Trong thông báo về tái cung cấp sản phẩm lần này, NSRP cho biết đã cam kết nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đến nay đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong các sáng kiến chuyển đổi với tổng giá trị 100 triệu USD từ 2021. Những sáng kiến này sẽ giúp công ty đạt giá trị tích lũy hàng năm khoảng 150 triệu USD trong thời gian tới.
NSRP thông báo công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần I được hoàn thành ngày 11/10, vượt tiến độ 7 ngày so với kế hoạch,
NSRP ở Thanh Hóa tạm dừng sản xuất vào ngày 25/8 với thời gian bảo dưỡng dự kiến 55 ngày, là đợt bảo dưỡng đầu tiên sau khi nhà máy vận hành thương mại được 4 năm. Đợt bảo dưỡng này nhằm vệ sinh, kiểm tra, bảo trì các thiết bị và phân xưởng công nghệ quan trọng.
Ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc của NSRP cho biết việc cung cấp lại sản phẩm cho thị trường sớm hơn một tuần là tín hiệu đáng mừng, đồng thời thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong liên danh theo đúng các điều khoản đã thỏa thuận.
Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, NSRP được góp vốn từ tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với tỷ lệ 25,1%, công ty dầu khí Kuwait Petroleum của Kuwait với 35,1%, công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (cũng 35,1%) và công ty Hóa chất Mitsui của Nhật Bản (4,7%).
Cũng theo thông báo của NSRP, việc nâng cao tiềm lực tài chính của NSRP sẽ tiếp tục là chủ đề quan trọng và cấp bách mà các nhà đầu tư tập trung ưu tiên trong chuỗi thảo luận về cam kết hỗ trợ của tất cả các bên liên quan hiện nay.
Theo đó, các thỏa thuận phải được gia hạn cuối tháng 11/2023, và "nền tảng cho việc duy trì hoạt động liên tục và ổn định của NSRP trong tương lai đang thuộc quyền quyết định của tất cả các nhà đầu tư". Các bên liên quan đang hướng tới duy trì hoạt động ổn định cho dự án.
NSRP chịu trách nhiệm cung cấp cho khoảng 35% thị phần xăng dầu trong nước nên có tầm quan trọng đặc biệt trong an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, trong 3 năm tính từ 2019, lỗ lũy kế của liên doanh này đã lên tới 3,3 tỷ USD, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD (theo số liệu từ Bộ Công Thương) do nhiều nguyên nhân như chi phí vốn cao, giá đầu vào bất ổn theo giá thế giới, quản trị doanh nghiệp và yếu tố đồng thuận giữa các bên trong liên doanh. Vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả quản lý.