Chuyên gia: Muốn GDP 2023 tăng trưởng 6%, Việt Nam cần huy động nguồn lực "đúng lúc"

An Linh Thứ hai, ngày 02/10/2023 14:26 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia cho rằng để GDP 2023 tăng trưởng 6 - 6,5% theo kế hoạch là điều khó và đạt 5,4 - 5,6% là khả thi. Tuy nhiên, nếu chúng ta tính toán đầy đủ các cơ hội, nguồn lực và biết "huy động đúng lúc, hiệu quả, GDP 2023 của Việt Nam vẫn đạt trên 6%, thậm chí từ 6,3%-6,7%.
Bình luận 0

Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT vừa công bố tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2023, theo đó tăng trưởng 3 tháng qua đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, do mặt bằng tăng trưởng thấp, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là rất thách thức, đòi hòi nhiều giải pháp đồng bộ để vừa tăng trưởng GDP, kìm giữ lạm phát vừa cung ứng vốn đầy đủ cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

TS Lê Đăng Doanh: Tăng trưởng GDP khả dụng 5,4-5,6%

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 chỉ từ 5,4% - 5,6%. 

"Tôi suy nghĩ nếu đạt mức này đã là cao ở ASEAN rồi bởi nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn, tác động bất lợi của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Đây là xu hướng chung, chúng ta cũng phải chấp nhận, đối diện", ông Doanh phân tích.

Chuyên gia: Muốn tăng trưởng 6%, cần chặn giá cả tăng kiểu "té nước theo mưa" - Ảnh 1.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

"Chúng ta đều biết kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp, 10 năm họ đều đạt tăng trưởng 10%, nhưng năm nay họ cũng chỉ phấn đấu đạt tăng trưởng 5%; ngoài ra các đối tác kinh tế khác như EU, Mỹ cũng rất khó khăn, căng thẳng. Ta thấy ở Mỹ, vừa qua Thượng viện và Hạ viện cố gắng để Chính phủ thoát khỏi cảnh dừng hoạt động. Fed liên tục tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp khiến đời sống người dân khó khăn, thị trường suy giảm...", nguyên Viện trưởng Viện CIEM nói.

"Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 6% là một nỗ lực rất lớn, nhưng nếu đạt mức 5,4-5,6% thì cũng chấp nhận bởi khó khăn này là chung rồi", TS Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, điểm sáng hiện nay là nông nghiệp, tăng trưởng tốt, mặt hàng mới xuất khẩu sang Nhật, Hàn và Mỹ, EU... chúng ta có tiến bộ trong việc đưa hoa quả, rau củ sang các nước phát triển.

TS Doanh nhấn mạnh: "Số doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động, khó khăn hiện nay vẫn rất cao, trong khi doanh nghiệp mới thành lập, gia nhập thị trường vẫn khó khăn, lãi suất dù giảm song không mấy ai muốn vay vốn do thị trường tiêu thụ chậm, yếu, nhu cầu suy giảm".

"Cần tăng cường kết nối trên thị trường thương mại điện tử, không gian mạng để giảm bớt chi phí, giá thành sản xuất, buôn bán. Kết nối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, nông sản, mua hàng nguyên liệu để giảm chi phí trung gian, tiến tới giảm chi phí logistic, vận tải... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, làm sao để bộ máy công khai, minh bạch chi tiêu ngân sác, quy trình bổ nhiệm cán bộ, người dân đóng góp ý kiến", TS Doanh phân tích.

Cũng trao đổi với PV về vấn đề này, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, Bộ Tài chính tin tưởng vào tăng trưởng cao, phục hồi tốt của kinh tế Việt Nam.

Phải chặn hành vi "té nước theo mưa", gây lạm phát kỳ vọng của trung gian

Ông Thịnh cho rằng: "Tăng trưởng thấp hiện nay không đáng quan ngại do như mọi người nghĩ bởi tăng trưởng chậm, thấp trước hết là do ảnh hưởng của kinh tế quốc tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu bị suy giảm mà xuất khẩu lại là động lực của tăng trưởng của nền kinh tế. Nhu cầu xuất nhập khẩu giảm đi, tăng trưởng giảm thì là điều hết sức bình thường".

Chuyên gia: Muốn tăng trưởng 6%, cần chặn giá cả tăng kiểu "té nước theo mưa" - Ảnh 2.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, Bộ Tài chính (Ảnh: NVCC).

