Bộ Công Thương: Đại lý bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn nhưng không có chiết khấu tối thiểu

An Linh Thứ năm, ngày 12/10/2023 09:12 AM (GMT+7)
Trong Báo cáo số 189 gửi Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép đại lý xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, nhưng vẫn không quy định mức chiết khấu cụ thể.
Bình luận 0

Đại lý được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn

Lý giải Bộ Công Thương về việc không quy định mức chiết khấu tối thiểu là quy định tại Thông tư 104/2021/TT-BTC: "Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu)".

Bộ Công Thương: Đại lý bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn nhưng không có chiết khấu tối thiểu - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề xuất cho đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn (Ảnh: NT).

"Như vậy, mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng có liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Mức chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận. Chiết khấu cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần của mình", Bộ Công Thương cho biết.

Do đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh, sẽ không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu. "Nếu Nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua nhiều nguồn; điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng; rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày thì vấn đề chiết khấu cơ bản sẽ được giải quyết", Bộ Công Thương cho biết.

Về lấy nguồn xăng dầu, quy định hiện hành doanh nghiệp chỉ được phép lấy xăng dầu từ một nguồn, nếu thay đổi phải đăng ký lại với Sở Công Thương các địa phương. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đại lý bán lẻ xăng dầu, có một số thời điểm thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu trên thị trường biến động khó lường, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu giao hàng cho các đại lý với mức thù lao chiết khấu không đủ trang trải các chi phí kinh doanh, thậm chí còn bị thua lỗ khi các chi phí này biến động tăng. Nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu kiến nghị cần quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá xăng dầu cơ sở.

Bộ Công Thương nêu quan điểm đồng tình với quy định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường xăng dầu.

Về công thức điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị chọn phương án giữ nguyên công thức giá cơ sở như quy định hiện hành. Tuy nhiên, cần rà soát một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính tại công thức hiện hành về giá cơ sở (quy định premium trong nước, hao hụt, chi phí dự trữ lưu thông), đồng thời sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để bảo đảm tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

Theo Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nước có nền kinh tế thị trường phát triển đã và đang áp dụng cơ chế quản lý xăng dầu, trong đó quy định mức giá trần như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Đề xuất rút ngắn thời gian điều hành xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, Bộ Công Thương đề xuất định kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ 5 hàng tuần. Theo quy định hiện nay, thời gian điều hành xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết trong giai đoạn vừa qua, thời gian điều hành giá xăng dầu đã liên tục được rút ngắn dần (từ 30 ngày xuống 15 ngày và hiện nay là 10 ngày).

"Thực tế cho thấy, có những thời điểm khi thị trường xăng dầu thế giới biến động liên tục với biên độ lớn, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập khẩu", cơ quan này cho biết.

Do vậy, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày và xác định thời điểm công bố cố định vào ngày thứ Năm hằng tuần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem