Công nghệ triển khai ít phù hợp với thực tế
Sau khi theo dõi, đọc các bài trong loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp đăng trên Báo điện tử Dân Việt, bà có đánh giá, cảm nhận như thế nào về các vấn đề, các hạn chế, khó khăn trong chuyển đổi số nông nghiệp mà báo đã nêu ra?
- Cảm ơn Báo điện tử Dân Việt đã thẳng thắn phản ánh về những bất cập trong chuyển đổi số nông nghiệp hiện nay. Đây thực sự là vấn đề rất thời sự, rất "nóng" hiện nay trong nông nghiệp.
Qua các bài báo trong loạt bài độc quyền: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp đăng trên Báo điện tử Dân Việt chúng ta có thể thấy một thực trạng mặc dù người dân, doanh nghiệp đều sẵn sàng tham gia chuyển đổi, kể cả đầu tư tiền của, thời gian, công sức… và nhu cầu thay đổi phương thức làm truyền thống trong nông nghiệp có lẽ còn lớn hơn các ngành khác.
Chúng ta có hàng triệu nông dân tiêu biểu các cấp và các hộ, HTX sản xuất giỏi sẵn sàng chuyển đổi số nông nghiệp nhưng hiện nay việc đưa, áp dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp đang là bài toán rất nan giải và chưa thực sự hiệu quả, nhiều nơi triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi số nông nghiệp rất dàn trải, lãng phí.
Theo "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Bà có nhận xét, đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các địa phương hiện nay?
- Có thể nói tôi đi đến đâu, trò chuyện với các lãnh đạo địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, họ đều trăn trở và mong muốn thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia". Từ những huyện vùng sâu vùng xa, rất nghèo như huyện Xín Mần, (Hà Giang) không chỉ Bí thư, chủ tịch huyện mà tất cả các cơ quan, phòng ban của huyện, xã, kể cả các các thanh niên ở đây họ cũng đều mong muốn thực hiện chuyển đổi số.
Hay những vùng nông nghiệp trù phú, giàu có như Bắc Giang, Bình Phước, Đắc Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang… đi đến đâu lãnh đạo các Sở NNPTNT cũng trăn trở và mong muốn thực hiện chương trình này.
Kết quả của "Chương trình chuyển đổi số quốc gia" trong nông nghiệp rõ ràng cho thấy sự thay đổi ngay từ Bộ NNPTNT (tất nhiên Bộ thì vừa có chuyên môn, vừa có kinh phí). Đơn cử như việc thành lập tổ 970 (Diễn đàn 970) ngay trong dịch Covid-19 đã giúp kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm rất tốt cho nông dân, HTX, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, tuy dịch bệnh đã qua đi nhưng tổ 970 vẫn hoạt động với nhiều sự kiện, diễn đàn có ích cho nông nghiệp, nông dân.
Bên cạnh đó, việc truyền tải những hướng dẫn về xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, kiểm soát an toàn dịch bệnh của Bộ NNPTNT cụ thể hóa thông qua các phương tiện như video, hình ảnh, mạng xã hội… giúp người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện hơn.
Từng đi nhiều nơi, đến thăm quan các mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số đang triển khai tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, bà có đánh giá, nhận xét ưu điểm và hạn chế của các mô hình, dự án, chương trình này như thế nào?
- Chưa cần nói đến các mô hình, dự án chuyển đổi số nông nghiệp, trong thời gian vừa qua các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở các cơ sở đầu tư khá nhiều thể hiện sự quan tâm của nhà nước trong lĩnh vực công nghệ cho nông nghiệp nhưng tôi thấy chưa phát huy hiệu quả xứng tầm mà còn lãng phí khá nhiều cơ sở vật chất mà doanh nghiệp cần thì thiếu không thể đầu tư.
Thậm chí các công nghệ đầu tư lạc hậu hoặc không phù hợp thực tế để có thể ứng dụng mở rộng; chi phí đầu tư công nghệ được hỗ trợ ngân sách cao hơn nhiều so với các nước lân cận, vì thế rất khó để cạnh tranh.
Đối với nông nghiệp số cũng được các bộ ngành, các tỉnh, thành quan tâm đầu tư khá nhiều, kể cả phần mềm cũng như các thiết bị IoT (Internet of Things) là một thuật ngữ để miêu tả việc kết nối các thiết bị đến Internet để chúng có thể giao tiếp và tương tác với nhau) nhưng cũng giống như nông nghiệp công nghệ cao, những sản phẩm, công nghệ triển khai lại ít phù hợp với thực tế, chi phí cao khó cạnh tranh.
