Dân Việt

Sách giáo khoa và phẩm cách quốc gia Việt Nam

Phan Văn Lâm 09/10/2023 06:43 GMT+7
Nền giáo dục cách mạng Việt Nam sau khi được thiết lập nền tảng ban đầu vào đầu những năm 50 của thế kỉ XX, đã trải qua 4 lần đổi mới chương trình sách giáo khoa. Việc đổi mới sách giáo khoa ở mỗi giai đoạn đều gắn liền với những đòi hỏi từ thực tiễn của đất nước ta.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất  khá đủ đầy ấm no. Nhưng có lẽ ai cũng đang nhận thấy điều gì đó tác động không tốt của nền kinh tế thị trường lên đạo đức, lối sống, ý chí, nghị lực của thế hệ trẻ bây giờ: Vẻ như hơi vội vã, ít chiều sâu và thiếu đi nền tảng văn hóa, cốt cách dân tộc, phẩm cách chuẩn mực cần thiết.

Ở đâu đó người ta vẫn khát khao cho công cuộc kiếm tiền với những biểu hiện bất chấp. Nhân chuyện cả xã hội đang bàn tán xôn xao về chuyện sách giáo khoa, xin được mạn phép bàn đôi điều về sách giáo khoa và phẩm cách quốc gia Việt Nam.          

Phẩm cách quốc gia theo tôi là những giá trị cao đẹp mang tính phổ quát được giáo dục và hun đắp qua nhiều thế hệ, nó là nền tảng quốc gia, niềm tự hào của dân tộc để phân biệt và làm bệ phóng cho sự phát triển của quốc gia đó. 

Vậy sách giáo khoa có ý nghĩa gì đối với phẩm cách quốc gia Việt Nam? 

Quay lại lịch sử đất nước trước năm 1945, hậu quả của chính sách "ngu dân" mà thực dân Pháp để lại sau hơn 80 năm đô hộ nước ta là hơn 95% người Việt Nam mù chữ. Phương pháp thâm độc mà chế độ thực dân sử dụng là “ngu dân” để cai trị nhân dân Việt Nam. Sau khi nước nhà được độc lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vấn đề giáo dục, trong đó chống giặc dốt là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới. 

Ngày 8/9/1945, Người ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục: Đó là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ; sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. 

Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. 

Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. 

Nền giáo dục cách mạng Việt Nam sau khi được thiết lập nền tảng ban đầu vào những năm 50 của thế kỉ XX, đã trải qua 4 lần đổi mới chương trình sách giáo khoa. Việc đổi mới sách giáo khoa ở mỗi giai đoạn đều gắn liền với những đòi hỏi từ thực tiễn của đất nước ta. 

Nhưng tựu trung lại ngoài kiến thức về tự nhiên và xã hội… và cao hơn nữa là tổng hợp kiến thức biến thành trí tuệ thì vấn đề cốt lõi vẫn là xây dựng văn hóa con người Việt Nam có bản sắc riêng... Những bản sắc ấy kết tinh thành phẩm cách quốc gia thông qua học tập và lao động. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Dốt thì dại, dại thì hèn; vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”. Người kêu gọi đồng bào cả nước tích cực ủng hộ cho những “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá” hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, để “trả lời cho thế giới biết nước ta là một nước văn minh, ai cũng biết chữ". 

Người đề nghị khi đồng bào đã biết chữ thì phải có sách báo phù hợp với trình độ của đồng bào để họ xem, nếu không sẽ bị mù lại, cũng như phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông của nhân dân. 

Người còn đề ra năm nội dung cơ bản cần được đưa vào chương trình giảng dạy là: “Thường thức vệ sinh để dân đỡ ốm đau; Thường thức khoa học để bớt mê tín nhảm; Bốn phép tính để làm ăn có ngăn nắp; Lịch sử địa dư nước ta để nâng cao lòng yêu nước; Đạo đức công dân để trở thành người công dân đứng đắn”.

Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn việc xây dựng sách giáo khoa lại gắn liền với những chiến lược, mục tiêu khác nhau để phù hợp với tình hình đất nước và hòa nhập với quốc tế. Nhưng đó chỉ là kiến thức, còn nội dung xuyên suốt theo tôi nghĩ chúng ta phải luôn giữ vững, khơi dậy mạnh mẽ một số phẩm cách cơ bản mà phải đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh các cấp ví như: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chí kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách không chịu khuất phục trước kẻ thù. 

Mặt khác lòng hiếu học, lao động nghiêm túc, kỷ luật cao từ xa xưa cha ông ta gây dựng mà bằng chứng là Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ thời Lý năm 1070 và khoa thi đầu tiên được tổ chức vào tháng Hai năm Ất Mão (1075) cũng cần được đề cao.

Và hơn thế nữa chúng ta có phẩm cách đại đoàn kết dân tộc, yêu thương, đùm bọc chia sẽ tạo sức mạnh đánh bại mọi khó khăn trong chiến tranh giành độc lập tự do hay như trong đại dịch Covid - 19 vừa qua. 

Dù ở trình độ cấp 1, cấp 2 hay cấp 3, những phẩm cách đó phải được giáo dục cho thế hệ trẻ ăn sâu vào tiềm thức, những đức tính mang tính thường trực, nền tảng để khi trẻ bước vào đời, những phẩm cách đó mang tính tự nhiên và làm nền tảng vững chắc cho việc tiếp cận tri thức mới. 

Chúng ta đều biết Nhật Bản có được sự phát triển như hôm nay, dù ở trong một điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, là nhờ những phẩm cách cao đẹp như tinh thần “võ sĩ đạo” mà nước khác không có, hoặc nếu có thì cũng mờ nhạt. 

Tôi vẫn mong muốn có một Việt Nam khác thường trong thế giới bình thường. Điều đó hơn bao giờ thể hiện ở chỗ đất nước xây dựng được một thế hệ công dân khác thường bắt đầu từ những cuốn sách giáo khoa và những người thầy. 

Những cuốn sách ấy phải được xây dựng từ những con người tinh hoa thực sự của đất nước, từ những giọt mô hôi của các nhà khoa học giáo dục chân chính có tâm, có tầm nhìn xa trông rộng, được thẩm định hết sức khắt khe và chặt chẽ, có tính thống nhất cao, được định hướng bằng những nhà lãnh đạo xuất sắc vì dân phục vụ, vì một quốc gia - dân tộc hùng cường. 

Phẩm cách quốc gia có thể là những thứ xưa cũ, nhưng phẩm cách quốc gia cũng có thể là những thứ mới mẽ được bắt đầu xây nên. Tôi vẫn hy vọng có một phẩm cách Việt Nam khác thường để nhân dân ta tự hào và thế giới mến mộ, và ngay từ bây giờ phải có sự góp phần của những cuốn sách giáo khoa chuẩn mực và những người thầy cô có tấm lòng cao cả, hết lòng vì thế hệ tương lai.