Có mặt tại xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN quan sát có nhiều lái buôn đang thu mua con cá, tôm, cua biển…từ người dân để vận chuyển đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh nhập, bán.
Clip: Cách chọn cua chắc thịt từ chị Hiền (quê xã Kim Đông, huyện Kim Sơn), lái buôn hơn 10 năm kinh nghiệm.
Chị Hiền (một lái buôn quê xã Kim Đông) cho biết: "Tôi thu mua hải sản ở đây hơn 10 năm, có ngày mua được khoảng 100 kg cua biển từ các chủ ao, đầm bán lại. Nói chung để thưởng thức được hương vị thơm ngon của con cua biển, nên chế biến cua sau khi mua về".
"Nên chọn những con cua biển còn sống, tươi, yếm vẫn bám chắc vào thân, chân và càng chuyển động khỏe, linh hoạt, gai trên càng và mai vẫn sắc nguyên. Những cua trưởng thành chắc thịt, khi ấn vào yếm cua sẽ rất cứng, không bị lún hay bể yếm cua", chị Hiền với kinh nghiệm nhiều năm thu mua cua biển mách.
Chị Hiền lưu ý cua biển có nhiều loại như: Cua gạch, cua thịt, cua nước…tùy theo sở thích của từng người để lựa chọn. Về cơ bản cua gạch và cua chắc thịt đều ngon và rất bổ dưỡng.
Đầu tiên mẹo chọn chua ngon là xem càng, phần da lụa giữa kẹt khuỷu (cùi chỏ) trên càng cua có màu hồng đỏ hoặc hồng sậm thì đây là những con cua có nhiều thịt. Bên cạnh đó, nếu phần da chỗ này trơn bóng thì đó là cua mập còn bị nhăn thì đó là cua bị ốm.
Ngoài ra, có thể dùng tay sờ vào phần mai cua, nếu cảm nhận được độ mềm thì chúng là những con cua có phần thịt không ngon, phần gạch cũng không ngon.
Đồng thời, bóp phần đầu đùi của que dầm bơi, nếu cua còn cử động thì đó là những con cua tươi, thịt ngon. Còn chúng "bất động" có nghĩa là chúng sắp chết.
Để chọn mua những con cua gạch nên mua những con cua cái, vì chúng nhiều gạch hơn cua đực. Cua cái sẽ có phần yếm (dưới bụng) hình đa giác và phình to, còn cua đực sẽ có phần yếm hình tam giác.
Những con cua gạch sẽ có giá đắt hơn những loại khác trên thị trường. Nên chọn mua cua gạch vào những ngày cuối tháng hoặc những đêm tối trời, như vậy thì gạch trong cua sẽ nhiều hơn.
Chị Hiền một lái buôn thu mua cua biển lâu năm cho biết, hiện đang bán giá cua biển như sau: Cua chắc thịt giá từ 250.000-300.000 đồng/kg (loại 3 con); cua biển hơi óp (kém thịt) giá 150.000 đồng/kg (loại 2-3 con).
Với kinh nghiệm hơn 10 năm thu mua hải thải, đặc biệt là mỗi ngày mua khoảng 100kg con cua biển để bán lại, chị Hiền (quê Kim Đông, huyện Kim Sơn) đã quen với việc trói cua biển.
Chị Hiền bật mí: "Nếu muốn trói cua biển nhanh, không bị càng cua cắp vào tay chảy máu thì tay nào thuận cầm hai chân sau của cua và buộc hai càng trước, dùng dây quấn xung quanh. Cũng có nhiều người dùng ngón chân cái tì nhẹ lên vỏ con cua và trói khoảng 20-25 giây là xong".
Loại dây trói cua biển được chị Hiền sử dụng từ vải thun cotton nên khả năng thấm, hút, giữ nước tốt cho cua. Ngoài ra, dây thun dùng để buộc cua có độ đàn hồi, co giãn, phù hợp để cố định cua biển mà không sợ bị gãy càng hay làm cua bị chết ngạt.
Bên cạnh, trói cua biển còn nhằm mục đích tránh bị rụng càng cua trong quá trình vận chuyển, và sự va chạm giữa các con cua với nhau, giúp cua biển sống lâu, bán được giá cao.