PGS Đinh Trọng Thịnh phân tích: "Xuất khẩu suy giảm kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc, đồng lương suy giảm, lạm phát giá cả tăng cao... đó là hiệu ứng thời sự đối với nền kinh tế"

Ông Thịnh cho rằng, mục tiêu tăng trưởng Quốc hội, Chính phủ đặt ra năm 2023 là 6-6,5% dựa trên các yếu tố khó khăn, thuận lợi đan xen. Nhưng chúng ta không nên quá sợ hãi khó khăn mà quên đi chúng ta còn có nhiều động lực tăng trưởng, trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần hỗ trợ họ tìm kiếm thị trường, hỗ trợ cải cách thể chế để có dư địa tăng trưởng cao hơn.

"Nếu chúng ta tính toán đầy đủ các cơ hội, nguồn lực và biết "huy động đúng lúc, hiệu quả, tôi vẫn tin tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt trên 6%, thậm chí từ 6,3%-6,7%", ông Thịnh kỳ vọng.

Theo ông Thịnh, các quý I, II và III tăng trưởng theo hướng từ thấp lên cao, quý I/2023 đạt 3,32%, quý II là 4,14% và quý III là 5,33%. Nếu quý IV, nền kinh tế bứt phá lên tăng trưởng 8-10%, chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6% trở lên.

Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng trên 8% cho quý IV năm 2023 là rất khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng hơn nữa. Bởi thực tế, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy quý IV năm 2022 GDP tăng 5,92%, so với cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm 2021 là 5,22%, năm 2020 là 4,7%. Các quý IV giai đoạn năm 2011-2019 tăng trưởng cũng không quá cao lần lượt chỉ 7,04%; 5,99%; 6,38%; 7,29%; 7,38%; 7,50%; 8,18%; 7,78%; 7,52%.

Ông Thịnh cho rằng bây giờ cần tìm và tính tất cả giải pháp, trong đó có kỳ vọng giải ngân đầu tư công đang được tăng cường đẩy rất mạnh. Nếu giải ngân 95% kế hoạch đề ra, sẽ đóng góp tăng trưởng GDP hơn 2%.

Về tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, ông Thịnh dẫn chứng đến tháng 9, chỉ số này mới tăng 9,7%. 9 tháng của năm 2022, tổng mức bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng trên 16,6% tăng trưởng rất mạnh, cùng kỳ 16,6%.

Cả năm 2022, chỉ số này tăng 19% so với 2021. Như vậy, mức tăng hiện nay là chưa đến 10% là còn dưa địa lớn và đòi hỏi các giải pháp phải tăng mạnh mẽ bởi cứ tăng trưởng 1% của chỉ số bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng sẽ làm GDP tăng trưởng 0,25%. Nếu cả năm đạt tăng trưởng 18-19%, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 2 - 2,5% nữa.

Ông Thịnh cho rằng, muốn tăng chỉ so bán lẻ và kinh doanh dịch vụ, bắt buộc phải kiểm soát lạm phát, tăng chi phí lưu thông hàng hóa và tăng cầu mua sắm của người dân. Hiện trạng thắt lưng buộc bụng khiến ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nói chung và hoạt động nhiều ngành nghề lĩnh vực.

"Cần đặc biệt kiểm soát lạm phát chi kỳ vọng do hiện tượng té nước theo mưa khiến giá cả nhiều loại mặt hàng tăng lên. Quý II, III có thể lạm phát cao do giá lương thực, xăng dầu, đi lại và giáo dục tăng, nhưng quý IV phải kiểm soát được yếu tố này, để giảm áp lực lên người dân, xã hội", ông Thịnh nói.

Bộ KH&ĐT: Tăng trưởng Việt Nam cao hàng đầu thế giới

Trao đổi với báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng quý III đạt 5,33%, vượt mong đợi, đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%.

Nếu so sánh với quốc tế, với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới thì tăng trưởng của chúng ta là cao. Trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều cao hơn, thậm chí hơn cả những nước châu Âu như Anh, Pháp, kể cả Mỹ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8/2023, xuất khẩu đạt hơn 228 tỷ USD, nhập khẩu chỉ đạt 208 tỷ USD, nền kinh tế đạt xuất siêu hơn 20 tỷ USD. Dù vậy, xuất khẩu vẫn trong đà suy giảm, tính đến thời điểm 8 tháng qua, xuất khẩu suy giảm hơn 24,8 tỷ USD, tương ứng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem