức sản xuất truyền thống. Sản lượng thóc trung bình đạt 280 tấn/năm, cho thu nhập trên 700 triệu đồng” - anh Sơn chia sẻ.
Cùng với anh Sơn, nhiều hội viên, nông dân trong xã cũng tích cực tham gia tích tụ ruộng đất với diện tích lớn và trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: anh Nguyễn Viết Công, ông Nguyễn Đức Minh...
Ông Nguyễn Viết Dương, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết thêm: Nhờ “Dân vận khéo” nên tình trạng bỏ ruộng hoang ở xã Quỳnh Thọ đến nay đã không còn, người dân hăng say sản xuất, đời sống ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đạt 64,36 triệu đồng/người/năm. Nhân dân tích cực tham gia góp sức cùng cấp ủy, chính quyền đưa xã Quỳnh Thọ về đích nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung, tạo chuỗi liên kết sản xuất; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm để nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên quê hương.