Hợp tác công - tư trong giáo dục: Trong hay đục?

Thái Hạo Thứ tư, ngày 04/10/2023 07:35 AM (GMT+7)
Trước hết, xin nói luôn là tôi không phản đối hợp tác công tư theo nghĩa rộng và tích cực, ví dụ: Nhà nước cấp đất, hỗ trợ tài chính và xây dựng chính sách cho các trường tư hoạt động. Sự "hợp tác" này không những cần được ủng hộ mà nên trở thành một chính sách ở tầm vĩ mô.
Bình luận 0

Nhưng các hình thứ Hợp tác công tư mà dư luận đang bức xúc cần được nhận diện chính xác đề có những chính sách và chế tài cần thiết hợp lý:

1. Chúng ta hãy bắt đầu từ thực tế. Với sự hợp tác (gọi chung là xã hội hóa) này, ta cần gọi đúng tên của các chương trình liên kết trong trường công, đó là dạy thêm, học thêm. Ngoài chương trình xương sống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì mỗi một môn được đưa thêm vào chính là một chương trình mới/khác, mà không phải chỉ có một, thường là nhiều. Và như thế, nhà trường công đang phải cùng lúc chạy nhiều chương trình.

Thứ nhất là sự rối loạn trong mục tiêu giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục quốc gia đã được thiết kế với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, vậy nhiệm vụ của nhà trường (cũng tức là nhà nước) là phải tổ chức các hoạt động giáo dục để đạt được mục tiêu đó. Nay, đưa thêm các chương trình khác vào thì chỉ có 1 trong 2 trường hợp (hoặc cả 2) sau đây: làm thay, làm bù cho chương trình chính khóa; hoặc thực hiện một nhiệm vụ khác. Cả 2 trường hợp này đều không thể chấp nhận, vì thứ nhất nó cho phép các cơ sở giáo dục công miễn trừ và thoái thác trách nhiệm; thứ hai, nó gây nhiễu về mục tiêu giáo dục phổ thông.

Chạy một lúc nhiều chương trình khiến cho học sinh không còn thời gian nghỉ ngơi, thực hành và phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống thường nhật lành mạnh và định hướng nghề nghiệp, các em phải suốt ngày vùi đầu vào sách vở, cố hoàn thành các bài học và bài tập do các chương trình này đưa ra. Nó vắt kiệt sức lực, tạo nên những méo mó trong tâm lý, tính cách và nhân cách. Điều này là trái với tinh thần "giáo dục toàn diện" trong Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục quốc gia 2018.

Thứ hai là vấn đề tiền bạc, học phí từ các chương trình liên kết: đối với đa số phụ huynh, nó là một gánh nặng thật sự. Bên cạnh đó nó tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong cùng một môi học tập giữa các bạn học và không học các chương trình liên kết; từ đó sẽ dẫn đến những tâm lý đẳng cấp, lo lắng, đố kỵ hoặc tự ti..., tạo ra sự bất bình đẳng có thể là ngay trong từng lớp học, trường học.

Một thực tế khác nữa, đó là việc liên kết đang tạo ra một thị trường thượng vàng hạ cám hết sức tùy tiện và nguy hại. Đó là chưa kể đến việc thiếu kiểm soát về thẩm định chất lượng của các công ty giáo dục tư cộng thêm với sự len lỏi của lợi ích mang tính chi phối dường như bất khả trong việc giám sát, đã dẫn đến các "chỉ định thầu" bị sai sử bởi quan hệ và đồng tiền, đang gây ra những hệ lụy nặng nề cả về chất lượng giáo dục lẫn sự lành mạnh, tử tế cần có, làm băng hoại không ít các mối quan hệ sư phạm thiết yếu. Hiện tại, đã có thể dùng từ "vấn nạn" cho tình trạng này.

2. Bây giờ chúng ta hãy thử nhìn vấn đề ở một chiều kích rộng lớn hơn. Nhu cầu và điều kiện của người học rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, học sinh đang không những không có nhiều lựa chọn khi hệ thống công vẫn áp đảo hệ thống tư. Trong khi đó giáo dục công lại đang bị quá tải, vì thực tế là vừa thiếu giáo viên, vừa thiếu trường lớp, sĩ số lớp học đang cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn và cả vấn đề thu nhập của giáo viên cũng đang là một bài toán khó...

Tất cả những điều này đang gây ra khó khăn cho cả 2: nhà nước và người học. Nhà nước thì gánh quá nặng và gánh không nổi những nhu cầu muôn mặt của người học, người học thì bị hạn chế trong lựa chọn của mình. Tình trạng này gây ra sự dồn ứ, tắc nghẽn ngay trong chính hệ thống công. Nếu không tháo gỡ, xé toang hàng rào để học sinh tràn ra ngoài, nơi các trường tư đang [sẽ] đợi sẵn thì điểm nghẽn này nếu còn kéo dài có thể gây ra những hậu quả khôn lường về mọi mặt.

Việc liên kết với tư nhân sẽ dẫn đến kết cục sau đây: Không khuyến khích được hệ thống giáo dục tư phát triển một cách hoàn thiện, lớn mạnh; và đồng thời tiếp tục kéo học sinh đổ dồn vào hệ thống công. Đã bế tắc lại càng bế tắc hơn. Vì rõ ràng, giả sử sự hợp tác này có hiệu quả đến đâu đi chăng nữa thì nó vẫn rối loạn trong mục tiêu giáo dục như đã trình bày, và tình trạng quá tải thì vẫn không hề giảm đi, bởi hợp tác thì tư nhân cũng chỉ sử dụng cơ sở sẵn có của công, chứ đâu có xây thêm hay đầu tư mở rộng. Còn "hợp tác" theo kiểu sử dụng nguồn tài nguyên số của tư nhân như một số nhà giáo dục đề nghị thì nó còn đặt ra nhiều vấn đề nữa, như sở hữu trí tuệ, nhân sự vận hành, v.v..

Nhập công và tư lại với nhau không những làm công bị méo mó rối loạn mà còn khiến cho tư không thể phát triển và phát triển một cách lành mạnh được. Đây cũng là đang gián tiếp hạn chế cơ hội của những học sinh có nhu cầu và điều kiện kinh tế khá giả. Nó sinh ra sự chồng chéo đã đành mà còn làm biến tướng chương trình giáo dục quốc gia, làm nảy sinh những tiêu cực ngày càng khó kiểm soát.

Nghiêm trọng hơn, nó sinh ra, duy trì và đẩy cao tình trạng bất bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục. Với các trường công chất lượng cao, ví dụ như hệ thống chuyên, khi liên kết với các công ty giáo dục tư thì học phí phải trả sẽ ngày càng leo thang, và vì thế nó sẽ chặn đứng một bộ phận "con nhà nghèo học giỏi" trước cổng trường/cửa lớp. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho hệ thống trường chuyên và trường chất lượng cao nói chung trở thành trường của con nhà giàu và gây nên khó khăn chung toàn bộ cho học sinh cả nước. Từ sự bất bình đẳng ban đầu này trong giáo dục sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài về mặt xã hội, đó là kéo rộng và khoét sâu khoảng cách khoảng giàu - nghèo vốn đã tồn tại. Như thế là bất công, vì lấy bớt cơ hội của học sinh nghèo nhưng có ý chí và học giỏi trong khi lại đồng thời cung cấp cho học sinh con nhà giàu một sản phẩm không hoàn toàn hợp ý và thỏa mãn (chương trình liên kết).

Nghĩa là hợp tác công-tư, theo tôi, là một con đường sẽ đi vào ngõ cụt, việc 'gạn đục khơi trong' gần như không thể có một viễn cảnh hứa hẹn nào.

