"Miễn học phí-Có thể hay không thể": "Chỉ những lãnh đạo có tầm mới có quyết định táo bạo về giáo dục" (bài 4)

Tào Nga Thứ năm, ngày 19/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chuyên gia khẳng định việc miễn học phí là bước đầu tiên trong kế hoạch dài hơi nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các địa phương và "chỉ những người lãnh đạo có tầm mới có những quyết định táo bạo về giáo dục".
Bình luận 0

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM CÙNG LOẠT BÀI "MIỄN HỌC PHÍ-CÓ THỂ HAY KHÔNG THỂ?":

Miễn học phí cho học sinh các cấp: "Một quyết định đúng đắn và sáng suốt"

Trao đổi với PV báo Dân Việt về "Miễn học phí - có thể hay không thể?", ông Bạch Ngọc Chiến - người từng làm việc cho tổ chức giáo dục EQuest, nêu quan điểm: "Miễn học phí cho học sinh các cấp mà một số địa phương đã áp dụng là một quyết định đúng đắn và sáng suốt, tạo sự tiếp cận bình đẳng tới giáo dục cho học sinh thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ mà chúng ta đã khẳng định trong Hiến pháp, trong Luật Giáo dục 2019 nhưng chưa có điều kiện áp dụng rộng rãi. 

"Miễn học phí-Có thể hay không thể": "Chỉ những lãnh đạo có tầm mới có quyết định táo bạo về giáo dục" (bài 4)- Ảnh 1.

Ưu tiên cho giáo dục giữa các địa phương nước ta khác nhau và đang có khoảng cách khá lớn. Ảnh: Tào Nga

Theo tiêu chuẩn của UNESCO, các quốc gia cần dành tối thiểu 15% chi tiêu công cho giáo dục. Quốc hội ra Nghị quyết 37/2004/NQ-QH11 ngày 3/12/2004, nêu rõ: "Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước". Luật Giáo dục 2019 và các Nghị quyết của Chính phủ về chi tiêu công hàng năm đều khẳng định tỷ lệ chi này. Như vậy, Việt Nam đặt ra mục tiêu còn cao hơn tiêu chuẩn của UNESCO. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011- 2019, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo duy trì ở mức 15,6 %, năm 2022 đạt 15,45%. Trên phạm vi cả nước, ưu tiên cho giáo dục giữa các địa phương cũng khác nhau và đang có khoảng cách khá lớn. Chẳng hạn, đến năm 2015, cả nước mới có 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 

Trong việc miễn học phí này, các địa phương có nguồn thu ngân sách tốt thì dễ, những địa phương còn khó khăn về kinh tế mà vẫn miễn học phí quả thực rất đáng trân trọng. Tôi mong rằng việc miễn học phí là bước đầu tiên trong kế hoạch dài hơi nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các địa phương đó".

Chia sẻ thêm về câu chuyện "Miễn học phí - có thể hay không thể?", trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay còn khó khăn sau dịch Covid-19, ông Chiến nói: "Tôi nghĩ rằng học phí chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí của ngân sách nhà nước cho mỗi học sinh. Việc miễn học phí sẽ khiến tăng thêm ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo nhưng việc tăng này là cần thiết vì cho đến nay chỉ tiêu 20% chi ngân sách nhà nước cho giáo dục vẫn chưa đạt được. 

Hơn nữa, so với giá trị tuyệt đối của chi tiêu công trên đầu học sinh, Việt Nam vẫn ở thứ hạng rất thấp. Theo xếp hạng tỷ lệ chi cho giáo dục trong GDP, Việt Nam đứng thứ 91/198 với mức 4,3% GDP năm 2016. Năm 2022, tính theo mức chi ngân sách bình quân thì Luxembourg đang đứng đầu thế giới với 22.203 USD/học sinh/năm, Mỹ đứng thứ hai với 19.380 USD/học sinh/năm. Nếu lấy dự chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam năm 2022 là 330.700 tỷ đồng chia cho 18 triệu học sinh thì mức chi ngân sách nhà nước bình quân cho mỗi học sinh của Việt Nam là khoảng 18 triệu đồng, tương đương khoảng 800 USD/học sinh".

Ông Chiến lấy ví dụ, GDP bình quân đầu người của Mỹ năm 2021 gấp 18 lần Việt Nam, nhưng chi cho giáo dục của họ gấp chúng ta 24 lần. So sánh như vậy để thấy chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa, chi tiêu nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo mới đạt được chỉ tiêu do chúng ta đề ra và tiệm cận với khu vực và thế giới. Việc miễn học phí có khả thi hay không phụ thuộc vào lãnh đạo địa phương chứ không phụ thuộc vào tình hình thu ngân sách. 

"Miễn học phí-Có thể hay không thể": "Chỉ những lãnh đạo có tầm mới có quyết định táo bạo về giáo dục" (bài 4)- Ảnh 2.

Ông Bạch Ngọc Chiến cho biết: "Tôi mong rằng việc miễn học phí là bước đầu tiên trong kế hoạch dài hơi nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các địa phương đó". Ảnh: NVCC

"Có địa phương còn khó khăn về thu ngân sách nhưng vẫn quyết định miễn học phí. Mỗi địa phương có đặc thù riêng và ưu tiên khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng việc ưu tiên cho giáo dục cần được coi trọng thực sự vì nó quyết định cả tương lai gần lẫn tương lai xa của địa phương và đất nước. Chỉ những người lãnh đạo có tầm mới có những quyết định táo bạo về giáo dục.

Năm 1957, việc Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo khiến Tổng thống Mỹ lúc đó là Dwight Eisenhower choáng váng và bất ngờ về thành tựu khoa học kỹ thuật của Liên Xô. Và quyết định quan trọng nhất của ông ngay sau đó là thông qua Luật giáo dục quốc phòng với trọng tâm vào khoa học và công nghệ. Nhờ đó, giáo dục STEM được chú trọng và Chính phủ Mỹ tăng mạnh chi tiêu công vào cải thiện hệ thống giáo dục công ở mọi cấp học. Nhờ đó, chỉ hơn mười năm sau, Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc về khoa học và kỹ thuật, đã đưa người lên Mặt trăng năm 1969 và giữ vị trí siêu cường về công nghệ đến tận ngày nay.

Tôi nghĩ, các nhà lãnh đạo địa phương quyết định miễn học phí là những người có tâm, có tầm và sẽ tiếp tục đưa ra những chính sách tiến bộ trong các lĩnh vực khác. Hành động của họ gửi đi một thông điệp tốt tới các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tới nhân dân và sẽ đem lại những bước tiến trong các lĩnh vực kinh tế xã hội khác của địa phương", ông Chiến nói thêm.

Khẳng định thêm với PV Dân Việt, ông Bạch Ngọc Chiến cho hay: "Miễn học phí là một bước đi trong kế hoạch dài hơi về đầu tư cho giáo dục. Để thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục cần có các biện pháp nhằm nâng cao đời sống cho giáo viên địa phương, xoá bỏ các tệ đoan, xây dựng các thực tiễn mới tiến bộ tại địa phương. 

Theo luật, chính quyền địa phương có rất nhiều thẩm quyền trong việc đưa ra các chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục, đặc biệt là khuyến khích đầu tư theo hình hợp tác công tư trong giáo dục đang được manh nha. Hợp tác công tư là một thực tế phổ biến trên thế giới, ở cả nước đang phát triển và phát triển và đã được luật hoá tại Việt Nam. Chỉ khi phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội thì mới có thể giảm tải gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là học sinh, đối tượng của mọi chính sách của nhà nước và quan tâm của gia đình và xã hội".

Miễn học phí và bỏ tất cả các khoản... vô lý

Liên quan đến vấn đề miễn học phí hiện nay đang được một số địa phương thực hiện, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng, quốc gia nào chăm lo cho giáo dục sẽ là quốc gia hùng mạnh, địa phương cũng vậy. 

Quảng Bình là một tỉnh chưa phải là giàu so với một số tỉnh, thành khác nhưng mới đây đã quyết định miễn học phí cho tất cả các cấp học ở giáo dục phổ thông rất đáng hoan nghênh và trân trọng.

"Miễn học phí-Có thể hay không thể": "Chỉ những lãnh đạo có tầm mới có quyết định táo bạo về giáo dục" (bài 4)- Ảnh 3.

