Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt

Nguyễn Quân Thứ bảy, ngày 14/10/2023 19:01 PM (GMT+7)
Vào một buổi chiều cuối thu nắng nhẹ, chúng tôi có mặt ở xã Tân Tiến, Hoàng Su Phì (Hà Giang) tìm đến “Hà An Trà”. Ủ trong tay ly “Mỹ nhân Hồng trà” ấm nồng vương khói, nhấp từng ngụm thanh ngát và chúng tôi được nghe câu chuyện về tình yêu với trà Việt của anh Từ Quốc An đến từ Đài Loan.
Bình luận 0
Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 1.

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 1.

Từ Quốc An, một tình yêu với trà Việt.

Anh Từ Quốc An đến Việt Nam nhiều lần với các hành trình từ Bắc vào Nam để xúc tiến thương mại giữa hai đất nước Đài Loan - Việt Nam. Cơ duyên đến với Hà Giang là khi vị doanh nhân người ngoại quốc này nghe nói trên dãy Tây Côn Lĩnh có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân to 2 vòng tay người ôm may ra mới hết. Sự tò mò đã dẫn dắt người đàn ông này tìm đến cây trà ở nơi đây bởi sau bao nhiêu năm làm trà, thậm chí đã từng đi hơn 60 nước trồng chè trên thế giới, ông An vẫn chưa thấy ở đâu có cây trà to  như ở trên dãy Tây Côn Lĩnh.

Năm 2010, quyết định rời quê hương, anh An lặn nội lên núi cao tìm loại trà quý, đồng thời, người đàn ông ngoại quốc này cũng đã sử dựng kỹ thuật truyền đời của gia đình tạo nên những sản phẩm trà kỳ diệu.

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 2.

Cây chè cổ thụ ở huyện Hoàng Su Phì.

Sự xuất hiện của anh Từ Quốc An trong ngành sản xuất trà Việt tạo nhiều khác lạ bởi anh là người đầu tiên vận dụng kỹ thuật chế biến trà Đài Loan (Ôlong, Đông phương mỹ nhân) vào nguyên liệu trà cổ thụ Việt.

Anh Từ Quốc An chia sẻ: "Từ 2010, tôi dành nhiều thời gian cho việc khảo sát vùng trà, đặc tính cây trà, giống trà, thổ nhưỡng, khí hậu, chủ yếu ở hai dải núi Hoàng Su Phì và Tây Côn Lĩnh. Tôi tự lái xe máy đi khắp các bản, dò hỏi thông tin, hễ nghe ở đâu có bãi trà, rừng trà, có cây trà to là nhờ người dân dẫn đường tìm đến. Có những cây trà đại thụ, đường kính thân phải hơn 1 m, luồn rừng 2 - 3 ngày, ăn ngủ trong rừng, mệt mỏi nhưng khi gặp cây trà thì quên hết cả. Đứng trước cây trà, tôi cảm giác mình như trẻ thơ, bởi cây sống qua ngàn năm, mình chỉ vài chục tuổi".

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 3.

Vùng nguyên liệu chè cổ thụ tại Hoàng Su Phì (Hà Giang)

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chè lâu đời ở Đài Loan, nên khi gặp những thân chè cổ thụ rêu phủ hằng trăm năm tuổi vẫn cho thu hái của vùng chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, ông An đã biết đây là vùng nguyên liệu mà bấy lâu mình tìm kiếm. 

Chè cổ thụ sạch, sinh trưởng và phát triển ở vùng núi cao thực sự là nguồn cung cấp nguyên liệu tốt để chế biến những sản phẩm chè cao cấp nhất. Rồi người đàn ông chân chất, giản dị và có đam mê với chè ấy đã dành 3 năm để tìm một nơi có vị trí tốt để dựng xưởng làm chè.

Anh Từ Quốc An kể: "Mẹ tôi khi ở tuổi 92, sau hơn 70 năm làm trà, bà bảo tôi rằng vẫn chưa hiểu hết về trà, dù gia đình tôi chỉ làm một loại trà Đông phương mỹ nhân từ nguyên liệu cây trà trồng công nghiệp, tuổi vài chục năm trở lại. Nên khi nhìn cây trà cổ thụ trăm năm, ngàn năm tuổi vẫn đều đặn cho ra lá để thu hái, tôi thực sự kinh ngạc, bởi biết đây là thứ nguyên liệu "vàng" để có thể chế biến ra nhiều thượng phẩm. Có được nguyên liệu trà cổ thụ trong tay, tôi coi đó như một đặc ân, một mối duyên tiền định nên điều đó càng thôi thúc tôi gắn bó với cây trà Việt".

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 4.

Các sản phẩm trà do Từ Quốc An nghiên cứu chế biến.

Sau những chén trà đậm vị núi rừng, anh An dẫn chúng tôi đến tham quan xưởng chế biến chè với các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại của Đài Loan phù hợp chế biến các dòng hồng trà, trà ô long, đông phương mỹ nhân... Những chiếc máy vò, bom sao, tủ sấy, máy ép bánh trà đều được anh mang từ Đài Loan sang để phục vụ sản xuất, tạo ra các sản phẩm chè chất lượng nhất.

Chia sẻ thêm về nghề chè và giá trị vùng chè Hà Giang, ông An nói: "Vùng chè Hà Giang chất lượng hàng đầu nhưng còn thiếu về máy móc và kỹ thuật chế biến nên giờ đây người dân chỉ biết bán chè giá rẻ cho thương lái Trung Quốc chưa tạo ra được các sản phẩm giá trị cao tại quê nhà. Chỉ cần người Hà Giang có kỹ thuật chế biến cùng với vùng nguyên liệu sạch và cổ kính quý giá này sau này chẳng lo gì không phát triển được".

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 5.

