Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với PV Dân Việt.
Môi trường kinh doanh không thuận lợi, cùng một số yếu tố bất lợi trong nước và quốc tế khác, đang là bước cản trong quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam, TS. Cung cho biết.
Theo ông, công chức hiện nay đang trong tình trạng sợ trách nhiệm, sợ làm sai vì các quy định pháp luật chồng chéo nhau, và tình trạng các luật không khớp với nhau được ông gọi là "làm một luật phải sửa tám luật".
Dẫn ví dụ, TS Cung đề cập tới câu nói của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồi tháng 4/2023 rằng TP.HCM năm 2022 có 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ và Bộ đã có 604 văn bản trả lời; tuy Bộ có trả lời nhưng quá trình thực hiện vẫn không trôi chảy, căn cứ vào trả lời đó cũng không biết sao mà làm.
Ông thông tin thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã làm rõ hơn vấn đề bằng cách xếp các văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào 4 nhóm vấn đề.
Nhóm 1 là văn bản hỏi về các vấn đề thực tiễn của thành phố phát sinh nhưng quy định pháp luật chưa có. Nhóm 2 là những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia. Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau. Nhóm 4 là đã có quy định rõ nhưng còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên hỏi.
"Vì vậy, công chức phải đánh đổi – thà đứng trước Hội đồng Kỷ luật còn hơn là đứng trước Hội đồng Xét xử", TS. Cung nhận định và nhấn mạnh "hóc búa hơn nữa là chưa có giải pháp căn cơ, nghĩa là tình trạng luật và quy định còn chồng chéo nhau, không thống nhất".
Việc môi trường kinh doanh còn chưa thuận lợi nên theo TS. Nguyễn Đình Cung, kinh tế chưa thể tăng tốc. Ví dụ trường hợp TP.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước, một thủ tục nào đó muốn được trình lên UBND phải được gửi đến tất cả hơn 20 sở, ngành để xin ý kiến; rồi phải chờ nhận đầy đủ phản hồi. Trong các phản hồi đó, nếu một ý kiến không đồng thuận thì phải bắt đầu lấy ý kiến lần 2; và có thể là sẽ không được trình lên nếu các sở ngành không thông qua hết.
Một khó khăn khác kìm hãm kinh tế là niềm tin của thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư thấp nên họ không đầu tư. Các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng,… không còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, chưa kể có giai đoạn thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng. Đến nay, tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu vẫn còn.
"Ai sẽ làm thay đổi được tình hình này?" TS. Cung nói và cho biết thêm, ông chưa tìm thấy câu trả lời.
"Với gần 35 năm trải nghiệm qua các cải cách, diễn biến thăng trầm kinh tế Việt Nam, tôi thấy đây là thời điểm khó khăn nhất. Các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động thật sự mạnh mẽ vì nói mà không làm thì không giải quyết được gì cả", ông Cung cho biết.
Việt Nam vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối FDI này liên tục giúp Việt Nam xuất siêu. Tuy nhiên, Nhà nước phải đưa ra các biện pháp và chính sách thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khối kinh tế trong nước, cả doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, để tạo căn cơ cho kinh tế nước nhà, theo TS. Cung.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong các quý I, II và III năm nay lần lượt là 3,28%, 4,05% và 5,33%; và của cả 3 quý là 4,25%, theo Tổng cục Thống kê. Ông Cung dự báo tốc độ cao nhất năm nay sẽ không quá 5% và năm 2024 sẽ tăng chỉ khoảng 5,5%.
Kinh tế thế giới cũng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng yếu, được Ngân hàng Thế giới (WB) gọi là "thập kỷ mất mát" tới năm 2030. Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới và là nền kinh tế hướng về xuất khẩu nên bị ảnh hưởng chung.
Nguyên Viện trưởng CIEM chỉ ra hàng loạt "cơn gió ngược" đang trùm lên kinh tế thế giới, bao gồm nhu cầu nhập khẩu từ bên ngoài vẫn còn thấp, nhất là từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… Xuất khẩu vẫn khó khăn; xuất khẩu các sản phẩm chế dù có cải thiện với mức không đáng kể.
Về tài chính – tiền tệ, nhiều nền kinh tế gồm Mỹ vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ; lãi suất và lạm phát vẫn cao hơn thông lệ và chuẩn mực phổ biến đang áp dụng. TS. Cung nhận định đây là nguyên nhân làm Việt Nam không còn dư địa giảm lãi suất; và tình hình thế giới có thể gây ra những biến động về tỷ giá.