Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phật viện Đồng Dương được hai nhà khoa học thuộc viện Viễn Đông Bác cổ chuyên nghiên cứu văn hóa cổ Đông Dương thời thuộc địa là L.Finot phát hiện 1901 và H.Parmentier khai quật năm 1902.
Theo nội dung văn bia tìm thấy tại Đông Dương năm 875, Vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho Vương triều là Laskmindra Lokesvara Svabhyada.
Dưới triều đại Indravarman II trị vì, Kinh đô Vương quốc Chăm lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravarti, với Kinh đô là Indrapuara. Indrapura, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Chăm Pa, chính là khu vực làng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hiện nay.
Indrapura là một kinh đô hoàn chỉnh. Khu Phật viện Đồng Dương là một phần nhỏ nằm trong một hệ thống kinh đô trải rộng khắp xã Bình Định Bắc và một phần của xã Bình Trị ngày nay. Indrapura có cả khu vực hoàng cung, thành quân sự, hệ thống các tháp canh, các di tích tôn giáo, một khu chế tác đá cổ để xây dựng đền đài và những tấm bia đá có khắc Phạn ngữ nằm trong khuôn viên Phật viện…
Chính những yếu tố này làm cho Indrapura trở thành một kiểu kinh thành truyền thống giống như kinh đô Sinhapura (Trà Kiệu - Quảng Nam) hay Vijaya (Đồ Bàn - Bình Định).
Vương triều và kinh đô Indrapura lấy dòng sông Ly Ly làm hệ quy chiếu chung. Đó là con sông nhỏ bắt nguồn từ núi Hòn Tàu (Quế Sơn) chảy theo hướng Tây Nam đến Đông Bắc, qua các xã Bình Trị, Bình Định Bắc, Bình Qúy, Bình Nguyên rồi nhập vào sông Bà Rén tại Duy Xuyên để tiếp tục đổ ra biển.
Con sông là ranh giới tự nhiên giữa huyện Quế Sơn và Thăng Bình ngày nay và đây cũng là con đường thủy giúp giao thương, đi lại giữa vùng kinh đô Indrapura một thời với vùng Hội An.
Hội An trước đây là một thương cảng cổ và trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của Vương quốc Chămpa. Hệ thống các giếng cổ quanh khu vực, di tích trên đảo Cù Lao Chàm, vị trí các tàu đắm trên khu vực chứng tỏ điều đó.
Kinh đô Indrapura lấy Cù Lao Chàm làm bức bình phong và cửa ngõ giao thương với thế giới bên ngoài. Mặt khác ngay chính thôn Đồng Dương - vị trí kinh thành, sông Ly Ly tách một nhánh nhỏ gọi là suối Ngọc Khô chảy theo hướng Đông Nam đổ ra khu vực biển Tam Hải huyện Núi Thành, đây là khu vực có nhiều di tích Chăm. Khu vực cảng Kỳ Hà (Tam Kỳ) ngày nay cũng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ là một thương cảng cổ trong khu vực sau Hội An.
Về mặt thông thương từ Đồng Dương có thể giao thông thuận lợi theo đường thủy đi ra biển và tỏa ra các hướng Nam - Bắc theo hai ngả khác nhau. Như vậy, phía hạ lưu có đến hai thương cảng cho vương quốc cổ, trong đó quan trọng nhất vẫn là Hội An - Cù Lao Chàm. Đó chính là cơ sở kinh tế cho một vương triều tồn tại và phát triển.
Vì thế trong vòng hơn 100 năm bá chủ toàn cõi Chămpa xưa, vương triều này đã kịp để lại hàng loạt di tích kiến trúc và bia kí trên khắp lãnh thổ từ Quảng Bình cho đến Ninh Thuận. Indrapura là vương quốc có nền kinh tế hưng thịnh và nền chính trị liên hợp mạnh nhất kể từ khi nó ra đời.
(Ảnh: Phật viện Đồng Dương (xã Định Bình Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được khai quật năm 1902). Phật viện Đồng Dương vừa là kinh đô, vừa là trung tâm Phật giáo của Vương quốc cổ Champa.
Kinh đô Indrapura nằm gọn trong cánh đồng Đồng Dương rộng khoảng 2km2 (Theo kiến giải của những nhà nghiên cứu Pháp thì Đồng Dương có nghĩa là cánh đồng thiêng. Tiếng “Dương” là biến âm của tiếng “Yan”- trời, linh thiêng trong ngôn ngữ Chăm). Đó là một thung lũng hình chữ nhật ba mặt Đông, Nam, Tây được đồi núi cao bao bọc. Phía Bắc là dòng Ly Ly, cửa ngõ thông thương với bên ngoài được bố trí rất kín đáo, đã tạo cho Kinh đô này một địa thế vô cùng hiểm trở, linh thiêng.
Theo công bố năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot, đã phát hiện 229 hiện vật, đặc biệt có pho tượng Phật bằng đồng cao hơn một mét (108cm), mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ, được đánh giá vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á. Năm 1902, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.
Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo đại thừa kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ 9.
Ngày nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, sự phai mờ của thời gian, hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng”, cùng với nền móng tường thành hiện còn dài 155m, rộng khoảng 326m, chạy theo hướng Đông - Tây. Đây có thể là thành ngoại.
Thành ngoại chứa 3 cụm kiến trúc đồng trục với tường thành và 3 hồ nhân tạo. Một ở góc Đông Nam và hai ở góc Đông Bắc. Tuy nhiên, 1 trong 3 hồ đó, ngày nay đã bị san lấp làm ruộng canh tác. Ngoài ra, ở góc Đông Nam của thành ngoại còn có vết tích của tòa nhà dài.
Thành ngoại có hai cửa Đông và Tây, nhưng dấu tích rất mờ nhạt; cửa Đông là một kiểu kiến trúc rất đồ sộ, có dạng tháp. Hai bên cửa ra vào có tượng thần gác cổng, còn cửa phía Tây thuộc về phía sau của Phật viện. Trong thành ngoại là thành nội. Thành nội bao lấy nhà Thờ trung tâm, trong đó có tháp chính. Ở đây còn có một tháp đặc biệt, được dân gian gọi là tháp Giếng, nằm ở góc Tây Nam.
Dấu tích Phật viện Đồng Dương hiện chỉ có vậy. Tuy nhiên, những nghiên cứu khảo cổ học của H. Parmentier, đầu thế kỷ 20, đã chỉ ra rằng, ở đây có khu đền thờ chính, dài 326 m, rộng 155 m, xung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài 760 m chạy về phía Đông. Khu đền thờ chính gồm có ba nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch.
Nhóm phía Đông: Chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là khu viện phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài này có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có bộ khung gỗ và lợp ngói.
Ở đây có một bệ thờ lớn bằng sa thạch được chạm trỗ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế. Phía trên bệ thờ là một tượng Phật Thích Ca rất lớn ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Cham Pa ngồi trên ngai vàng.Trong khu vực này còn tìm thấy một số tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ giáo luật của đạo phật).
Trên những bệ đá cạnh hai hàng cột gạch. Nhóm giữa: Chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bật thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dài lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên hai vách tường có nhiều cửa sổ.
Ngôi nhà này cũng được lợp bằng ngói. Ở đây có 04 pho tượng Hộ Pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 02m, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Cham Pa.
Nhóm phía Tây: Gồm các đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Cham Pa; với mặt bằng hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ áp tường được chạm những dãi hoa văn bằng lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương.
Mặc dù ngày nay, khu di tích này chỉ còn lại phế tích nhưng những ghi chép về nó trong lịch sử, những hiện vật nổi tiếng đang trưng bày trong các bảo tàng, cho đến tàn tích của nó trong lòng đất khiến Phật viện Đồng Dương xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.