Khi người làm công nghệ thiếu kinh nghiệm thực tế họ cũng không hiểu thị trường thì rất khó để có hiệu quả, cũng giống như bạn xây nhà cao tầng cho người đi xe lăn nhưng không có thang máy.
Phải có cơ chế liên thông, phối hợp đồng bộ
Bà có góp ý, hiến kế như thế nào cho các bộ ngành, các tỉnh, thành trong cả nước để "Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đạt kết quả cao, đúng hướng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp?
- Theo tôi Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong nông nghiệp cần phải có mục tiêu là ưu tiên thực hiện theo từng giai đoạn, tránh làm dàn trải. Ví dụ: Để đưa, áp dụng các công nghệ mới, thiết bị thông minh về với nông dân thì chúng ta phải đào tạo, tập huấn cho người dân biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính… biết lựa chọn phần mềm an toàn được giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước; biết chọn lọc thông tin và biết bảo vệ thông tin trên không gian mạng...
Cùng với đó, chúng ta cần phân khu vực thực hiện chương trình chuyển đổi số, như khu vực quản lý nhà nước là bộ ngành, cơ quan nào, làm gì? khu vực người dân và doanh nghiệp cần làm gì? ai được phép tham gia, sản phẩm dịch vụ nào được công nhận để ứng dụng cho người dân và doanh nghiệp (cần có tiêu chí, tiêu chuẩn)?
Khu vực các cơ quan chuyên môn (thuế, hải quan, kiểm dịch, quản lý thị trường…) phải có cơ chế liên thông, phối hợp đồng bộ giúp hoạt động của người dân và doanh nghiệp thông suốt. Ví dụ: Việc cho phép công nhận "Giấy uỷ quyền sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói" là không phù hợp với pháp luật kinh doanh. Đây là kẽ hở để các đơn vị, doanh nghệp xuất khẩu giả mạo mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp gây ra những tham nhũng, lũng loạn trong nông nghiệp mà gia đoạn vừa qua chúng ta đều thấy người dân rất bức xúc.
Tôi cho rằng, chúng ta cần sớm có cơ chế rõ ràng, có quy định pháp luật bắt buộc thực hiện và giám sát việc thực hiện thường xuyên, liên tục, đánh giá bằng con số, chất lượng, hiệu quả của chương trình. Nếu không như vậy thì có lẽ hàng thế kỷ chúng ta cũng không thực hiện được Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Một số nước có nền nông nghiệp tiên tiến, phát triển như Israel hay Nhật bản, họ đã đi quá xa so với chúng ta. Việc ứng dụng phần mềm hay thiết bị thông minh rất phổ cập và hiệu quả, đặc biệt các thiết bị này giúp giảm bớt gánh nặng cho lao động và giảm chi phí nhân công cho doanh nghiệp. Thông tin truy xuất nguồn gốc hay giới thiệu sản phẩm rất rõ ràng, hiệu quả.
Bà từng chia sẻ: "Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam ở trong nước, và quốc tế. Theo đó, chung ta cần phải nhờ đến và cần đến việc chuyển đổi số nông nghiệp", vậy cụ thể chuyển đổi số nông nghiệp giúp ích như thế nào trong việc xây dựng và lan tỏa thương hiệu cho nông sản của Việt Nam?
- Nếu không ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp vào thực tế nhanh và hiệu quả hơn thì việc xây dựng thương hiệu cho nông sản sẽ rất khó khăn và có thể "thua ngay trên sân nhà" vì hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt ngập tràn thị trường, cách nào để quản lý và phân biệt?. Chúng ta không thể đi tận nơi xác minh, không thể lúc nào cơ quan quan lý thị trường cũng có thông tin về nguồn gốc hàng hoá nếu không liên thông, đồng bộ dữ liệu với cơ quan thuế, hải quan…
Nếu không ứng dụng chuyển đổi số, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá thi chúng ta không dễ dàng tiếp cận khách quốc tế, người tiêu dùng quốc tế cũng như các nhà phân phối không thể bỏ chi phí nhiều để đến tận nơi xem hàng của chúng ta. Người tiêu dùng trong nước cũng không có căn cứ để phân biệt thật giả xuất xứ hàng nông sản khi mua.
Nếu mỗi người sản xuất nông sản ở Việt Nam đều hiểu hoặc biết liên kết nhau lại thành chuỗi, tập hợp sức mạnh (cùng mua, cùng làm, cùng bán) thì mới có thể đủ sức xây dựng thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường.
Tạo ra nền tảng mới giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội đầu tư ra nước ngoài hiệu quả
Được biết, Bagico đã xây dựng và triển khai áp dụng phần mềm số vào nông nghiệp tại các tỉnh, thành. Hiện, việc triển khai ứng dụng, áp dụng phần mềm mới vào thực tế tại các tỉnh, thành như thế nào?
- Sau thời gian dài "thai nghén", năm 2020 chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện thành công phần mềm AutoAgri. Đây là nền tảng quản lý và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp và là bộ giải pháp phục vụ truy xuất nguồn gốc, theo dõi giám sát sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi.
Dù việc triển khai ứng dụng phần mềm vào "Chương trình chuyển đổi số quốc gia" rất khó khăn, nhưng đến nay sau 4 năm triển khai chúng tôi vẫn đang duy trì và không ngừng nâng cấp dịch vụ. Tính đến nay, Bagico đã cung cấp phền mềm mới này đến trên 25 tỉnh, thành phố với hơn 30 nghìn tài khoản và hơn 80 nghìn nhật ký điện tử.
Năm 2021, giữa thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh tại Bắc Giang, thương lái Trung Quốc sang thu mua vải thiều chỉ có bốn người. Auto Agri đã đưa toàn bộ thông tin, dữ liệu về vải thiều Bắc Giang lên tất cả các chợ điện tử nông sản của Trung Quốc. Qua đó, góp phần giúp tỉnh Bắc Giang có một vụ vải thành công ngoài sự mong đợi.
Phần mềm mới của chúng tôi đáp ứng được những tiêu chí: đơn giản, dễ sử dụng, có tích hợp cả phần kết toán điện tử, nhật ký điện tử… nhưng lại dễ giám sát, kiểm soát việc thực hiện quy trình, vị trí địa lý, thông tin sản phẩm thông qua việc giám sát cập nhật thông tin của chính người sử dụng.
Với ứng dụng này, người sử dụng không thể nói dối, làm gian khi cắt xén quy trình, bỏ qua công đoạn bởi các hành vi trên nhật ký điện tử dễ dàng xác thực được bất cứ lúc nào, ở đâu. Việc này giống như việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử hay phần mềm quyết toán thuế điện tử.
Trong nông nghiệp, muốn có sản phẩm tốt, chất lượng cao, muốn thuận lợi trong tiêu thụ, muốn có giá trị cao trong chuỗi… cần có sự minh bạch. Việc số hóa, chuyển đổi số triệt để trong nông nghiệp hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này.
Tuy vậy, thực tế hiện nay chúng tôi gần như không tham gia được vào các chương trình hỗ trợ của ngân sách cho chuyển đổi số nông nghiệp. Nếu không phải là người có mối quan hệ thương trường, uy tín lâu năm và sẵn sàng hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp và địa phương với tin thần "Tự hào nông sản Việt" thì tôi khó lòng mà thực hiện, đưa, áp dụng công nghệ mới vào thực tế tại các tỉnh, thành.
Để không phải xấu hổ với bạn bè quốc tế về nền nông nghiệp manh mún lạc hậu, chúng tôi luôn "Nghĩ lớn nhưng làm tốt từng việc nhỏ". Với công nghệ tự động và kiến thức trong nông nghiệp, thị trường, chúng tôi có thể số hoá rất nhanh và phù hợp với trình độ của mọi đối tượng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là chưa có cơ chế bắt buộc phải ứng dụng nên sau khi số hoá các địa phương không có cập nhật thường xuyên, dữ liệu nghèo nàn, chỉ đạt khoảng 30% hiệu quả ứng dụng. Nhưng theo tôi, dù sao để có kết quả như vậy cũng rất mừng vì các địa phương không tốn kém nhiều chi phí và không phải bỏ đi.
Hiện nay chúng tôi đã hoàn thiện nền tảng LaoAgri để ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp cho nước bạn Lào, đây không chỉ là thể hiện tình đoàn kết hữu nghị hai nước mà còn là cơ hội để các nông dân giỏi, các HTX và các doanh nghiệp Việt nam mở rộng đầu tư sang Lào.
Chúng tôi vẫn rất mong và luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan quản lý, địa phương, người dân, doanh nghiệp để chung tay thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng thương hiệu cho "Nông sản Việt".
Xin cảm ơn Bà!