Bên lề Diễn đàn Nông dân quốc gia 2023 trong chuỗi sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Công ty CP phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agibank) thực hiện, chúng tôi thấy nhiều người xúm lại gian trưng bày của Hợp tác xã Chế biến và Kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Lúc đó chị Phạm Thị Hoa - Giám đốc HTX đang mời khách ăn thử tôm nõn khô, ai cũng tấm tắc khen thơm ngon và hỏi mua hết sạch.
Đúng lúc giờ giải lao, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cùng các đại biểu cũng đến thăm gian trưng bày. Ăn thử món tôm nõn khô, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn khen tôm dẻo ngọt, đồng thời hỏi han tình hình sản xuất của HTX hải sản Hoa Linh Chi.
Chị Phạm Thị Hoa cho biết, sau hơn 30 năm làm đại lý kinh doanh hải sản khô, năm 2020, khi tham gia chương trình OCOP, chị chuyển đổi cơ sở của mình thành Tổ hợp tác Kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi. Đến tháng 10/2021, chị tiếp tục nâng cấp cơ sở thành HTX với 11 thành viên. Hiện HTX có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm tôm nõn khô, cá ngần khô, mực khô. Riêng sản phẩm tôm nõn khô đang trong quá trình chấm nâng hạng lên OCOP 4 sao.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Hoa không giấu được xúc động khi lần đầu tiên được bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội NDVN hướng dẫn, tuyên truyền thành lập. "Người nông dân chúng tôi quanh năm lam lũ, làm ra sản phẩm chất lượng chỉ mong được người tiêu dùng đón nhận, có thu nhập cao chứ đâu nghĩ sẽ được tôn vinh. Vì thế khi được ghi nhận, vinh danh, sản phẩm được nhiều người biết tới, tôi thấy rất tự hào. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, đặc biệt cảm ơn lãnh đạo Trung ương Hội NDVN đã dành nhiều sự quan tâm, động viên và biểu dương kịp thời".
Chị Hoa cũng cho biết rất bất ngờ khi tại chuỗi sự kiện, các sản phẩm hải sản khô lại được yêu thích như vậy. Nhiều người đã xin số điện thoại của chị để đặt hàng.
"Tôi là người ở xa đến, vậy mà ai cũng hồ hởi hỏi han như đã thân quen từ lâu. Đây cũng là lần đầu tiên tôi gặp Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm, các vị lãnh đạo đều rất thân thiện và chia sẻ với HTX, khiến tôi rất vui và hãnh diện" - chị Hoa nói.
Nữ Giám đốc HTX cho biết, kinh doanh hải sản nhiều năm vốn dĩ đã vất vả, giờ lại đảm đương nhiệm vụ chèo lái HTX, chị rất áp lực. Song nhờ sản phẩm đảm bảo chất lượng nên khách hàng tìm đến mua rất nhiều. Theo chị, tôm cá muốn ngon thì điều quan trọng nhất là phải tươi. Thuận lợi của HTX là có nguồn nguyên liệu rất sẵn từ các tàu thuyền đánh bắt trong ngày. HTX đã đầu tư máy móc đầu tư hiện đại, hải sản được chế biến khép kín đảm bảo an toàn, đạt các chứng chỉ ISO, HACPP Codex...
Điều chị Hoa mong muốn thời gian tới được chính quyền địa phương, các cấp ngành tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thuê đất để HTX mở rộng kho bảo quản, từ đó HTX sẽ chủ động hơn trong khâu thu mua/bảo quản nguyên liệu vào mùa cao điểm.
Cũng trong chuỗi sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam năm nay, PV có dịp gặp gỡ anh Trần Chung Hưng - người tiên phong nuôi cá nước lạnh quy mô lớn tại phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Hiện anh Hưng đang sở hữu đàn cá tầm, cá hồi quy mô lớn nhất tỉnh và vừa được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
"Đứng ở đây tôi thấy phấn khởi, vinh dự vô cùng. Tỉnh Lào Cai năm nay chỉ có mình tôi được trao danh hiệu, nhưng tôi tin chắc sẽ còn nhiều người giỏi hơn tôi" - anh Chung nói với PV Dân Việt.
Tuy nhiên, anh Hưng cũng cho biết, qua thực tế cung cấp thức ăn chăn nuôi cho người dân trên địa bàn, anh nhận thấy cái yếu nhất của nông dân Việt Nam hiện nay là chạy theo tâm lý đám đông, được giá thì đua nhau nuôi trồng, mất giá lại phá đi...
"Theo tôi ngành chức năng nên quy hoạch lại các vùng nuôi trồng ổn định, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hoàn thiện các khâu cho vùng đó để người nông dân yên tâm gắn bó lâu dài, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững trong chuỗi" - anh Hưng nêu ý kiến.
Tại Lào Cai, Hội nuôi cá nước lạnh được thành lập mấy năm nay, dù không đảm nhiệm chức vụ gì trong Hội nhưng anh Hưng được bà con rất tin tưởng.
"Ngoài cung cấp thức ăn, con giống, tôi cũng giúp đỡ hỗ trợ bà con rất nhiều và làm ăn hiệu quả nên khi tôi nói, bà con đều hưởng ứng. Ví dụ vừa rồi nhiều hộ nuôi cá ở xã Liên Minh, Sa Pa bị thiệt hại rất nặng nề do lũ quét, tôi đã phối hợp với Công ty TNHH De Heus trao tặng bà con 10.000 con giống cá hồi và thức ăn cho cá để tái sản xuất" - anh Hưng tiết lộ.
Được biết, gia đình anh Hưng đang sở hữu số trang trại nuôi cá nước lạnh có quy mô lớn nhất tỉnh Lào Cai, gồm 5 trại cá tầm, cá hồi, với hơn 100 bể nuôi cá thương phẩm, cá giống, quy mô diện tích khoảng 8 ha.
Hiện tất cả các trang trại nuôi cá đều có khu vực riêng để làm giống tại chỗ và cung cấp cho bà con địa phương. Toàn bộ cá đến kì thu hoạch đều được cung cấp cho Nhà hàng Song Nhi Sa Pa, Nhà hàng Bố Bản do anh làm chủ và các nhà hàng trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Đối với quy trình làm cá giống, anh Hưng nhập 20.000 - 30.000 trứng từ Ba Lan về để thực hiện ấp nở, tỷ lệ thành công đạt 80%. Con số này chưa thể đủ cung cấp cho các hộ nuôi.
"Thị trường nuôi cá nước lạnh còn rất nhiều tiềm năng, sản lượng trong nước mới chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu cả nước. Con giống cũng vậy, hầu như phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì thế thời gian tới tôi sẽ học hỏi, phối hợp với bà con cũng như các doanh nghiệp có tiềm lực để mở rộng nghề nuôi cá nước lạnh.
Vừa rồi tôi đi Na Uy thăm mô hình nuôi cá nước lạnh của họ, thấy mình lạc hậu lắm. Tôi quyết tâm sẽ đầu tư một chuyến "du học" để chủ động sản xuất giống cá hồi, cá tầm, góp phần phát triển nghề nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa" - anh Trần Chung Hưng chia sẻ.
Năm 2011, anh Trần Chung Hưng thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ du lịch Song Nhi Sa Pa do anh Hưng làm Giám đốc. Công ty đang cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/ tháng.
Từ đầu năm đến nay, anh Hưng đã xuất bán khoản 45 tấn cá tầm, cá hồi thương phẩm ra thị trường, với giá bán dao động khoảng 200 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt hơn 9 tỷ đồng.