“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học (bài 2)

Nhóm PV Thứ ba, ngày 17/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Có nơi, học phí của học sinh cả tháng chỉ bằng giá… một bát phở nhưng phụ huynh cũng không có điều kiện đóng góp để cho con đi học. Đối với những gia đình nghèo, học phí là một gánh nặng…
Bình luận 0

BÀI TRƯỚC: "Miễn học phí - Có thể hay không thể?": Chính sách nhân văn, làm nức lòng dân (bài 1)

Gia đình nghèo không có tiền đóng học phí, cho con nghỉ học

Theo Nghị định 81 của Chính Phủ và Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND của tỉnh Điện Biên, mức thu học phí năm học 2023 – 2024 đối với học sinh trên địa bàn tỉnh ở bậc học mầm non, THCS, giáo dục thường xuyên cấp THCS là 50.000 đồng/học sinh/tháng; THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT là 100.000 đồng/học sinh/tháng. Đây là mức thu học phí khá thấp của Điện Biên, so với nhiều địa phương trên cả nước.

Dù học phí của học sinh tại nhiều nơi tại Điện Biên đã được miễn, giảm ở một số bậc học là 50.000 đồng, chỉ bằng một bát phở… nhưng cũng rất khó thu. Huyện Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên là một trong 74 huyện nghèo nhất cả nước giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Năm học 2023 – 2024, Nậm Pồ có trên 20.000 học sinh theo học tại các cấp học, trong đó cấp mầm non và THCS – cấp học thuộc diện phải thu học phí thì có trên 12.000 học sinh.

“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học (bài 2) - Ảnh 1.

Tại Điện Biên, cơ bản học sinh được miễn học phí, do điều kiện kinh tế, xã hội của phần lớn các gia đình còn khó khăn. Tuy nhiên, cũng có gia đình ăn không đủ nên cũng không nghĩ đến việc cho con đi học. Ảnh: V.D

Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GDĐT huyện Nậm Pồ, huyện gần như không thu được học phí. Trong số 12.000 học sinh phải đóng học phí, toàn huyện chỉ có 3 học sinh thu ở mức thu 30% học phí, 123 học sinh ở mức thu 50%, 789 học sinh ở mức thu 70%, số còn lại được miễn học phí. Nhưng khi triển khai thu học phí thì rất khó khăn, và gần như không thể thu được. Theo thống kê, toàn huyện được nhà nước cấp bù trên 85%, còn mức thu của học sinh không đáng kể. Có gia đình, không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học.  

PV Dân Việt đã tìm đến gia đình ông Sùng A Súa ở bản Sín Chải, có con theo học tại một trường học thuộc xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Ông Súa có 3 con đang theo học từ cấp học mầm non đến THCS. 2 cháu ở cấp mầm non và THCS đang đóng học phí với mức giảm 50%.

"Nói thật, đến tiền ăn cho gia đình còn chẳng đủ, chứ nói gì đến đóng học phí. Tôi cho cháu lớn (bậc THCS) nghỉ học ở nhà, nhưng thầy giáo đến động viên đi học. Nhà trường cũng không thu học phí nữa. Nếu bây giờ mà truy thu cả năm học trước, tôi không biết lấy tiền đâu để đóng", ông Súa nói.

Tại phường ven biển Đông Hải, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, cuộc sống còn nhiều khó khăn, học sinh bỏ học nhiều.

Một trường hợp điển hình là em T.T.X, học sinh lớp 6 Trường TH – THCS Võ Nguyên Giáp, đã nghỉ học nhiều ngày. Mặc dù được nhà trường và chính quyền địa phương đến tận nhà vận động nhưng em X. vẫn chưa quay lại lớp. Ông Tài Đại Hiếu, phụ huynh em X. chia sẻ, do kinh tế gia đình bấp bênh nên không có điều kiện cho em X. đến trường.

“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học (bài 2) - Ảnh 2.

Trường TH-THCS Võ Nguyên Giáp cho biết có 59 em có nguy cơ bỏ học với nhiều lý do khác nhau. Ảnh: Đức Cường

Chia sẻ với Dân Việt, Ban giám hiệu Trường TH-THCS Võ Nguyên Giáp cho biết, có hơn 1.600 học sinh ở cấp tiểu học và THCS theo học, từ đầu năm học 2023 – 2024 đến nay, có 59 em có nguy cơ bỏ học với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để trang trải học phí.

Ông Nguyễn Văn Dạn, Hiệu trưởng Trường TH – THCS Võ Nguyên Giáp lý giải, vì là vùng ven biển nên nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, nhiều em gia đình khó khăn phải theo cha mẹ đi biển kiếm tiền nên lơ là việc học, dẫn đến học yếu dần dần rồi bỏ học. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp rất ham học nhưng gia đình đông con nên không có điều kiện trang trải học phí, phải nghỉ học giữa chừng.

Cũng theo ông Dạn, hiện nay nhà trường đang áp dụng mức học phí mới theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Thuận là 300.000 đồng/tháng đối với bậc THCS, cao hơn năm những năm học trước nên nhiều em có hoàn cảnh khó khăn rất khó xoay xở.

