BÀI TRƯỚC:
"Miễn học phí - Có thể hay không thể?": Chính sách nhân văn, làm nức lòng dân (bài 1)
Nhiều tháng nay, cuộc sống của những công nhân như chị Phạm Thị Thuỷ (quê Thanh Hóa) ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội gặp không ít khó khăn. Đối với hàng triệu công nhân như chị công việc không tăng ca, thậm chí có nơi làm tuần 4 ngày, nghỉ 3 ngày thì cuộc sống càng thêm khốn khó, đặc biệt với những ai có con đang đi học.
Trong căn nhà trọ rộng chừng 20m2, chia sẻ với PV Dân Việt, chị Thuỷ cho biết, từ đầu năm tới nay công ty không tăng ca, thứ 7, chủ nhật vợ chồng chị được nghỉ. Chính vì vậy thu nhập cơ bản với người có thâm niên hơn 10 năm như chị chỉ dao động khoảng 7 triệu đồng.
"Có tháng vừa rồi, công ty có đơn hàng, chúng tôi được làm thêm cả ngày thứ 7 nên thu nhập nhỉnh hơn một chút. Với tôi làm hơn 10 năm ở công ty còn được vậy vì có thêm tiền thâm niên chứ những công nhân mới đi làm thì lương chỉ khoảng 5 triệu đồng, khó khăn vô cùng", chị Thuỷ chia sẻ.
Vợ chồng chị Thuỷ có 2 con nhỏ lần lượt đang học lớp 10 và 3. Đầu năm học của con cả hai vợ chồng gom góp mãi mới đủ tiền trang trải các khoản cho con.
"Con lớn của tôi vào 10 lớp trường dân lập do không có hộ khẩu Hà Nội nên bắt buộc phải học trái tuyến học phí gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng chưa kể ăn uống. Cả hai con tiền ăn bán trú rồi tiền quỹ lớp, học liên kết, môn ngoài giờ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể,… từ đầu năm tới giờ tính cả hai đã mất gần 20 triệu đồng", chị Thuỷ kể. Cả hai vợ chồng làm công nhân, có con nhỏ nên vợ chồng chị Thuỷ đăng ký với công ty xin làm khác ca để có thời gian cơm nước, chăm sóc con cái.
"Vợ chồng tôi mỗi người một quê, đi làm công nhân ngoài này gặp rồi lấy nhau nên mỗi năm chỉ sắp xếp về quê nội ngoại 1, 2 lần. Công nhân lương thấp trong khi đủ khoản tiền từ tiền nhà trọ, tiền học của con cái nên không dư dả gì.
Chẳng giấu gì, năm nay vợ chồng tôi dồn tiền lo việc nhà, xong lo tiền học của con nên xin chủ nhà trọ khất nợ tiền thuê phòng nửa năm nay. Tiền phòng mỗi tháng hết 1,2 triệu đồng chưa kể điện nước. Vì ở lâu năm, bác chủ trọ dễ tính, biết vợ chồng khó khăn, bác cho nợ cả năm. Chủ nhà trọ không tăng tiền phòng. Những tháng tới phải tiết kiệm để dồn tiền trả tiền phòng và tiền học của con", chị Thuỷ nói.
Cũng như chị Thuỷ, những ngày đầu năm học, chị Đặng Thị Thu (quê Hà Tĩnh) lại vô cùng lo lắng với các khoản tiền đóng học của con. Vừa bước chân đi làm về tới cửa, chị Thu tất tả chuẩn bị cơm nước để con gái ăn xong đi học thêm môn Tiếng Anh.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Thu kể, chị đã có thâm niên gần 20 năm làm công nhân. Trước chị làm cho một công ty hơn 10 năm nhưng vì chồng đi làm công nhân xây dựng ngoài và thường xuyên đi tỉnh nên chị đã chuyển sang làm cho một công ty khác được khoảng 8 năm nay. Những năm qua chị Thu không tăng ca, làm giờ hành chính với mức thu nhập chưa đến 6 triệu đồng.
"Trước đó, khi doanh nghiệp chưa khó khăn thì tôi được thêm 250.000 đồng tiền chuyên cần và một số khoản phụ cấp khác nhưng giờ bị cắt hết. Mỗi tháng mọi người được nghỉ 5, 6 ngày. Thu nhập thấp quá nên tôi đang tính tìm một công việc khác", chị Thu thở dài.
Chính vì mức thu nhập thấp nên vài tháng gần đây chị Thu đã tính thêm việc kinh doanh online, mỗi tháng chị kiếm thêm được 1-2 triệu đồng để trang trải tiền nhà trọ.
"Gia đình nào có điều kiện thì họ đóng các khoản như quỹ phụ huynh hay học phí cả năm, vợ chồng tôi đều là công nhân, mức thu nhập không ổn định, chỉ dồn đóng cho con từng tháng một. Công nhân chúng tôi hay nói vui với nhau nhưng cũng là thực tế, nếu ngày mùng 10 lấy lương là đầu tháng thì ngày 11 trở đi đã là cuối tháng. Thường ngày 15 trở đi là tôi đã 'cháy túi' phải vay mượn thêm. Đến tháng lấy lương lại gửi lại, cứ như vậy tháng sau bù tháng trước", chị Thu thật thà chia sẻ.
Bớt khó khăn hơn so với chị Thuỷ, chị Thu, anh Nguyễn Văn Sáng (quê Hưng Yên) cho biết, thời điểm hiện tại không tăng ca mỗi tháng anh được 10 triệu đồng. Tiền công nhân của vợ anh Sáng khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lo cho hai con đang học lớp 9 và lớp 5 nên vợ chồng anh Sáng gặp rất nhiều khó khăn.
"Ấy vậy nhưng so với nhiều công nhân tại công ty tôi vẫn còn may. Nhiều người khi mới vào làm lương chỉ 4-5 triệu đồng. Cả hai vợ chồng mỗi tháng dưới 10 triệu đồng trong khi tiền thuê nhà, ăn uống, con cái học tập. Có bạn gửi con ở quê tâm sự bảo dù nhớ con lắm nhưng không dám về thăm con vì về phát sinh thêm nhiều khoản", anh Sáng nói.
Với những công nhân như anh Sáng phải cân đối nhiều thứ như hạn chế về quê, đi lại, sinh hoạt, thắt chặt chi tiêu. Anh cho hay, nếu những tháng tới tiếp tục không có việc làm, tăng ca nhiều người sẽ không thể cầm cự được bởi làm không đủ ăn chưa kể tiền nhà trọ, con cái học tập…
"Hôm vợ tôi đi họp phụ huynh, cô giáo lớp con tôi còn khóc khi kể một câu chuyện trước đó cô thấy một học sinh trong lớp mặc quần áo rách, tìm hiểu ra mới biết gia đình em có bố mẹ làm công nhân nhưng cuộc sống khó khăn. Nghe xong chúng tôi đều rất thương. Thế mới thấy nhiều người còn vất vả", anh Sáng kể.
Nam công nhân cho hay, sang năm con trai lớn của anh sẽ chuyển cấp lên lớp 10 và phải học trường dân lập do gia đình không có hộ khẩu Hà Nội. Chính vì thế, vợ chồng anh Sáng không khỏi lo lắng vì học phí và các khoản thu của con chắc chắn sẽ tăng lên.
"Tôi mong công việc ổn định để lao động có thêm thu nhập, bên cạnh đó tôi mong muốn Bộ GDĐT điều chỉnh giảm tiền học phí cho con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn, các trường hạn chế tiết dạy ngoài giờ, liên kết... để giảm chi phí cho phụ huynh đặc biệt là những công nhân như chúng tôi", anh Sáng bày tỏ.
Là lao động tự do, một gánh 2 con nên mỗi lần tới đầu năm học là chị Nguyễn Thị Lâm, 44 tuổi (Thanh Hóa) như "ngồi trên đống lửa".
Chị Lâm kể, công việc khó khăn, tiền lương thấp, chưa kể công việc làm công nhân giày da thường xuyên ngồi nhiều, chị mắc bệnh về mắt và xương khớp nên không thể ngồi lâu. Chị tự xin nghỉ việc rồi về học nghề làm tóc.
“Học nghề về mở quán được thời gian, nhưng khách ít tôi đóng cửa quán, xin đi làm phục vụ nhà hàng. Công việc tự do, tiền lương thấp, chỉ được 5,5 triệu đồng/tháng”, chị Lâm kể.
Lương thấp, một mình nuôi 2 con ăn học nên rất vất vả. Theo chị Lâm, tiền học phí và các khoản đóng góp cho con trai đầu học lớp 11 là hơn 8 triệu đồng, tiền đóng góp đầu năm của con trai học mẫu giáo là hơn 2 triệu đồng. Tổng cộng là hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó tiền lương của chị chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, không có tích lũy thì khoản tiền hơn 10 triệu đồng ấy quả là gánh nặng với chị.
“Để có tiền đóng học cho con tôi vay vay mượn tứ tung, cũng may xã vừa bầu cho gia đình tôi là gia đình cận nghèo. Hy vọng các cháu sẽ được giảm bớt học phí”, chị Lâm kể.
Vì áp lực kinh tế, phải xoay xở tiền ăn, tiền học cho các con, chị mắc bệnh nhưng không có tiền đi khám. “Tôi hy vọng tới đây nhà nước có thể giảm hoặc miễn học phí cho con em là lao động tự do, thu nhập thấp như chúng tôi”, chị Lâm nói.
Không chỉ lao động tự do, công chức “nghèo” cũng thở dài vì đóng tiền học cho con
Mặc dù Nhà nước mới thực hiện tăng lương cơ sở nhưng về cơ bản tiền lương của công chức viên chức vẫn còn khá thấp. Theo báo cáo về tình hình lao động việc làm Quý II/2023, tiền lương bình quân lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đây là mức bình quân tiền lương của lao động, còn thực tế qua khảo sát của Viện Công nhân, Công đoàn, tiền lương của công nhân, lao động (khu vực ngoài nhà nước khoảng 8 triệu đồng) trong khi đó, tiền lương của nhóm công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước vào khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Nga (công chức phường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhà chị có 3 con, 1 con gái đầu học cấp 3 và 2 bé còn lại đang học cấp 1 và 2. Đầu năm học gia đình chị đã đóng gần 20 triệu tiền học phí cho 3 con.
