Từ 3 tháng nay, tiền lương của anh Nguyễn Trọng Nam, 39 tuổi - Nhân viên giao nhận hàng của một đại siêu thị Nhật tại Hà Đông (Hà nội) bị giảm sâu. Anh Nam cho biết, trước tiền lương cứng của anh được 7 triệu đồng, cộng các khoản phụ cấp ăn trưa, làm thêm giờ, cả tiền thu nhập tăng thêm nếu vượt doanh số thì tổng thu nhập có thể lên được 14-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giờ đây thu nhập giảm sâu chỉ còn hơn 1 nửa (8 triệu đồng).
"Tiền lương thấp, doanh số không đạt nên các khoTiền lương thấp, lao động "tự sa thải" ngày càng nhiềuản phụ cấp cũng bị cắt giảm. Với khoảng 8 triệu đồng tiền lương của tôi và thêm từng ấy tiền lương của vợ thì không đủ để trang trải thuê nhà cửa, lo cho 2 con ăn học", anh Nam kể.
Khó khăn chồng chất, mới đây anh xin chuyển làm ca sáng, chiều tối có thời gian để đăng ký chạy giao hàng thêm của mấy hãng xe công nghệ kiếm thêm thu nhập.
"Tôi đang tính, nếu 1 -2 tháng tới thu nhập vẫn giảm sâu thế này thì sẽ nghỉ việc hẳn rồi tìm việc khác làm chứ ngày chạy xe 10-12 tiếng thế này quá mệt, thu nhập cũng không đều", anh Nam nói.
Cùng chung số phận, nhiều lao động phổ thông làm công nhân cũng đối mặt với nguy cơ bị sa thải, thậm chí nhiều người đã không chịu được áp lực từ việc giảm thu nhập mà tự nghỉ việc.
Chị Nguyễn Thị Lâm, 43 tuổi, công nhân Công ty Da giày ở Thanh Hóa cho biết, trước đây 1 xưởng của chị có 5-6 chuyền. Thời điểm cần đơn hàng gấp, công ty còn cho tăng ca, mở tới 7-8 chuyền, nhưng giờ thì chỉ còn 2 chuyền, hoạt động cầm chừng, công nhân làm giờ hành chính không tăng ca.
"Hiện nay mong muốn lớn nhất của công nhân lao động là tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương chưa thống nhất được tăng lương tối thiểu vùng cho công nhân lao động. Dự kiến phiên đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ được mở lại vào cuối năm 2023 này".
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam)
"Khó khăn lắm, giờ tổng thu nhập còn có 5-6 triệu đồng sao đủ chi tiêu. Cũng may nhà vẫn còn mấy sào ruộng cấy lúa, trồng ít rau nuôi được ít gà tăng gia chứ không khó khăn lắm", chị Lâm nói.
Trước khó khăn chồng chất, người lao động một mặt tiết kiệm chi tiêu, mặt khác phải tìm việc làm thêm. Chị Nguyễn Thị Ngân, 38 tuổi, quê Nam Định hiện làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) kể: Hai vợ chồng chị từ quê ra Hà Nội làm ăn, cưới nhau được 10 năm giờ mới tích cóp được chút tiền, ông bà hỗ trợ thêm mua nhà. Thế nhưng gom góp mãi mới được 500 triệu đồng. Mua căn nhà chung cư hết 950 triệu đồng, giờ thì mắc nợ ngân hàng 400 triệu đồng, nợ anh em 50 triệu đồng.
"Nếu công việc cứ ổn định, thu nhập hai vợ chồng được chừng 20-22 triệu đồng thì cũng đủ ăn tiêu, lo tiền trả nợ ngân hàng. Tính vậy, nhưng đợt rồi công ty tôi khó khăn, thu nhập cũng giảm theo. Giờ tổng thu nhập của tôi chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng", chị Ngân kể.
Chị Ngân nhẩm tính, mỗi tháng 4 triệu đồng tiền học cho hai con, tiền ăn tiết kiệm lắm cũng mất 5 triệu đồng chia cho 4 người. Tiền sinh hoạt (điện, nước, giấy vệ sinh...) gia đình thêm 3 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền đình đám, tiền chi phí khám chữa bệnh... Tính sơ sơ thì 1 gia đình 4 người như nhà chị có tiết kiệm nhất mỗi tháng cũng tiêu hết 15 triệu đồng. Giờ thêm khoản nợ ngân hàng 7 triệu đồng mỗi tháng khiến anh chị như ngồi trên đống lửa.
"1 tháng nay vợ chồng tôi cứ đi làm về là tăng ca buổi tối. Chúng tôi ra chợ đầu mối mua rau củ, nông sản về bán ở chung cư. Anh đi lấy hàng về còn tôi chia đơn, rồi cùng 2 con tranh thủ đi ship hàng vào buổi tối và sáng sớm. Mỗi đơn cũng lãi được 5.000 -7.000 đồng. Trung bình mỗi ngày cũng bán được từ 15-20 đơn. Ngày cũng lời được 150.000 đồng đến 200.000 đồng, trung bình mỗi tháng cũng có thêm 5-6 triệu đồng. Khoản tiền này bù được khoản tiền lương giảm của 2 vợ chồng, rau củ quả, đồ ăn bán ế thì gia đình lại ăn luôn nên tiết kiệm được tiền mua đồ ăn", chị Ngân kể.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, đây là thời điểm khó khăn nhất với người lao động. Đơn hàng sụt giảm, thu nhập cũng giảm theo. Thậm chí nhiều công ty, doanh nghiệp còn cắt giảm đơn hàng. Bởi vậy, theo ông Quảng rất cần sự quan tâm của các cấp công đoàn tới công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
"Ngoài ra, tôi cho rằng bản thân công nhân, lao động cũng phải chủ động trong lao động sản xuất. Thích ứng với khó khăn, tìm kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập", ông Quảng nói. Bên cạnh đó, ông Quảng cũng cho biết, Hội đồng tiền lương quốc gia cũng có kế hoạch, cuối năm 2023 sẽ họp bàn tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.