Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII 2023 với chủ đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp vừa được tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội. Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức.
Đại diện cho một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội NDVN tuyên truyền, hướng dẫn thành lập, anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ mì Chũ Nam Thể, tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: Qua hoạt động của Hội Sản xuất và tiêu thụ mì Chũ Lục Ngạn cũng như HTX mì Chũ Nam Thể, thương hiệu mì Chũ ngày càng nổi tiếng, đứng vững trên thị trường. Sản phẩm của HTX không những tiêu thụ tốt trong nước qua các kênh siêu thị, chợ đầu mối mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Hiện sản phẩm mì Chũ đang tiến vào thị trường ĐBSCL. Là sản phẩm nổi tiếng nên mì Chũ đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều, ảnh hưởng lớn tới thương hiệu. Qua diễn đàn, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý thị trường có giải pháp xử lý mạnh tay tình trạng này.
Từ năm 2015, mì Chũ đã được Bộ Công Thương bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia, đến hiện tại Hội Sản xuất và tiêu thụ mì Chũ Lục Ngạn đang có 28 HTX, công ty chuyên sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mì gạo Chũ. Năm 2022 sản lượng mì gạo đạt 18.000 – 20.000 tấn, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, xoá đói giảm nghèo cho rất nhiều hộ.
"Vì thế, rất mong các cấp, ngành có thẩm quyền quan tâm dẹp bỏ, có chế tài xử lí nghiêm mình tình trạng làm nhái, làm giả sản phẩm mì Chũ cũng như nhiều sản phẩm khác", anh Nam bày tỏ.
Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thành Thực – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Bagico cho biết: Tôi là tác giả của phần mềm chuyển đổi số AutoGri, hiện chúng tôi đang triển khai phần mềm này cho một số địa phương và Hội NDVN, tuy nhiên việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông dân chúng ta còn đang chậm và rất yếu, chủ yếu do mọi người ngại thay đổi.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song việc này là nên làm, vì khi áp dụng phần mềm, chuyển đổi số sẽ giúp bà con quản lý sản phẩm của mình dễ hơn. Với phía ngân hàng sẽ giúp có thêm công cụ tiết giảm nhiều chi phí.
"Đối với vải thiều Lục Ngạn, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 chúng tôi đã hỗ trợ số hoá toàn bộ vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu sang Trung QUốc và chưa bao giờ sản phẩm vải thiều lại được tiêu thụ mạnh như thế ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Tại hội nghị này, chúng tôi quyết định sẽ hỗ trợ HTX mì Chũ sử dụng phần mềm miễn phí trong 3 năm" - bà Thực vui vẻ nói.
Đối với việc đưa sản phẩm vào siêu thị, theo bà Thực, các siêu thị không chỉ đòi hỏi chất lượng, mà còn là các vấn đề giao nhận, đổi trả… Do đó chúng tôi rất mong Hội NDVN tuyên truyền có thể thành lập doanh nghiệp trong HTX, từ đó có pháp nhân để giao dịch với doanh nghiệp, xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ rất thành công HTX chuyển đổi số Bình Phước, với chi phí chỉ có 4 triệu đồng để phát triển vùng trồng sầu riêng rộng lớn. HTX này toàn các bạn trẻ, ham học hỏi và đã có những thành công nhất định. Tại sao chúng ta không mời tối thiểu 10% nông dân giỏi vào HTX làm chuyên gia?
"Nông dân giỏi của cấp huyện cũng đã có thể đi dạy nghề sơ cấp cho chính các nông dân, vậy thì nông dân giỏi cấp quốc gia rất nên làm điều đó để chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho những người nông dân yếu hơn. Chúng ta hãy nâng cấp những nông dân giỏi đó thêm trình độ về sư phạm – đây là tiềm năng vô cùng lớn của nông nghiệp Việt Nam" - bà Thực kiến nghị.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, nông dân và các chuyên gia. Đồng thời, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đề nghị các nông dân Việt Nam xuất sắc, các HTX tiêu biểu phấn đấu trở thành hạt nhân dẫn dắt phát triển kinh tế tập thể, thực hiện tri thức hoá nông dân – giải pháp đầu tiên của Nghị quyết 19, giống như chị Nguyễn Thị Thành Thực có nói ở trên, đó là nông dân dạy nông dân.
"Thực tế đây là “đặc sản” của Hội NDVN, mấy chục năm nay nông dân đã làm. Họ dạy thật làm thật chứ không phải dạy lý thuyết, nhưng hiện nay chúng tôi đang vướng ở chỗ không có cơ chế chính sách gì để chi trả thù lao cho nông dân đi dạy nông dân. Chúng tôi kiến nghị khá nhiều rồi nhưng chưa ra được cơ chế cho việc này" - đồng chí Lương Quốc Đoàn chia sẻ.