Dân Việt

Giá cà phê ngày 20/10: Cà phê trong nước quay đầu tăng vọt

Nguyễn Phương 20/10/2023 14:21 GMT+7
Giá cà phê hôm nay 20/10: Báo cáo tồn kho ICE tiếp tục sụt giảm sâu và việc bán hàng thận trọng của người Brazil đã hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn lấy lại sức tăng. Trong nước, giá cà phê tăng tới 1.200 đồng/kg. Theo đó, mức giao dịch cao nhất trong các địa phương là 58.400 đồng/kg, được ghi nhận tại Đắk Lắk.

Giá cà phê hôm nay 20/10: Hai sàn tiếp nối đà tăng

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta giao ngay trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ tám. Kỳ hạn giao tháng 1 tăng thêm 67 USD, lên 2.402 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 60 USD, lên 2.343 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 5,9 cent, lên 163,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng thêm 4,15 cent, lên 161,80 cent/lb, các mức tăng cũng rất mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức “khủng”, hiếm thấy.

Giá cà phê ngày 20/10: Cà phê trong nước quay đầu tăng vọt  - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 20/10/2023 lúc 13:42:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê ngày 20/10: Cà phê trong nước quay đầu tăng vọt  - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF. Cập nhật: 20/10/2023 lúc 13:42:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê ngày 20/10: Cà phê trong nước quay đầu tăng vọt  - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 1.200 đồng, lên dao động trong khung 57.600 - 58.400 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 1.200 đồng, lên dao động trong khung 57.600 - 58.400 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 57.600 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với 58.200 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk ghi nhận mức giao dịch là 58.400 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.

Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà hồi phục sau báo cáo tồn kho ICE tiếp tục giảm sâu. Arabica giảm xuống ở 421.614 bao, mức thấp 11 tháng rưỡi. Robusta giảm 1.180 tấn, xuống còn 26.280 tấn (tương đương 604.667 bao), mức thấp nhất 6 tuần.

Sau 3 mùa vụ liên tiếp sụt giảm vì thời tiết bất lợi, Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia dự kiến sản lượng năm nay sẽ khoảng 11,6 – 12 triệu bao do thời tiết có phần cải thiện. 

FNC kỳ vọng sẽ sớm đạt mục tiêu 14 triệu bao/năm sau mở rộng diện tích cây trồng. Colombia là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới.

Theo Safras & Mercados, tính đến nay người Brazil đã bán được 56% tổng sản lượng dự kiến của vụ mùa vừa thu hoạch, thấp hơn một chút so với mức trung bình nhiều năm vào cùng thời điểm là 59%. 

Trong đó, doanh số bán cà phê Arabica chiếm 52% sản lượng vụ mùa, so với 58% đã bán của năm trước và doanh số bán cà phê Conilon chiếm 62% sản lượng vụ nùa, so với 64% đã bán của năm trước.

Sau phiên điều chỉnh giá nội địa ngày hôm qua, thị trường hàng thực tại Việt Nam hầu như không còn tình trạng loạn giá, xuất phát chủ yếu là do số hàng cần mua để trang trải, thanh toán nợ nần lẫn nhau giữa các thương nhân địa phương trước thềm vụ mới.

Hiện nay vùng cà phê Tây Nguyên xuất hiện nhiều cơn mưa lớn trên diện rộng, đã cản trở thu hoạch Robusta vụ mới vừa khởi đầu, cũng là mối lo của thị trường cà phê thế giới do nguồn cung loại cà phê “giàu vị đắng” vẫn đang bị thắt chặt.

Sâu đục thân mình đỏ (Zeuze coffea Nietner) hại cà phê

Đặc điểm gây hại:

Ngài cái đẻ trứng thành ổ ở chồi non hay nụ của cành cà phê, mỗi ngài có thể đẻ 400 - 2000 quả trứng. Sau khi đẻ 14 - 16 ngày trứng nở thành sâu non. Sâu non rất nhỏ nhưng hoạt động nhanh nhẹn, đục vào cành tăm hay đốt non, ở tuổi 3 đục vào gốc cành, thường phá hại ở cành cấp 1, cấp 2. 

Sâu non có 6 tuổi, mỗi tuổi 1 lần lột xác, mỗi lần lột xác là một lần di chuyển chỗ ở, do đó sâu có thể phá hại rất nhiều cành cà phê, sâu đục cành đùn phân ra ngoài nên rất dễ phát hiện. 

Sâu non khi đẫy sức thì hoá nhộng trong cây, thời gian hoá nhộng 30 - 50 ngày. Những cành bị sâu đục lá héo rũ, khô đi, quả bị hại héo chín ép nên lép.

Thời điểm gây hại:

Trong năm sâu thường gây hại nặng vào tháng 1-2 và tháng 4-5.

Thuốc phòng trừ:

Nitox 30EC ( Dimethoate 27% + Cypermethrin 3%) sử dụng ở nồng độ 0,25% - 0,3% (25 – 30ml thuốc + 10ml nước).

Nibas ( Fenobucarb 50%) sử dụng ở nồng độ 0,30% - 0,35%(30 - 35ml thuốc + 10 lít nước).

Bini 58 ( Dimethoate 40%) sử dụng ở nồng độ 0,25% - 0,35%(25 - 35ml thuốc + 10 lít nước).

Bonus 40EC (Chlorpyrifos Ethyl 40%): sử dụng ở nồng độ 0,2 – 0,25%.