Mô hình liên kết đang khiến tư và công như hai đứa trẻ sinh đôi nhưng bị dính bụng vào nhau. Việc phẫu thuật để tách chúng ra là cần thiết và cấp bách. Vì thế, thay vì cố gắng "gạn đục khơi trong" thì nên để cho cả 2 đều được "trong" theo cách của riêng mình, nước sông không phạm nước giếng. Cần một sự rạch ròi giữa công và tư, để cứu cả 2, chứ không phải chập 2 thành 1 như nhiều cơ sở giáo dục công lập đang thực hiện

3. Vì thế, có một cách đơn giản hơn việc bao cấp hay cố gắng "gạn đục khơi trong" ở mô hình liên kết, và sẽ góp phần vào cách giải bài toán này, đó là khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho tư nhân làm giáo dục. Từ đó, dứt khoát tách hẳn tư ra khỏi công. Khi hệ thống tư đủ lớn, đủ rộng và đáp ứng được đa dạng nhu cầu cũng như điều kiện tài chính khác nhau của phụ huynh thì hệ thống công sẽ tự khắc được 'giải thoát'. Vì lúc đó, các gia đình, đặc biệt là gia đình có điều kiện, sẽ có nhiều lựa chọn và sự lựa chọn cũng dễ dàng hơn so với hiện tại khi mà mức học phí trường tư còn quá cao so với thu nhập bình quân của xã hội.

Khi công tư phân minh rồi thì một "làn sóng di cư" ra khỏi trường công để đến với trường tư sẽ diễn ra mạnh mẽ. Lúc này, công sẽ trở nên thông thoáng, tư sẽ sống được một cách đường hoàng, ổn thỏa và chuyên tâm cho việc xây dựng uy tín, chất lượng của mình để sống còn trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng công bằng và lành mạnh.

Một khi đã tách được ra khỏi nhau thì trường công chỉ còn một nhiệm vụ là hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, đáp ứng nhu cầu của xã hội nói chung là phổ cập giáo dục, và trong đó vẫn dành một phần xứng đáng cho "con nhà nghèo học giỏi". Còn trường tư, lúc này khi đã được giải phóng khỏi một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng với trường công, nên sẽ cung cấp dịch vụ một cách đa dạng cho nhiều đối tượng khách hàng ở các phân khúc khác nhau.

Điều quan trọng hơn hết là sự phân công xã hội đối với giáo dục, từ đây, sẽ trở nên rõ ràng, mạch lạc, và đi vào nề nếp. Sẽ không còn nữa sự chồng chéo, méo mó và các vấn nạn dạy thêm do biến tướng đang bùng phát ngày càng trở nên khó kiểm soát như hiện nay. Học sinh cũng sẽ có nhiều thời gian hơn chứ không phải suốt ngày đi học thêm với những cái tên như "tăng cường", "liên kết"...

Có nhiều thời gian là một lợi thế lớn lao chứ không phải cái gì đáng lo lắng cả. Vì, từ đây, cùng với việc đầu tư tập trung của nhà nước, các hoạt động giáo dục phong phú sẽ có cơ hội được tổ chức một cách nghiêm túc và hiệu quả. 

Các câu lạc bộ sẽ ra đời, các hoạt động giáo dục đa dạng sẽ dần hiện diện. Giáo dục không phải chỉ có nhồi nhét lý thuyết, giáo dục còn cần thực hành. Việc hoạt động một cách tự do, sôi nổi trong nhà trường và ngoài xã hội mới đích thực biến kiến thức thành nhân cách, giúp rèn luyện thể chất, tinh thần, kỹ năng; khiến các em có một đời sống khỏe mạnh, cân bằng, hạnh phúc...

Trách nhiệm căn bản và bắt buộc của nhà nước là phải mang đến cho xã hội một nền giáo dục phổ cập. Còn với những ai có nhu cầu cao hơn hay khác hơn thì ra với hệ thống tư, và ở đó sẽ đáp ứng được hầu hết những đòi hỏi muôn mặt. Nhà nước không cần làm quá vai trò của mình (bằng chuyện liên kết) và cũng không được "chuyển nhượng" nó cho người khác.

Không nên cố "gạn đục khơi trọng" nữa vì vừa... mệt vừa không hiệu quả. Một giải pháp xã hội cho câu chuyện giáo dục là điều cần thiết: mau chóng tách hai đứa con song sinh bị dính bụng này ra, nếu không, khi chúng càng lớn lên sẽ càng khó khăn, khổ sở và nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem