Tại Hội thảo chuyên đề về đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước" đang diễn ra tại Hà Nội sáng 18/10, ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, Kiểm toán Nhà nước nêu thực trạng giải ngân vốn đầu tư thấp trong 2 năm qua, chỉ ra hàng loạt vấn đề, đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Về thực trạng giải ngân vốn, đại diện Kiểm toán chuyên ngành IV, Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công cả nước là 69,7%, trong đó vốn trong nước giải ngân gần 71% và vốn nước ngoài là 34,47%. 9 tháng đầu năm qua, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 51,3%, trong đó vốn trong nước là 52,3% và vốn nước ngoài là 28,37%.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu thực trạng hiện nay có tình trạng bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm; bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư.
Đặc biệt, "một số nơi bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn cho dự án quá thời gian quy định; bố trí vốn không sát thực tế dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần", ông Hải nhấn mạnh.
Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết thực tế tiến độ công tác đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư tại hầu hết các dự án chưa đảm bảo theo kế hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. "Tình trạng thi công chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án. Một số dự án mặc dù chậm tiến độ, kéo dài tuy nhiên chưa có biện pháp khắc phục; chế tài xử lý, xử phạt trách nhiệm các bên liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc", Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước IV cho biết.
Theo ông Vũ Thanh Hải, nhiều hồ sơ quyết toán gửi đến Kiểm toán Nhà nước còn thiếu sót, nội dung chưa đầy đủ; chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quyết toán còn hạn chế, chưa loại trừ hết sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức; quyết toán sai nguồn.
Ngoài các nguyên nhân khách quan như thủ tục, đền bù, giải phóng mặt bằng và biến động giá vật liệu… đại diện Kiểm toán Nhà nước khẳng định hiện còn tồn tại vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn một số bất cập.
"Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế", đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Về giải pháp, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương cần có các giải pháp quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng và đảm bảo nguồn cung.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ. "Trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ", ông Hải cho hay.
Xét về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm giải ngân vốn, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể nếu để xảy ra sai phạm.
Cần "kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án".
Đặc biệt: "Lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu", ông Hải nhấn mạnh.