"Nếu được miễn hoặc giảm học phí so với mức hiện tại thì sẽ tạo điều kiện cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được yên tâm đến lớp thường xuyên. Nhiều gia đình, sẽ không còn lấy lý do "vì hoàn cảnh khó khăn" để cản trở con em mình đến trường học chữ, đặc biệt là những vùng ven biển như Đông Hải hiện nay…", thầy Dạn cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thuần Kính – Phó chủ tịch UBND phường Đông Hải, TP.Phan Rang – Tháp Chàm nói, hiện địa phương đang tích cực phối hợp nhà trường để tìm giải pháp vận động các em tiếp tục đến trường học tập. Trong đó, sẽ tập trung hỗ trợ cho những học sinh khó khăn, làm sao để hạn chế thấp nhất tỉ lệ nghỉ học trong thời gian tới.

Học phí được miễn giảm, vẫn khó thu

Nói về nguyên nhân mặc dù học sinh đã được miễn giảm học phí nhưng vẫn khó thu, ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng GDĐT huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, đa phần các hộ dân đều có mức thu nhập bình quân thấp, điều kiện kinh tế của các hộ dân gần như tương đồng, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo nếu so mặt bằng chung về kinh tế thì như nhau. Do thu nhập của các hộ chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi là chính, rất bấp bênh. Chưa kể có gia đình có 3 con đi học cùng một thời điểm, mà đều phải đóng học phí sẽ là gánh nặng cho gia đình.

Ông Trần Hoàng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nà Hỳ, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên chia sẻ, toàn trường có 268/585 học sinh ở bán trú. Số học sinh ở bán trú đã được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở tại trường. Số học sinh còn lại do gia đình gần, các em đi về nhà. Số học sinh phải đóng học phí của trường là 45 học sinh, nhưng trường chỉ thu được học phí từ một số ít học sinh, gia đình có bố, mẹ là công chức ở huyện có điều kiện. Số còn lại hầu như nhà trường không thu được dù mức thu là 50.000 đồng/tháng, do hoàn cảnh gia đình học sinh.

Tỉnh Điện Biên có hơn 200.000 học sinh thuộc diện phải đóng học phí theo Nghị định 81/2021. Xét trên thực tế tại địa phương, việc thu học phí rất khó khăn vì Điện Biên nằm trong số những tỉnh nghèo nhất cả nước.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Điện Biên chưa thể cân đối được nguồn ngân sách, tỉnh này vẫn thu học phí, đối tượng thu và định mức thu thực hiện theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh.

Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao nên phần lớn học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên được miễn, giảm học phí. Số học sinh phải đóng học phí tập trung ở các thị trấn, thành phố. Con số này rất thấp so với tổng số học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Miễn, giảm học phí khiến ngân sách phải cấp bù cũng rất cao.

“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học (bài 2) - Ảnh 3.

Học sinh Trường TH-THCS Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Đức Cường

Còn tại Ninh Thuận, đại diện Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận cho PV Dân Việt biết, hiện nay, nhằm giảm bớt áp lực cho phụ huynh, học sinh trong việc đóng học phí, các địa phương, đơn vị chỉ thu học phí định kỳ hàng tháng. Nếu học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần nhưng tối đa không quá 3 tháng.

Mức thu học phí ở cấp mầm non, tùy từng vùng, thấp nhất là 50.000 đồng/tháng và cao nhất là 330.000 đồng/tháng. Học phí cấp THCS và THPT, tùy từng vùng, thấp nhất là 50.000 đồng/tháng và cao nhất là 300.000 đồng/tháng.

"Thời gian tới, nếu HĐND tỉnh thông qua quy định mức học phí thấp hơn thì các cơ sở giáo dục tiến hành chuyển số tiền chênh lệch học phí của phụ huynh, học sinh đã nộp sang đóng học phí cho học kỳ sau…", vị đại diện này thông tin.

Cuộc sống khó khăn, phụ huynh mong muốn được miễn giảm học phí các cấp

Năm học 2023 – 2024, Lâm Đồng có trên 330.000 học sinh các cấp, thuộc hơn 680 đơn vị trường học đến trường. Là một năm nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khủng hoảng kinh tế hậu Covid-19, việc lo học phí, các loại quỹ cho con em đến trường cũng trở thành mối quan tâm của nhiều phụ huynh trên địa bàn tỉnh. 

Theo Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cấp học Mầm non, Trung học cơ sở và Giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên cấp THPT ở thành thị có mức học phí là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Các học sinh tại vùng nông thôn phải đóng mức học phí 100.000 đồng/học sinh/tháng (riêng cấp THPT và Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông có mức học phí 200.000 đồng/học sinh/tháng). Còn lại, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, học sinh phải đóng mức học phí 50.000 đồng/học sinh/tháng (riêng cấp THPT và Giáo dục thường xuyên cấp THPT phải đóng 100.000 đồng/học sinh/tháng).

Chị Phan Thị Dung (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho hay: "Tôi có 2 con học cấp THCS, những năm trước Covid-19 thì vấn đề học phí cũng không phải lo nghĩ gì. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Một cháu mỗi năm phải đóng gần 500.000 đồng tiền học phí, cộng thêm các khoản quỹ hội, quỹ lớp, tiền nước uống, vệ sinh, mỗi năm phải đóng gần 1,8 triệu đồng. Tôi đóng học cho hai cháu gần 4 triệu đồng thời điểm đầu năm học là một khoản không nhỏ.

Tôi được biết một số tỉnh đã thực hiện miễn giảm học phí cho con em học sinh tất cả các cấp. Nếu Lâm Đồng thực hiện được chính sách này thì rất nhân văn và phụ huynh ủng hộ. Giảm được số tiền học cho các con thì các cháu có thêm cơ hội tiếp cận điều kiện về vui chơi, học tập tốt hơn".

Trong khi đó, chị Võ Thị Công (phường 8, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, chị có 2 con đang học lớp 1 và lớp 4 tại Đà Lạt, năm 2023-2024 được miễn 100% học phí. Nếu không được miễn thì một cháu phải đóng 2,7 triệu đồng. Vì vậy, tổng một năm 2 con của chị phải đóng 5,4 triệu đồng học phí, còn lại bảo hiểm, quỹ hội, quỹ lớp cao hơn nhiều lần.

"Theo tôi được biết, các học sinh mầm non, THCS, THPT vẫn phải đóng học phí, nếu tỉnh Lâm Đồng miễn giảm cho các cháu thì rất hay. Ở thành phố, nếu bố mẹ các cháu là công chức, viên thức, số tiền miễn giảm đó mỗi năm cũng giải quyết được rất nhiều việc như tiền nhà, tiền sinh hoạt hàng tháng hay học phí cho các cháu tiếp cận các chương trình năng khiếu khác", chị Công bày tỏ.

“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học (bài 2) - Ảnh 5.

Học sinh trên địa bàn TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Văn Long

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Thịnh – Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh Thái Nguyên vẫn căn cứ trên cơ sở Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ để xây dựng mức thu học phí năm học 2023 – 2024 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Mức thu học phí tại Nghị quyết 16/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thái Nguyên được xây dựng ở mức thấp nhất trong khung quy định của Nghị định 81 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, đối với địa bàn các phường thuộc thành phố, áp dụng mức thu 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với mầm non, tiểu học, THCS và THPT.

Đối với địa bàn thị trấn trung tâm các huyện; các xã, thị trấn không phải xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, áp dụng mức thu 100.000 đồng/tháng/học sinh đối với mầm non, tiểu học, THCS và 200.000 đồng/tháng/học sinh đối với THPT. Đối với các xã, thị trấn còn lại, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tháng/học sinh với mầm non, tiểu học, THCS và 100.000 đồng/tháng/học sinh đối với THPT.

Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, Thái Nguyên vẫn căn cứ mức thu học phí bằng mức thu học phí của năm học 2021 – 2022, quy định tại Nghị quyết số 12/2021/NĐ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên, tức là không có sự điều chỉnh tăng. Riêng học sinh tiểu học được miễn học phí theo Nghị định 81.

“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học (bài 2) - Ảnh 6.

Mức thu học phí năm học 2023 - 2024 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được áp dụng theo Nghị quyết số 12/2021/NĐ-HĐND

Chị Kiều Thị Vân, công nhân Công ty Samsung tại KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm học này, gia đình chị có 2 con theo học THCS và 1 con theo học mầm non. Đối với 2 cháu học THCS mức học phí phải nộp là 450.000 đồng/năm/cháu. Còn với cháu mầm non, mức học phí là 900.000 đồng/năm/cháu. 

Chị Vân cho rằng mức học phí này là phù hợp với thu nhập ở vùng nông thôn, tuy nhiên, chị Vân cũng mong mỏi, nếu Thái Nguyên có chủ trương tiến hành miễn học phí các cấp học phổ thông như một số tỉnh thành đã áp dụng như Quảng Bình, Đà Nẵng... thì những người có mức thu nhập khá khiêm tốn như chị sẽ bớt được phần nào gánh nặng chi tiêu, có thể có tích lũy cho các con sau này.

Năm học 2022 – 2023, sau khi có phản ánh của dư luận về việc tỉnh Thái Nguyên tăng mức thu học phí so với năm học 2021 – 2022 và ngay sau khi có Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về việc giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 – 2022, Thái Nguyên đã quyết định trích tiền từ nguồn ngân sách của tỉnh, của huyện, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hoàn trả toàn bộ số tiền học phí chênh lệch đã thu trước đó cho người học. Tổng kinh phí thực hiện để hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện hoàn trả cho học sinh phần chênh lệch học phí tăng thêm giữa mức thu học phí năm học 2022 – 2023 so với mức thu học phí năm học 2021 - 2022 là gần 188 tỷ đồng.

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM BÀI 3: “Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Công nhân, công chức nghèo "vật lộn" với học phí của con

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem