Tại ĐBSCL, với những vùng đất trồng 3 vụ lúa/năm không thể tránh khỏi đất bị bạc màu và thiếu dinh dưỡng. Ngoài giải pháp bón phân bổ sung còn cách khác để cải tạo đất.
Trong đó, trồng đậu nành rau trên nền đất ruộng là cách mà nông dân ở thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thực hiện.
Đây được xem là một giải pháp khá phù hợp với vùng đất tại địa phương. Cách làm này vừa giúp nông dân có thêm thu nhập vừa cải tạo được lớp đất mặt.
Tại Phường An Bình B, thành phố Hồng Ngự, Đồng Tháp, nông dân đang bước vào vụ thu hoạch đậu nành rau. Năng suất và chất lượng đậu vụ này được đánh giá là đạt khá. Mỗi công đất trồng đậu nông dân có lãi từ 2,5 - 3 triệu đồng.
Theo ước tính của nông dân, việc tham gia trồng đậu giúp cho nông dân đạt được 2 mục tiêu. Vừa cắt đứt mầm bệnh sau các vụ lúa, vừa cải tạo đất cung cấp lại nguồn đạm thông qua rễ cây đậu mang lại.
Họ đậu, trong đó có đậu nành rau, giúp cố định đạm, giúp cải tạo đất, có chất dinh dưỡng
Canh tác lúa tại thành phố Hồng Ngự và tham gia trồng đậu nành rau được vài vụ, ông Lê Văn Bảnh phấn khởi chia sẻ, phía liên kết tiêu thụ đã báo cho mình biết lợi nhuận, ước lượng 1 ha được khoảng 25-30 triệu đồng.
So với trồng lúa, trồng đậu nành có lợi hơn vì chỉ có 70 ngày, trong khi trồng lúa phải mất 105 ngày. Sản phâm có công ty bao tiêu nên người troòng đậu không lo đầu ra.
Một lợi ích thấy rõ khác khi tham gia trồng đậu nành liên kết mà hầu hết nông dân đều nhận thấy, đó là vụ lúa Đông Xuân sau đó trúng hơn các năm không trồng đậu.
Có 2 nguyên nhân chính giúp lúa trúng mùa ở vụ sau, là do việc trồng đậu đã cung cấp rất nhiều phân đạm dễ tiêu cho cây thông qua nốt sần dưới rễ đậu.
Mặt khác, đậu nành có thời gian sinh trưởng chỉ 70 ngày thay vì 105 ngày như lúa. Thế nên đất có thời gian nghỉ hơn 1 tháng để cắt đứt mầm bệnh, sâu bệnh hại còn sót lại trên ruộng.
Nông dân Nguyễn Đức Trung, Phường An Bình B, Thành phố Hồng Ngự cho biết, tâm đắc với việc trồng đậu nành rau, vig luân phiên được giữa cây lúa và cây màu. Cây họ đậu giúp cố định đạm, giúp đất có chất dinh dưỡng cho phát triển cây lúa nâng cao thu nhập cho nông dân.
Để khuyến khích nông dân tham gia, chính quyền địa phương và Hội nông dân ở địa phương đã kêu gọi các DN trên địa bàn tham gia ký kết bao tiêu. Diện tích ký kết hiện tại là 18ha và dự kiến còn mở rộng trong thời gian tới.
Về phía địa phương, Hội nông dân Phường An Bình B - TP Hồng Ngự - Đồng Tháp cũng đã lên kế hoạch, tiếp tục vận động bà con nông dân tham gia trồng đậu nành liên kết.
Đậu nành rau là loại thực phẩm giàu chất xơ và chất đạm, do đó đang rất được ưa chuộng trong chế biến món ăn và cả cho thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ về định hướng tới, Anh Phan Văn Minh, Giám đốc Dịch vụ - liên kết cty TNHH MTV Bảy Binh cho hay, khi mô hình được áp dụng bà con không phải thuần trồng cây lúa. Việc trồng đậu rau giúp cắt đứt mầm bệnh, cải tạo đất, giảm lượng phân bón, từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập, công sức lao động nhàn rỗi.
Với địa bàn hẹp, đất sản xuất ít, nên áp dụng duy trì thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích luôn đè nặng. Do đó, mô hình này đã và đang là sự lựa chọn của rất nhiều nông dân trên địa bàn.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi DN liên kết nhiều hơn với nông dân trong thời gian tới. Cách làm này mang lại nhiều hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa.
Trồng đậu nành này cải tạo đất tốt, sau đó trồng lúa năng suất cao hơn”, ông Trần Văn Á, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình B, TP Hồng Ngự cho biết thêm.
Có thể thấy, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu nành rau tại thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là mô hình phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế đô thị giảm phụ thuộc vào cây lúa.
Bởi, mô hình này đã giải bài toán liên kết là phải hài hoà lợi ích giữa nông dân và DN. Bên cạnh yếu tố lợi ích song hành, việc xen canh “2 lúa 1 đậu” còn giúp cải tạo đất, giúp giảm phân thuốc hoá học bón vào đồng ruộng trong những vụ lúa sau.