Dân Việt

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của

Trần Quang 06/11/2023 07:48 GMT+7
Sau khi đọc loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp đăng trên Báo Dân Việt, đại diện một hợp tác xã ở TP. Cao Bằng, là nhà nông trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2019 gọi điện thoại cho chúng tôi. Chị bảo:"Báo Dân Việt phản ánh rất đúng về góc khuất chuyển đổi số nông nghiệp và tôi thấy mình ẩn khuất trong đó".
"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của- Ảnh 1.

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của- Ảnh 2.

HTX ở TP. Cao Bằng đã đầu tư nhà kính để trồng hoa hồng.

Mỏi mòn chờ chính sách hỗ trợ để rồi thất vọng

Trao đổi với PV Dân Việt, vị này khẳng định: "Lâu nay tôi vẫn giấu chuyện về mình, về các tâm tư cay đắng trong nghề. Tuy nhiên, khi đọc được các bài báo: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp" đăng trên Báo điện tử Dân Việt, tôi thấy mình cần phải lên tiếng mong có thể giúp thay đổi nhận thức của nông dân và mọi người về chuyển đổi số.

Tuy nhiên, để thoải mái chia sẻ câu chuyện, tâm tư của mình về nghề, vị đại diện hợp tác xã này xin báo giấu tên để tránh ảnh hưởng đến công việc.

Trong câu chuyện với chúng tôi qua điện thoại, thỉnh thoảng vị đại diện hợp tác xã này lại im lặng như để lấy lại thăng bằng trong cảm xúc.

Vị này nói tiếp: Từ khi tôi làm nông nghiệp đến nay, có nhiều đoàn cán bộ, lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương về trang trại của gia đình tham quan, chụp ảnh và khen ngợi rất nhiều. Trên các phương tiện thông tin, báo, đài cũng đăng nhiều câu chuyện về trang trại, mô hình nhưng đều ca ngợi kèm các hình ảnh đẹp, cách làm ăn giỏi, thu nhập cao. 

Trong nhà tôi hiện cũng treo kín giấy khen, bằng khen của các cấp ghi nhận, trao tặng. Trong đó, phần thưởng cao quý nhất là Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng năm 2019.

"Tuy nhiên, đấy chỉ là bề nổi. Lúc tôi có mô hình hay, thu nhập cao cả nước biết đến nhưng lúc vất vả, gục ngã, vùi dập trong thất bại thì không ai hay. Làm nông dưới đồng bằng đã khổ cực, làm nông trên vùng núi, vùng sâu, vùng xa như chúng tôi khổ hơn vạn lần. Khổ tâm lắm nhưng không ai thấu", vị đại hợp tác xã này chia sẻ.

Chủ giải thưởng Lương Định Của năm 2019 ở Cao Bằng kể tiếp: Dù có bằng thạc sỹ về nông nghiệp và có công ăn việc làm trong cơ quan nhà nước nhưng đến năm 2017, chị vẫn xin nghỉ việc nhà nước về quê khởi nghiệp làm nông nghiệp.

Mới bắt tay vào làm ruộng, chị đã mạnh dạn vay vốn từ các dự án để làm nhà kính trồng dâu tây, hoa hồng. Do có kiến thức làm nông nghiệp, cây trồng, chị làm đến đâu được đến đó, từ 500m2 diện tích ban đầu, chị đã mở rộng được diện tích lên tới 4,5ha. Trong đó, 2,5ha diện tích trồng dâu tây và 2ha diện tích trồng hoa hồng, với gần 8.000 gốc hoa hồng nội, ngoại, lớn nhỏ khác nhau, cho doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận bình quân đạt 600 - 700 triệu đồng/năm.

Kỷ niệm cay đắng nhất trong cuộc đời làm nông nghiệp của chị có lẽ là Tết Nguyên đán năm 2020. Vào đúng đêm 30 rạng sáng ngày mùng 1 Tết, cả nhà đang quây quần bên nhau đón giao thừa thì cơn mưa đá ào ào kéo về. Từng viên đá, hòn đá như cái chén, cái cốc, cái ca nước lao như tên bắn vào nhà kính, ruộng hoa, dâu tây....

"Sau trận mưa, toàn bộ vườn dâu tây ngoài ruộng bị mưa đá băm nát bét, khu vườn trong nhà kính cũng hư hỏng nặng, toàn bộ hệ thống vòi nước tưới nhỏ giọt... cũng bị đá phi vào thủng lỗ chỗ... Thiệt hại ước tính của gia đình khi ấy lên đến gần nửa tỷ bạc nhưng về sau gia đình cũng không được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra", vị này nhớ lại.

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của- Ảnh 4.

Vị đại diện HTX ở TP.Cao Bằng cho biết, chị đã đầu tư nhà kính và hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để chăm sóc dâu tây.

