Cả làng ở Quảng Nam lên núi Hòn Nghệ tìm thấy la liệt đá lạ khắc chữ Hán, ai cũng bất ngờ
Phát lộ 68 miếng đá lạ khắc chữ Hán mà dân làng tìm thấy trên một ngọn núi ở Quảng Nam có là cổ vật?
Thứ năm, ngày 21/09/2023 11:08 AM (GMT+7)
Đã từ lâu, người dân thôn Trung An (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, nay là khối Trung An, thị trấn Trung Phước) vào núi Hòn Nghệ tìm kiếm lâm sản và phát hiện một số tảng đá lạ.
Những miếng đá có hình dáng như các tấm bia, chạm khắc chữ Hán được người dân đi rừng phát hiện từ lâu trên núi Hòn Nghệ, gần đỉnh đèo Phường Rạnh, điểm giáp ranh với hai huyện Nông Sơn - Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam).
Các di vật cổ xưa này đến nay vẫn còn nhiều điều bàn luận về sự ra đời của nó, song vẫn chưa có lời giải thuyết phục.
Đã từ lâu, người dân thôn Trung An (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, nay là khối Trung An, thị trấn Trung Phước) vào núi Hòn Nghệ tìm kiếm lâm sản và phát hiện một số tảng đá lạ. Đó là những miếng đá có sự tác động của bàn tay con người với nhiều kích cỡ khác nhau, mặt đá có chạm khắc một số chữ Hán.
Những miếng đá cổ
Những miếng đá này nằm ngổn ngang ở lưng chừng núi Hòn Nghệ, gần với con đường đèo uốn lượn quanh co nên có một số người tìm tới theo sự tò mò.
Rồi tin đồn về những miếng đá có chữ lạ cũng lặng xuống cùng thời gian nhưng địa điểm xuất hiện những miếng đá khắc chữ Hán trên núi Hòn Nghệ lại có tên gọi mới: Bãi Đá Quan.
Ông Trần Văn Lộc, người dân địa phương vừa cầm rựa phát dọn những dây, cỏ dại bu bám chằng chịt để có lối cho tôi leo lên núi tìm xem những miếng đá cổ, vừa giải thích vì sao dân bản địa lại gọi “bãi Đá Quan”.
Hóa ra, cái tên này hình thành cũng đơn giản theo cách nghĩ mộc mạc từ những người nông dân thật thà, chất phát của xứ sở.
Cổng vòm cổ dinh bà Thu Bồn, xã Quế Trung, nay là thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cách không xa núi Hòn Nghệ-nơi dân làng phát hiện nhiều tấm đá lạ khắc chữ Hán. Ảnh: THÁI MỸ
Theo ông Lộc, các miếng đá lạ này trông giống như những tấm bia. Ngày xưa, bia đá thường được dùng để khắc ghi công trạng, thi cử, đỗ đạt… của những người được chế độ đương thời trọng dụng hoặc bia mộ của các vị làm quan chứ dân nghèo không thể có.
Chính vì vậy nên cái tên “bãi Đá Quan” được người dân địa phương gọi riết thành quen. Sau chiến tranh, người dân Quế Trung bước vào công cuộc khai hoang, vỡ hóa, phát triển kinh tế, khu đất rừng có các miếng đá khắc chữ Hán được ông Võ Hưng Khánh trồng keo lá tràm và những miếng đá bia ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chẳng mấy ai còn để tâm tới.
Tháng 8-2021, ngành văn hóa - thông tin huyện Nông Sơn phối hợp chính quyền xã Quế Trung thành lập đoàn khảo sát, nhờ người biết đọc chữ Hán dịch nội dung được khắc trên các miếng đá để nhận biết giá trị và có biện pháp quản lý, bảo tồn.
Qua kiểm đếm tại hiện trường, bãi Đá Quan có 68 miếng đá được khắc chữ, miếng lớn nhất cỡ 50cm x 50cm, miếng nhỏ nhất chừng 40cm x 20cm, nằm lộ thiên rải rác trên diện tích rẫy rừng khá rộng.
Có những miếng đá chỉ chạm khắc một chữ Hán khá to chính giữa mặt, song có miếng lại chạm khắc các dòng chữ nhỏ hơn.
Theo một số người dịch cho biết thì đa số các miếng đá có khắc một chữ Hán với nội dung là đông, tây, nam, bắc; các miếng có dòng chữ nhỏ do thời gian bào mòn, hơn nữa người dịch cũng không rành về chữ Hán nên còn bỏ ngỏ.
Cần được giải mã thuyết phục
Tại gốc cây cổ thụ trước dinh bà Thu Bồn tọa lạc sát bờ sông Thu Bồn, cách bãi Đá Quan chừng 500 mét về phía tây nam có 5 miếng đá tương tự như những miếng đá ở bãi Đá Quan.
Từ các miếng đá rất giống nhau xuất hiện tại hai địa điểm này, nhiều người suy đoán nó có liên quan tới việc xây dựng dinh bà Thu Bồn. Bây giờ không ai biết dinh bà Thu Bồn ở xã Quế Trung hình thành từ bao giờ, chỉ nghe đồn đại có từ thế kỷ XV, XVI.
Trải qua thời gian, dinh được xây mới nhiều lần, duy chỉ còn bức tường rào và hai cái cổng vào dinh bằng gạch thẻ hình vòm cổ kính, rêu phong nứt nẻ, xiêu vẹo, một chứng tích khẳng định dinh bà Thu Bồn nơi đây có từ rất lâu.
Họ nhận định lúc xây dựng dinh bà Thu Bồn, người ta lên núi Hòn Nghệ đục đẽo, chạm khắc chữ nhằm phục vụ cho việc xây dinh và nhiều giả thiết khác được đưa rồi cuối cùng cũng chỉ dừng lại tại điểm… suy đoán, nhận định.
Tôi cố quan sát thật kỹ bãi Đá Quan thì hầu như đây là vùng đất núi pha đá, đất đỏ nhiều hơn nên cây cối phát triển mạnh, cỏ dại mọc um tùm, không thấy các tảng đá lớn để người xưa khai thác.
Điều lạ lùng hơn là vị trí bãi Đá Quan chỉ cách dinh bà Thu Bồn chừng nửa cây số thì tại sao người ta không mang các miếng đá ấy về dinh bà hay một vị trí bằng phẳng nào đó để chạm khắc chữ mà lại đục khắc ngay giữa sườn núi xuôi theo chiều dốc, rất khó khăn như vậy?
Ngoài 68 miếng đá ngời ngời lộ diện có còn các miếng nào khác bị vùi lấp trong lòng đất? Có phải các miếng đá này được khai thác, chạm khắc trên đỉnh núi, vận chuyển xuống tới đó rồi bỏ lại, không dùng? Tất cả những dấu hỏi ấy đang là điều bí ẩn chưa được giải mã một cách thuyết phục.
Được biết, ngành chức năng của huyện Nông Sơn đã khảo sát, đánh số từng miếng đá tại bãi Đá Quan và dinh bà Thu Bồn và từ năm 2021 đã tạm thời đưa ra hai phương án xử lý các miếng đá cổ này: Một là khoanh vùng, sắp xếp lại bãi Đá Quan thành một quần thể, hai là di dời toàn bộ các miếng đá về dinh bà Thu Bồn để quản lý, trưng bày, đồng thời mời các chuyên gia, khảo cổ tiếp tục thẩm định nội dung, niên đại để phục vụ cho việc tham quan, du lịch. Tuy nhiên, hiện tại hai phương án này vẫn chưa được tiến hành.
Đây là bãi đá cổ, dẫu có hoặc không liên quan tới một công trình kiến trúc nào đó thì giá trị của nó vẫn cần tới việc gìn giữ, bảo tồn bởi do tiền nhân tạo ra. Những miếng đá cổ xưa kia vẫn im lặng và đang còn chôn giấu nhiều điều bí mật ở bên trong. Hy vọng trong thời gian tới, những điều thú vị của những miếng đá ấy được bật mở một cách thuyết phục từ các nhà nghiên cứu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.