Trên đây là nhấn mạnh của Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tại Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 13/10.
"Chỉ một thêm 1 click chuột, khách hàng có thể bỏ chúng ta đi"
Tại Hội thảo, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành NH xác định không thể cung cấp dịch vụ, không thể hoàn thành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nếu thiếu sự tham gia của các cơ quan truyền thông, đặc biệt cơ quan truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam - như chúng ta biết 65% người dân sống ở khu vực nông thôn.
"Hội thảo hôm nay có 2 nội dung chính: Trước hết về dịch vụ, có thể thấy, các NH sẽ không tồn tại nếu không cung ứng dịch vụ trên không gian số 1 cách tốt, chất lượng, chi phí hợp lý và an toàn (nếu không người dùng có thể sẽ chuyển sang ngân hàng khác ngay), chỉ cần thêm 1 click chuột có thể khách hàng đã bỏ chúng ta ra đi sang ngân hàng khác. Các NH cũng cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Dũng nói.
Vị Phó Thống đốc này cho biết thêm, về cho vay, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, trong đó có quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử (từ 1/9/2023), dư nợ cho vay của ngân hàng qua phương thức điện tử đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống không vượt quá 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng.
NHNN đã chỉ đạo các TCTD bên cạnh đánh giá khách hàng vay, khả năng trả nợ của khách hàng vay theo phương án truyền thống, NHNN đang phối hợp Bộ Công an đánh giá khách hàng vay theo 2 khía cạnh: xác thực khách hàng và dựa vào cơ sở dữ liệu CCCD và khi cơ sở dữ liệu CCCD giàu dữ liệu hơn (thuế, về bảo hiểm xã hội) thì chúng ta sẽ tiến hành cho vay tín chấp nhiều hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thống đốc đề nghị các NH cần truyền thông tính năng ưu việc của sản phẩm, cái gì tốt cho bà con nông dân (ví dụ thẻ tín dụng nội địa..). Phó Thống đốc cho biết, các dịch vụ của NH, dịch vụ tài chính NH có thiết kế sản phẩm chuyên dụng hướng đến người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn. Phó Thống đốc đề nghị các NH lắng nghe ý kiến bà con nông dân vùng nông thôn, thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp, vì địa bàn nông thôn rất lớn.
Về vấn đề bảo mật: NHNN cam kết ứng dụng của NH là an toàn, "không có câu chuyện hack vào máy chủ của NH, không có câu chuyện hack tài khoản" - ông nói.
Phó Thống đốc đề nghị truyền thông rộng rãi về các phương thức, cách thức lừa đảo như qua tin nhắn, điện thoại, giả danh cán bộ, lừa đảo qua facebook..để người dân nắm được các nguy cơ lừa đảo, cách phòng tránh.
"Cái người dùng băn khoăn chính là tôi dùng dịch vụ có an toàn không? bên cạnh câu hỏi dịch vụ có rẻ không, dễ không, hợp lý không?. Câu chuyện an toàn xuất phát từ phía người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ", Phó Thống đốc nêu.
Hiện nay, mỗi ngày giao dịch thanh toán qua hệ thống NH tương đương 35 tỷ đô la (khoảng 800 ngàn tỷ đồng). Do đó, ngành NH phải đảm bảo an toàn cho các giao dịch đó và sẽ phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, đảm bảo tiện - lợi - an toàn.
Người nông dân và các doanh nghiệp cần gì, không chỉ các dịch vụ về tài chính. Các quốc gia hiện nay đều đưa ra Chiến lược tài chính toàn diện. Trong đó "chiến lược tài chính toàn diện chính là cung cấp dịch vụ tài chính cho những người yếu thế một cách có chất lượng với chi phí hợp lý", tất cả mọi người đều phải được hưởng dịch vụ đó. Để làm được câu chuyện này , không chỉ ngành NH, theo ông Dũng.
Ví dụ khách hàng có thể vào ứng dụng NH đặt xe taxi, xem vị trí xe, ...làm được điều đó thì ứng dụng của NH phải kết nối với các hãng taxi; đồng thời, các hãng taxi cũng phải có những ứng dụng chuyển đổi số của mình, để NH kết nối vào. Do đó cần xây dựng hệ sinh thái và được kết nối với nhau.
"Chuyển đổi số chúng ta nói to tát thôi, nhưng với tôi thì phải cung cấp dịch vụ trên Mobile, tự động hóa giữa các bên", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ông cũng nhấn mạnh:"NH luôn đi trước trong công nghệ, không thể làm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, không thể thanh toán hóa đơn được nếu ngành NH không có hệ thống thanh toán. Tuy nhiên, một mình hệ thống thanh toán của NH không thể làm hết được nếu các bên khác không có sự thay đổi.
"Chúng ta phải cùng nhau, tất cả xây dựng thành hệ sinh thái để làm sao Hà Nội có thể đặt được taxi còn các tỉnh thành, bà con có thể lên ứng dụng NH có thể đặt mua, thanh toán các sản phẩm nông nghiệp... NH đi trước tạo tiền đề cho các ngành khác", ông Dũng nói.
Ngành NH cam kết cung cấp dịch vụ tài chính một cách tiện lợi, an toàn, chi phí hợp lý. Để có được sự an toàn chắc chắn đến từ phía các cơ quan chức năng và người sử dụng. NH luôn đồng hành cùng bà con nông dân.