Sau thiên tai, vợ chồng chị phải tự dìu nhau đứng dậy làm lại từ đầu. "Không có vốn, chúng tôi lại lấy "sổ đỏ" của gia đình hai bên cầm cắm để vay ngân hàng. Có bao nhiêu "sổ đỏ" đều mang đi cắm hết. Có lúc vay nợ đến hơn 3 tỷ đồng về làm nông nghiệp nhưng may nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ UBND TP. Cao Bằng, tỉnh Đoàn, Liên minh HTX tỉnh nên mọi việc vay vốn của chúng tôi cũng thuận lợi hơn.

Sau nhiều năm vượt khó, vừa qua HTX cũng trả được bớt nợ ngân hàng, đến nay chúng tôi chỉ còn nợ hơn 1 tỷ đồng", chủ giải thưởng Lương Định Của năm 2019 ở Cao Bằng tiết lộ thêm.

Với những kinh nghiệm tích lũy được, chị còn hướng dẫn cho 8 hộ gia đình khác trong bản, xã cùng nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo. Có lúc trang trại của chị tạo việc làm cho gần 30 lao động là thanh niên ở địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế trang trại khó khăn, chị phải buộc phải cắt giảm lương, lao động để cầm cự, vượt khó.

Dù đã có thành quả bước đầu nhưng chủ giải thưởng Lương Định Của năm 2019 ở Cao Bằng vẫn nuôi ước mơ xây dựng một mô hình nông nghiệp thông minh, một mô hình nhà lưới có lắp đặt các thiết bị cảm biến, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, tưới tự động... 

Khi nhận được thông tin tỉnh nhà ban hành Nghị quyết 20/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nắm bắt lấy "cơ hội vàng", chị đã tự tay viết hồ sơ và bỏ vài chục triệu để thuê thiết kế mô hình nhà kính chuyên nghiệp, bài bản đảm bảo đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ từ chính sách của tỉnh.

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của- Ảnh 5.

HTX ở TP.Cao Bằng đã đầu tư tiền tỷ vào trồng dâu tây công nghệ cao.

"Trong lúc làm hồ sơ, chúng tôi cũng thế chấp "sổ đỏ" để vay vốn hàng tỷ đồng đầu tư, mua trang thiết bị lắp đặt nhà kính phục vụ mô hình để hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng. Đến đầu năm 2022, Sở cũng hoàn thiện hồ sơ gửi lên UBND tỉnh để ra quyết định hỗ trợ. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh gửi hồ sơ lên chờ UBND tỉnh xét duyệt, ra quyết định hỗ trợ nhưng chờ nhiều tháng sau mà vẫn không có phản hồi tích cực. Đến tháng 4/2023, phía UBND tỉnh mới xem hồ sơ và phản hồi về các thông tin trên hồ sơ bị thiếu sót, sai. Ngay sau đó, chúng tôi đã bổ sung thông tin và hoàn thiệt lại hồ sơ gửi lên tỉnh nhưng nhiều tháng sau đó, HTX cũng không nhận được phải hồi về hồ sơ.

"Sau nhiều tháng mòn mỏi chờ đợi, đến tháng 7/2023, UBND tỉnh mới có văn bản thông báo đến HTX: Do chính sách bị sai nên trang trại không được hưởng chính sách hỗ trợ khiến tôi rất chán nản", vị này nói và cho biết, "trong thời gian từ năm 2020 đến giờ, chúng tôi đã tiếp nhiều đoàn từ các sở, ban ngành chuyên môn của tỉnh đến trại thẩm định thực tế mô hình và đều phản hồi tốt, các đoàn đều đánh giá trang trại đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 20/2019/NQ-HĐND nhưng giờ gia đình lại không được hỗ trợ, thê thảm quá!", vị đại diện hợp tác xã này buồn rầu kể lại.

"Tôi đã phải bỏ tiền túi ra để thuê thiết kế và xây dựng nhà kính 5.000m2 và dựng thêm 4.000m2 trị giá hàng tỷ đồng để đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 20/2019/NQ-HĐND nhưng giờ lại không được gì. Một HTX làm ăn chân chính muốn áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp số vào sản xuất mà không được hỗ trợ đến nơi, đến chốn khiến chúng tôi rất thiệt thòi", vị này ngậm ngùi cho biết thêm.

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của- Ảnh 6.

Sản phẩm nho đen của Công ty CP Hoàng Thành đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.

Doanh nghiệp tiên phong làm nông nghiệp ở vùng sâu, vùng biên giới cũng gặp khó

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong dấn thân vào làm nông nghiệp, Công ty CP Hoàng Thành ở Trùng Khánh (Cao Bằng) cũng đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức khi áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp số vào trồng nho sạch kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Trong vai nông dân đang tìm hiểu công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, chúng tôi được anh Hoàng Tình, đại diện Công ty CP Hoàng Thành cho biết, anh đã từng làm hồ sơ để xin hỗ trợ theo chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nếu được hỗ trợ từ tỉnh, doanh nghiệp muốn đầu tư mạnh vào làm nhà kính, nhà lưới công nghệ cao để trồng nho nhưng sau nhiều năm theo đuổi không đạt được kết quả như mong muốn khiến anh phải dừng lại.

"Chúng tôi đã phải bỏ tiền túi để đầu tư thuê thợ thiết kế và làm nhà lưới, nhà màng tưới tự động, tưới phun sương để chăm sóc nho nhưng sau khi nộp hồ sơ và chờ từ năm 2020. Thậm chí Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã có phương án, chủ trương hỗ trợ trình lên nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa phê duyệt, hỗ trợ cho chúng tôi", anh Tình chia sẻ và cho biết, do chờ đợi quá lâu, anh đã liên hệ với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh để hỏi về hồ sơ thì nhận được phản hồi: Do hồ sơ không khớp với chủ trương của Trung ương nên không được hỗ trợ.

"Tôi nghĩ cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm hồ sơ giúp tôi", anh Tình đặt nghi vấn.

Anh Tình cho biết thêm, trước đây chúng tôi trồng nho hai vụ nhưng do thiếu công nghệ mới và sợ cây kiệt sức nên doanh nghiệp của anh phải giảm xuống làm một vụ để cây trồng khỏe và cho thu hoạch bền vững hơn.

"Chúng tôi dự kiến làm nhà màng trồng nho với chi phí lắp đặt các thiết bị, điện, nước, giống... khoảng hơn 2 tỷ đồng. Nếu theo đúng chính sách hỗ trợ của tỉnh, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trên 900 triệu đồng và chúng tôi chỉ phải đầu tư thêm khoảng hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện công nghệ mới vào trồng nho nhưng giờ kế hoạch này không thực hiện được tiếp", anh Tình bộc bạch.

Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần được tiếp sức

Hiến kế để tháo gỡ khó khăn cho chuyển đổi số nông nghiệp, vị đại diện hợp tác xã nông nghiệp ở TP. Cao Bằng cho rằng, chính sách, cơ chế hỗ trợ cho nông dân, HTX, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp của nhà nước là rất đúng và cấp thiết. Tuy nhiên, để những chính sách, chủ trương hỗ trợ đi vào thực tiễn thì các bộ, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương cần cải cách thủ tục hành chính nhanh và hiệu quả hơn. 

"Rút kinh nghiệm từ bản thân HTX của tôi, chúng tôi làm hồ sơ hỗ trợ và nộp từ năm 2019 đến năm 2022, các cơ quan chuyên môn mới có động thái vào cuộc và tôi phải chờ đến tháng 7/2023 mới nhận được văn bản phản hồi của tỉnh về hồ sơ hỗ trợ là quá chậm trễ dễ làm cho người làm nông nghiệp tâm huyết nản lòng", chủ nhân của giải thưởng Lương Định Của năm 2019 nói và kiến nghị: 

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính quyết liệt hơn và áp dụng thực hiện, hoàn thiện các thủ tục cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp qua dịch vụ trực tuyến công để bà con đỡ phải đi lại và tiết kiệm được chi phí, thời gian làm việc.

Thứ hai, nhà nước cần quy hoạch lại vùng sản xuất cho từng loại cây, con để tránh nông dân, HTX, doanh nghiệp làm theo phong trào. "Trước đây ở vùng chúng tôi chỉ có một mô hình trồng dâu tây thì dễ tiêu thụ nhưng đến giờ đi đến đâu cũng thấy bà con trồng dâu nên đầu ra lại càng khó hơn.

Chuyện về cây bưởi Diễn ở Hà Nội cũng thế, giờ đâu đâu cũng thấy trồng bưởi, cả vùng ở Ninh Bình, Thái Bình... toàn đất lúa bà con cũng đưa bưởi về trồng và làm thương hiệu thành ra bị "vỡ trận", khó tiêu thụ", vị đại diện HTX ở TP.Cao Bằng khẳng định.

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của- Ảnh 7.

Cận cảnh sản phẩm dâu tây của HTX được trồng trong nhà kính tại TP.Cao Bằng rất đẹp mã.

Thứ ba, các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương cần phải phối hợp với doanh nghiệp công nghệ mới nổi như Facebook, Tiktok, shopee... để đào tạo, tập huấn cho nông dân, HTX giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội đúng cách, hiệu quả hơn.

"Tôi là thế hệ nông dân trẻ tham gia bán hàng trên mạng xã hội facebook từ nhiều năm trước, hiện giờ tôi vẫn trả phí mỗi tháng hàng chục triệu đồng để bán hàng trên các nên tảng công nghệ mới. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức giao tiếp, kinh nghiệm hợp tác, bán hàng trên mạng nên nhiều lần tôi vẫn bị "bạn ảo" lừa đảo bị thiệt hại rất nhiều.  Sắp tới, tôi muốn tham gia bán hàng trên các nền tảng công nghệ khác, sàn thương mại điện tử mới nhưng lại thiếu kiến thức nên không dám làm lớn. Tôi rất mong được tiếp sức để mở rộng các gian hàng, kinh doanh hiệu quả, an toàn hơn trên mạng xã hội", vị này kiến nghị thêm.

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Lời "gan ruột" của một nông dân trẻ từng nhận Giải thưởng Lương Định Của- Ảnh 8.