“Tiền học phí đóng theo quy định, chỉ 300.000 đồng/tháng, nhưng có khá nhiều khoản khác nên tiền đóng góp tương đối nhiều. Tất cả vào khoảng gần 7 triệu đồng”, chị Nga chia sẻ.
Cũng theo chị Nga, tiền lương của một công chức văn hóa phường của chị (hệ số lương 3,33) chỉ được gần 6 triệu đồng, cộng với các khoản phụ cấp được khoảng 6,5 triệu đồng. Trong khi đó, lương của một nhân viên giao hàng của chồng chị khá thấp, chỉ được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này 2 vợ chồng chị phải chật vật lắm mới lo đủ cho 3 con ăn học.
“May chúng tôi không phải mua nhà, có nhà sẵn của bố mẹ cho. Ông bà 2 bên hỗ trợ thêm chứ không thì chưa chắc đã lo được cho 3 con”, chị Nga nói.
Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Trần Thu Phương - Phó trưởng Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết câu chuyện học phí đang là gánh nặng với hầu hết các gia đình công nhân, lao động.
Theo bà Phương, thời gian qua Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát về đời sống công nhân, lao động trong các khu công nghiệp. Kết quả cho thấy đời sống của công nhân lao động đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều công nhân không được làm thêm giờ, không được tăng ca. Các doanh nghiệp cố gắng lắm cũng chỉ bảo đảm cho lao động làm 8 tiếng 1 ngày, vì vậy thu nhập giảm sút rất nhiều.
"Thu nhập giảm mà các khoản thu tiền học của con lại tăng. Nếu chỉ nói tiền học phí thôi thì không nói làm gì, nhiều trường còn nghĩ ra đủ các khoản thu. Nhiều khoản tới mức phụ huynh còn không nhớ nổi tên", bà Phương nói.
Bà Phương chia sẻ câu chuyện của chính mình: "Đến như tôi là công chức, đi làm được hơn 20 năm rồi lương hơn chục triệu đồng mà con đi học còn cảm thấy áp lực huống hồ là công nhân, lao động đi làm tháng được 5-6 triệu đồng phải chi trả đủ thứ, từ tiền thuê nhà, tới tiền ăn uống, sinh hoạt...".
Bởi vậy, theo bà Phương, quan điểm của Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) là không ủng hộ việc "lạm thu" thu quá nhiều hiện nay ở các trường. Ngoài tiền học phí ra, các khoản khác phải dựa trên tinh thần tự nguyện, hạn chế các môn học liên kết không có trong chương trình chuẩn của Bộ GDĐT.
Bà Phương nói thêm, thời gian qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân, lao động khó khăn, quan tâm đặc biệt hỗ trợ con công nhân, tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra về việc thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Qua đó, chỉ đạo các cấp công đoàn hỗ trợ giúp lao động có con trong độ tuổi học mầm non ở các trường tư thục làm hồ sơ để được hỗ trợ. Mức hỗ trợ tuy thấp (chỉ 160.000 đồng/tháng) nhưng cũng hỗ trợ được ít nhiều cho công nhân lao động.
Tại Hội nghị thông tin tuyên truyền Đại hội Công đoàn TP.Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, chiều 11/10, ông Tạ Văn Dưỡng - trưởng ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội cho hay, thành phố có trên 2,7 triệu lao động làm việc tại khoảng 270.000 doanh nghiệp, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Cuộc sống của nhiều người lao động rất khó khăn do gánh nặng nuôi con, thuê trọ…
Ông Dưỡng nêu rõ ngoài mong muốn tăng thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động sẽ được đưa ra trong Đại hội Công đoàn TP.Hà Nội sắp tới. Thực tế, số lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội chiếm trên 80% tổng số.
"Nhà ở xã hội từ 1-2 tỉ đồng thì công nhân thu nhập 7 triệu đồng/tháng rất khó đáp ứng, nhất là hai vợ chồng nuôi con nhỏ", ông Dưỡng nêu rõ.
Bên cạnh đó, nhiều đoàn viên lao động còn mong mỏi chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu… Đơn cử như tuổi nghỉ hưu, ông Dưỡng bày tỏ nhiều công nhân trong các nhà máy mong chờ điều này vì có người làm tới 40 năm, sức khỏe giảm sút, năng suất lao động giảm.
Tuy nhiên ông cho rằng cần phân loại đối tượng, khu vực cụ thể để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, vị này khẳng định để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng quyền lợi, ví dụ linh hoạt điều kiện nghỉ hưu khi đủ số năm đóng.
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM BÀI TIẾP THEO: "Miễn học phí-Có thể hay không thể": "Chỉ những lãnh đạo có tầm mới có quyết định táo bạo về giáo dục" (bài 4)