Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ đã được ban hành về phát triển ngành nghề nông thôn, sẽ có 7 ngành nghề được hỗ trợ mặt bằng, khoa học công nghệ.
Cụ thể, 7 ngành nghề nông thôn được Nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Với 7 ngành nghề này, về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, Nghị định 52 quy định: Các cơ sở ngành nghề nông thôn đề xuất dự án đầu tư có hiệu quả được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, với dự án đầu tư đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới được ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp tập trung, Nghị định 52 cũng quy định, ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí để di dời ra khỏi khu dân cư, đến địa điểm quy hoạch. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Nghị định 52 còn hỗ trợ khoa học công nghệ cho 7 ngành nghề nông thôn trên, như: Cơ sở ngành nghề nông thôn khi thực hiện các hoạt động triển khai ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm mới, và thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, hay tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, được hưởng các ưu đãi theo chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.
Đồng thời, cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện đề tài nghiên cứu độc lập, hoặc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học để tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hoá, thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thì được hỗ trợ kinh phí theo quy định hiện hành.
Để thực hiện, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước đối với làng nghề, ngành nghề nông thôn. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; bảo tồn và phát triển làng nghề. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Ngoài ra, hàng năm, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp vào phương án phân bổ ngân sách trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của các làng nghề và các cơ sở ngành nghề nông thôn.