Ông Từ Quốc An giới thiệu mẫu trà đựng trong chum sành.

Được nhiều người biết đến khi làm trà trên mảnh đất Hoàng Su Phì nhưng ông khiêm tốn và cũng không thích xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá cho cây chè Hà Giang, bởi với tâm nguyện ông làm chè của người đồng bào Hà Giang thì nên để người bản địa xuất hiện và giới thiệu. Ông muốn thế giới biết đến chè Hà Giang bởi người Hà Giang giới thiệu chứ không phải một gương mặt nước ngoài làm điều đó.

Nhiều người sau khi uống chè "Ô long", "Đông phương mỹ nhân" của xưởng chè Hà An đều yêu thích hương vị đặc biệt của vùng chè Hà Giang. Nhiều vị khách vì mê mẩn hương chè đã tìm đến Hoàng Su Phì để được trải nghiệm, khám phá vùng nguyên liệu giá trị cao này. Ông An lúc này như một hướng dẫn viên bản địa, am hiểu địa bàn đích thân dẫn những vị khách cao quý từ Châu Âu đến đi thăm các cây chè cổ quý giá của Hoàng Su Phì".

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 6.

Bút chè xanh.

Bôn ba các miền đất của Hoàng Su Phì tìm đất khám phá vùng chè khiến ông càng thêm yêu quý mảnh đất con người nơi đây. Năm 2020, anh An đến xã Tân Tiến nhận thấy nơi này giáp vùng chè cổ thụ Túng Sán, lại có địa hình đón nắng khô ráo, thoáng mát phù hợp làm xưởng chế biến nên anh quyết định dừng lại mở xưởng chè Hà An ở đây. Hà An là hai từ ghép tên anh và mảnh đất Hà Giang thể hiện tình cảm của người nghệ nhân chè Đài Loan với đất và người Hà Giang.

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 7.

Dây truyền sản xuất chè hiện đại nhập từ Đài Loan.

Sau ba năm đi vào hoạt động xưởng chè Hà An của ông An đã cho ra hơn 20 loại chè phẩm cấp thượng hạng từ vùng nguyên liệu Túng Sán, Tân Tiến, Tả Sử Choóng... các sản phẩm của ông chủ yếu được xuất sang các nước Châu Âu và Đài Loan. Hằng năm ông đưa sản phẩm tham gia các hội chợ chè quốc tế xúc tiến thương mại, giới thiệu chè ở Đài Loan, Đức, Trung Quốc... hằng ngày vào vụ chè xưởng của ông tạo công việc cho 20- 30 công nhân là người bản địa.

Ông cũng ký kết hợp đồng thu mua với người dân ở các vùng chè để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất. Trà cổ thụ Việt mang đặc tính là vùng nguyên liệu luôn gắn với người dân tộc thiểu số ở núi cao, ở vùng phong cảnh đẹp, đó là giá trị cộng thêm cho trà ngoài yếu tố đặc sản, bản địa. Lấy ví dụ ở vùng trà cổ thụ Hoàng Su Phì, sự đa dạng của 12 dân tộc sinh sống cùng vẻ đẹp ruộng bậc thang là những tiêu biểu của huyện miền núi này. Phát triển sản xuất trà cổ thụ nơi đây cũng giúp đời sống người dân thay đổi.

"Chỉ cách đây 5 năm, giá trà chỉ dưới 20 ngàn đồng/kg tươi, nay trung bình 50 - 70 ngàn đồng/kg. Từ trồng chè còn mở ra nhiều mô hình như du lịch khám phá chè, khám phá văn hóa bản địa. Tôi coi trà như một sứ giả, và thường dùng để giới thiệu nét đẹp văn hóa, bản sắc bản địa Hoàng Su Phì, Hà Giang đến với người yêu trà, với bạn bè mọi nơi. Khi nhìn thấy phong cảnh, con người Hoàng Su Phì mà tôi chia sẻ, cầm trên tay trà cổ thụ từ Hoàng Su Phì, họ thực sự ngưỡng mộ và mong muốn được thưởng thức ngay.

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 8.

Hiện nay xưởng chè Hà An của ông An đã cho ra hơn 20 loại chè phẩm cấp thượng hạng.

Ở khía cạnh sản xuất, Từ Quốc An cho rằng, người làm trà nếu kỹ thuật đơn điệu, thiếu sức sáng tạo, thiếu sự nghiên cứu, sản phẩm nghèo nàn, lệ thuộc duy nhất một thị trường thì nguyên liệu tốt đến mấy cũng khó nâng giá thành và cạnh tranh trong xu thế hiện nay. Tôi nghĩ việc quan trọng trên hết là trách nhiệm từng người làm trà phải sản xuất thực tâm, không ngừng đổi mới, cải tiến, sáng tạo, phẩm trà làm ra không chỉ ổn định mà còn luôn hay hơn năm trước, khi đó giá trị kinh tế sẽ tự nhiên phát triển.

Dành cả tình yêu cho đất và chè ở Hoàng Su Phì, Từ Quốc An trở thành một người Hà Giang chân chất, tâm huyết và yêu quý chè Shan tuyết Hà Giang. Ông An kỳ vọng người sản xuất trà cổ thụ ở Việt Nam có thể kết nối lại, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, mỗi người có vùng nguyên liệu chuyên biệt, có thế mạnh sản xuất khác nhau, sẽ tạo ra các dòng sản phẩm đặc trưng vùng. Khi giới thiệu sản phẩm trà cổ thụ Việt, tất cả cùng hợp lực, chắc chắn sẽ tạo tiếng vang và có thể đưa ngành trà cổ thụ đặc sản phát triển đoàn kết, bền vững và vươn ra thế giới.

Chuyện kể về người Đài Loan làm trà Việt - Ảnh 10.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem