Sáng 18/10, Vườn Quốc gia Núi Chúa ở huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) tổ chức hội thảo quốc tế "Thúc đẩy công tác bảo tồn Cheo cheo lưng bạc và Hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam".
Hội thảo thu hút nhiều có các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, bảo tồn thiên nhiên và động, thực vật hoang dã ở Việt Nam và quốc tế, các nhà khoa học trong nước và Quốc tế.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cho biết, Cheo cheo lưng bạc (hay còn gọi là Cheo cheo Việt Nam, tên khoa học Tragulus versicolor).
Đây là loại động vật nằm trong danh sách 25 loài động vật quý hiếm nghi tuyệt chủng của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (GWC).
Tuy nhiên, vào năm 2018, một nhóm nghiên cứu đã ghi nhận loài Cheo cheo lưng bạc xuất hiện ở rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Đây là phát hiện đa dạng sinh học quan trọng của Việt Nam và thế giới, bởi loài thú này đã được một số chuyên gia quốc tế nghi ngờ khả năng còn tồn tại ngoài tự nhiên sau gần 30 năm "mất tích".
Cheo cheo lưng bạc, có ngoại hình như một con hươu nhưng với kích thước nhỏ hơn (khoảng bằng một con thỏ). Đây là một loài thú móng guốc biểu tượng của rừng khô hạn ven biển đặc hữu của việt Nam. Trên thế giới chưa nơi nào khác ghi nhận sự hiện diện của loài này ngoài tự nhiên.
Hiện nay, đã phát hiện 2 quần thể Cheo cheo lưng bạc ở Khánh Hòa và Ninh Thuận. Riêng ở Vườn Quốc gia Núi Chúa của Ninh Thuận là nơi sinh sống của quần thể duy nhất trong khu bảo tồn và có khả năng là quần thể lớn nhất, ổn định nhất được biết đến trên toàn thế giới.
Theo ông Ngô Lê Trụ, đại diện Cục lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tại Núi Chúa có hệ sinh thái rừng ven biển đặc trưng nhất ở Việt Nam.
Ở nơi đây các loại động, thực vật trên cạn đã tiến hóa để thích nghi với điều kiện khí hậu nóng và khô. Cheo cheo lưng bạc cùng với nhiều loài khác chỉ xuất hiện trong kiểu rừng khô ven biển này.
Ngoài ra, hệ sinh thái tự nhiên ở Vườn Quốc gia Núi Chúa còn giúp lưu trữ carbon, kiểm soát xói mòn, điều hòa chu trình nước.
"Việc bảo vệ loài Cheo cheo lưng bạc sẽ góp phần bảo vệ được đa dạng sinh học, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khu rừng khô ven biển độc đáo ở Việt Nam…", ông Trụ cho hay.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên một số nguyên nhân là mối đe dọa đến Cheo cheo lưng bạc và đề ra các biện pháp bảo vệ loại này.
Ngoài ra, các chuyên gia nghiên cứu cũng đã thảo luận việc cập nhật hiện trạng bảo tồn loài Cheo cheo lưng bạc trong sách đỏ của IUCN (danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động thực vật trên thế giới). Từ đó, có sở bổ sung tên loài và phân hạng trong sách đỏ Việt Nam.
Theo ông Lê Huyền – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc phát hiện loài Cheo cheo lưng bạc ở Vườn Quốc gia Núi Chúa là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với các nhà khoa học, mà còn với các đơn vị quản lý nhà nước và người dân trong vùng.
Phát hiện này cũng chứng thực tầm quan trọng của sinh cảnh rừng khô hạn ven biển ở Núi Chúa trong việc nuôi dưỡng đa dạng sinh học độc đáo. Qua đó, sẽ góp phần đảm bảo các giá trị dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho con người.
"UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành ở các cấp để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong vườn.
Tăng cường phòng chống săn bắt trái phép để bảo vệ hệ sinh thái động vật đa dạng, trong đó có loài Cheo cheo quý hiếm này…", ông Huyền nhấn mạnh.
Vườn Quốc gia Núi Chúa là vũng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích tự nhiên là 29.865 ha, có nhiệm vụ bảo vệ các sinh cảnh trên cạn và vùng biển ven bờ.
Với diện tích trên đất liền hơn 22.000 ha, lâm phần Vườn quốc gia đa dạng với hai kiểu hệ sinh thái rừng chính: rừng khô hạn ven biển và nhiệt đới ẩm thường xanh. Đây là nơi trú quán của hơn 1.500 loài thực vật và hơn 750 loài động vật trên cạn, bao gồm nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm.
Sự độc đáo của Vườn quốc gia thể hiện rõ nhất qua các sinh cảnh rừng khô hạn ven biển đặc trưng còn hiếm hoi sót lại ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nhiều loài sinh vật đặc hữu tới nay chỉ được ghi nhận ở các dạng sinh cảnh rừng khô hạn ở Vườn quốc gia Núi Chúa, đơn cử như Thiên tuế Cycas elongata, Bọ ngựa que và Bọ que Núi Chúa Phasmomantella nuichuana và Nuichua rabayae, Thằn lằn ngón Cao Văn Sung Cyrtodactylus caovansungi, Thạch sùng lá Aaronbouer Dixonius aaronbaueri, Cheo cheo lưng bạc Tragulus versicolor…