Nhiều phụ huynh cho biết các khoản chi cho học hành của con là "nặng". Ảnh: Tào Nga

Khi quyết định miễn học phí, Quảng Bình đã cân đối ngân sách bảo đảm chi bù vào học phí và có thể có những nhà hảo tâm cam kết lâu dài tài trợ cho giáo dục tỉnh. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo Đảng, chính quyền và HĐND cùng nhân dân Quảng Bình cũng phải chắt chiu dành kinh phí cho giáo dục, hạn chế đầu tư vào các công trình không mang lại nhiều hiệu quả.

Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định, miễn học phí cần đồng bộ với các cơ chế khác. Nhà trường không được phép thu những khoản trái phép dưới mọi hình thức. Các địa phương cũng cần có chính sách bù học phí cho học sinh ở trường ngoài công lập, bảo đảm thu nhập của giáo viên để hạn chế tối đa việc dạy thêm. Dù miễn, giảm học phí nhưng vấn đề đầu tư bảo trì trường lớp vẫn cần được chính quyền địa phương lưu tâm để bảo đảm môi trường học tập an toàn.

Trong khảo sát "Từ phụ huynh đến nhà giáo" do PGS.TS Trần Hữu Quang, Trung tâm nghiên cứu STR, thực hiện tại 5 tỉnh thành (TP.HCM, Đắk Lắk, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang), có đến 56% phụ huynh cho rằng các khoản chi cho học hành của con là "nặng", trong đó 18% cho là "quá nặng", 38% ở mức "tương đối nặng.

Tại TP.HCM, ngay cả những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất cũng có tỷ lệ đáng kể nhận xét các khoản chi cho học hành của con là nặng, nhiều phụ huynh thường xuyên không đủ sẵn tiền để đóng học phí và các khoản khác ở trường cho con.

PGS.TS Trần Hữu Quang thẳng thắn: "Chúng ta đang đi thụt lùi bởi trước năm 1975, trường công ở miền Bắc hay miền Nam đều hoàn toàn miễn phí. Các khoản thu" đẻ" ra giai đoạn khủng hoảng kinh tế xã hội đầu những năm trong thập niên 1980 với mục đích "hỗ trợ đời sống giáo viên", chỉ là biện pháp tình thế. Vậy nên bây giờ đã đến lúc cần phải xem xét và trả lại vấn đề về đúng chỗ".

PGS Quang kiến nghị cần miễn phí hoàn toàn ở trường công lập cấp tiểu học và THCS. Không chỉ miễn học phí mà phải bỏ tất cả các khoản thu vô lý trong nhà trường hiện nay, chỉ ngoại trừ những khoản thu chính đáng như tiền ăn bán trú, tiền xe đưa đón... Các khoản phi lý như tiền sổ học bạ, sơn bảng, tiền mua đèn, quạt, mua ghế ngồi ở sân chào cờ, tiền vệ sinh, bảo vệ... đương nhiên nhà trường công lập phải đảm nhiệm.

Ngân sách các địa phương hỗ trợ giáo dục

HĐND TP.Hải Phòng đã ban hành quyết định tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông theo Nghị quyết số 54 được HĐND TP thông qua năm 2019. Dự kiến Hải phòng trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.

Tại Đà Nẵng, với học phí khoảng 50.000 - 300.000 đồng/tháng, thành phố dự kiến kinh phí hỗ trợ cho học sinh công lập 316 tỷ đồng, học sinh ngoài công lập 92 tỷ đồng.

Năm học 2023-2024, Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến kinh phí hỗ trợ học phí là 327 tỷ đồng cho 470 trường học và 262 nhóm trẻ tư thục trên toàn tỉnh. Trong đó, trẻ 5 tuổi và học sinh THCS gần 190 tỷ đồng; trẻ nhà trẻ, trẻ 3, 4 tuổi, học sinh THPT và học viên tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên năm học 2023-2024 là hơn 137 tỷ đồng.

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết, quy định về việc miễn, giảm học phí năm học 2023 -2024 đã được các cơ quan tham mưu xây dựng kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc miễn học phí 2 năm học gần đây. Quyết sách này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Qua quyết sách này, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền với người dân.

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM BÀI TIẾP THEO: "Miễn học phí-Có thể hay không thể": Cần lựa chọn cách làm và thực hiện theo lộ trình (bài 5)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem