Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho thấy, sau tuyên bố của Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 08/10/2023 về việc nước này sẽ phải cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay, Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi tuyên bố xác nhận trước báo giới Indonesia Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây của nước này.
“Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nước nhập khẩu chính”, ông Arief Prasetyo Adi xác nhận.
Lãnh đạo Cơ quan hậu cần quốc gia -Preum Bulog (Cơ quan được Chính phủ Indonesia chỉ định là đơn vị nhập khẩu gạo) ông Mokhamad Suyamto-Giám đốc chuỗi cung ứng và các dịch vụ công cũng đã có khẳng định ngày 10/10/2023.
Theo đó, “Preum Bulog sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan”. Preum Bulog cho biết tất cả các giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các cơ quan hữu quan Indonesia ban hành và việc nhập khẩu sẽ được thực hiện sớm nhất bắt đầu từ cuối tháng 10/2023.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhấn mạnh, việc Indonesia chọn Việt Nam là nguồn cung chính cho các đợt thu mua lua gạo của Indonersia đã khẳng định thêm vị thế, uy tín chất lượng của hạt gạo Việt Nam.
Nguồn cung gạo Việt Nam luôn là nguồn cung uy tín, giành được sự tin tưởng của Chính phủ và người tiêu dùng Indonesia trong bối cảnh Indonesia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về sản lượng lương thực sản xuất trong nước do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino.
Ngày 13/10/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 623 USD, gạo 25% tấm là 608 USD/tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 đạt 6,6 triệu tấn, trị giá 3,6 triệu USD.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng khuyến cáo, để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần lưu ý hướng dẫn của Bộ Công Thương trước đó về xuất khẩu khẩu gạo sang thị trường Indonesia.
Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường. Đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch. Ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho nông dân với giá có lợi. Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.
Trước đó, trong bối cảnh giá gạo tăng cao, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 8/10/2023 cho thấy, nước này phải cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay.
Theo Tổng thống Jokowi: "Lượng gạo thu hoạch trong 6 tháng cuối năm 2023 không đủ để đáp ứng nhu cầu gạo trong nước. Chính phủ cần thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ tới cuối năm 2023". Lý do nước này phải cần thêm gạo dự trữ, theo Tổng tống Jokowi xuất phát từ việc sản xuất nông nghiệp nước này bị ảnh hưởng mạnh của hiện tượng El Nino cũng như Chính phủ cần thêm gạo để bình ổn giá gạo thị trường vốn đang tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Theo Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia (Bulog), lượng gạo hiện có trong kho của cơ quan này tính đến ngày 22/9/2023 đạt 1.723.000 tấn, trong đó 1.659.000 tấn là gạo dự trữ quốc gia.
Giá gạo tại Indonesia tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Theo Cơ quan Lương thực quốc gia, giá gạo bán lẻ ngày 8/10/2023 của nước này là 13.200Rp/kg (tỷ giá 1USD tương đương 15.400 Rp) đối với gạo phẩm cấp trung bình; 14.920 Rp/kg đối với gạo chất lượng cao, trong khi giá gạo bán lẻ cao nhất theo quy định của chính phủ là 10.900 - 11.800 Rp/kg đối với gạo phẩm cấp trung bình và 13.900 - 14.800 Rp/kg đối với gạo chất lượng cao.
Mức lạm phát giá gạo Indonesia trong tháng 9/2023 tăng 18,44% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất từ năm 2014. Giá gạo tháng 9/2023 cao hơn tháng 8/2023 là 5,61%, mức cao nhất từ tháng 2/2018.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, trong năm 2023 nước này đề ra mục tiêu sản xuất 54,5 triệu tấn thóc (32,07 triệu tấn gạo), tương đương với mục tiêu năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng dự báo này sẽ bị điều chỉnh do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Việt Nam công bố ngày 10/10/2023, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 9 tháng năm 2023 đạt 884.177 tấn với giá trị 462 triệu USD, tăng 17,7 lần về lượng và 19,2 lần về giá.
Đáng chú ý, sau thông tin Indonesia cần nhập thêm 1,5 triệu tấn gạo, nguồn cung chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 13/10 đã đạt 623 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với phiên giao dịch ngày 9/10/2023, giá gạo 25% tấm cũng tăng lên 608 USD/tấn (mức giá ngày 9/10 là 598 USD/tấn). Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 đạt 6,6 triệu tấn, trị giá 3,6 triệu USD.
Một thương nhân ở TP.HCM cho biết: “Giá đã ổn định sau khi Indonesia cho biết họ sẽ mua nhiều hơn trong năm nay, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch vụ Hè thu đang cạn”.