Nhiều dự án ngành nghề nông thôn được hỗ trợ lên đến 500 triệu đồng

Quang Dương Thứ ba, ngày 03/10/2023 19:33 PM (GMT+7)
Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đã ban hành, nhiều dự án nằm trong diện sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ 500 triệu đồng/dự án.
Bình luận 0

Đối tượng áp dụng của Nghị định 52 bao gồm các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định công nhận; các tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý ngành nghề nông thôn (cả trung ương và địa phương).

Nhiều dự án ngành nghề nông thôn được hỗ trợ lên đến 500 triệu đồng/dự án - Ảnh 1.

Nhiều dự án ngành nghề nông thôn được hỗ trợ lên đến 500 triệu đồng. Ảnh minh họa: D.Q

Theo Nghị định 52, các dự án được ưu tiên hỗ trợ là chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường;

Dự án thuộc chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; dự án phát triển hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu trong nước hoặc xuất khẩu; 

Dự án sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; dự án sản xuất, chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn;

Dự án sản xuất, chế biến muối sạch; dự án phát triển sinh vật cảnh; dự án làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; dự án sản xuất các sản phẩm từ phế, phụ phẩm nông nghiệp...

Trong đó, đối tượng hỗ trợ xây dựng dự án là cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại địa phương. Nội dung chi hỗ trợ dự án gồm: mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án; tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án; quản lý dự án. 

Mức hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.

Nhiều dự án ngành nghề nông thôn được hỗ trợ lên đến 500 triệu đồng/dự án - Ảnh 3.

Sản xuất bánh tráng tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: D.Q

Riêng với các làng nghề sẽ được hưởng hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề gồm: đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Những làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương hay làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống, được ưu tiên hưởng chính sách.

Nguồn kinh phí hỗ trợ bao gồm nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu và ngân sách của địa phương. 

Nghị định 52 quy định UBND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem