Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã hoàn thành đề án cải cách tiền lương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thay mặt Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ, trong đó có nội dung cải cách tiền lương.
Theo đó, nội dung của đề án cải cách tiền lương được thực hiện kể tư 1/7/2024. 6 nội dung cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được đề xuất gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; Chế độ phụ cấp; Chế độ tiền thưởng; Chế độ nâng bậc lương; Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; Quản lý tiền lương và thu nhập.
Đối với nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27 của Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
"Sau năm 2024 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Ban Cán sự đảng trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.
Đối với giáo viên mầm non, tiểu học, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết lực lượng này được hưởng tiền lương và các chế độ phụ cấp lương theo địa bàn hoặc theo công việc đảm nhiệm như đối với viên chức nói chung.
Ngoài ra, giáo viên mầm non và tiểu học còn được hưởng các chế độ ưu đãi như: Phụ cấp ưu đãi nhà giáo; phụ cấp thâm niên nghề (dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội).
Đối với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề (70%); phụ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp, phụ cấp lưu động; phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số…
"Mặc dù được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập (tiền lương và phụ cấp) cao hơn so với ngành, nghề khác, đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn", Chính phủ thừa nhận.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, Thủ tướng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Mới đây, Bộ LĐTBXH cũng ban hành Thông tư 07/2023/TT- BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn tiền lương, xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, tiền lương của giáo viên, giảng viên dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được điều chỉnh một bước. Mức tiền lương cao nhất của giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lên tới hơn 14 triệu đồng.
Ông Trần Minh Thịnh - Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết việc tăng lương cho công chức, viên chức là giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phù hợp trong bối cảnh tiền lương của giáo viên nói chung và đặc biệt tiền lương của nhóm giáo viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn đang rất thấp.
Ông Thịnh cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan tới việc cải cách tiền lương cho giáo viên, ví như: Chế độ phụ cấp; chế độ giảng dạy thâm niên....
Vui lòng nhập nội dung bình luận.