Ngày 24/10, giải vô địch điền kinh quốc gia 2023 đã khai mạc tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4 (Miếu Môn, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên các đoàn, VĐV các địa phương trên cả nước được sinh hoạt, tập luyện, thi đấu tập trung trong môi trường Quân đội.
Tính đến hết buổi sáng ngày thi đấu thứ hai, đã có hai kỷ lục quốc gia được thiết lập. Nội dung đẩy tạ nữ, VĐV 20 tuổi quê Trà Vinh Kim Thị Huyền đã giành HCV, phá kỷ lục quốc gia với mức tạ 15m27 (kỷ lục cũ thuộc về VĐV Ka Hoa - Ninh Thuận, 14m75 lập tại giải VĐQG 2019).
Tới sáng nay (25/10), trên đường chạy chung kết 4x200m tiếp sức nam, bộ tứ Triệu Thái Sơn - Nguyễn Tiến Hùng - Đặng Hoàng Ánh - Ngần Ngọc Nghĩa (Công an Nhân dân) đã giành HCV, phá kỷ lục quốc gia với thành tích 1 phút 24 giây 06 (kỷ lục cũ do đội tiếp sức 4x200m nam Thanh Hóa lập tại giải VĐQG 2015 là 1 phút 24 giây 63).
Một chi tiết được nhiều người quan tâm là tại sao giải vô địch điền kinh quốc gia 2023 lại được đưa về tổ chức tại Miếu Môn - nơi cách xa trung tâm và rất khó để các CĐV có thể vào xem, cổ vũ cho các CĐV thi đấu. Điều này khác hẳn với việc tổ chức trên sân Mỹ Đình. Vì sao vậy?
Trao đổi với Dân Việt, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục TDTT, đồng Trưởng BTC giải cho biết: "Giải vô địch điền kinh quốc gia nhiều năm qua vẫn luân phiên tổ chức ở nhiều địa phương, địa điểm khác nhau. Nơi nào đủ điều kiện về mọi mặt thì sẽ đăng cai tổ chức.
Sân Mỹ Đình thường chỉ tổ chức các Đại hội lớn như SEA Games chẳng hạn, tất nhiên, có năm giải vô địch điền kinh quốc gia cũng tổ chức ở Mỹ Đình.
Miếu Môn có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt. Các đoàn VĐV được sinh hoạt, tập luyện, thi đấu tập trung. Theo ghi nhận của chúng tôi, phản hồi từ các VĐV đất tốt, họ đã có những trải nghiệm thú vị tại giải và đã có những kỷ lục quốc gia được phá.
Về phía khán giả, việc giải tổ chức tại Miếu Môn cũng thuận lợi cho người dân ở Mỹ Đức và các khu vực xung quanh tới đây cổ vũ".
Chia sẻ về việc lần đầu tiên đăng cai giải vô địch điền kinh quốc gia 2023, Thiếu tướng Bùi Hồng Quang - Phó Cục trưởng Cục Quân huấn - Bộ Tổng Tham mưu, đồng Trưởng BTC giải phát biểu tại Lễ khai mạc:
"Được đăng cai tổ chức giải điền kinh VĐQG năm nay vừa là vinh dự tự hào, đồng thời cũng khẳng định vai trò, trách nhiệm của Quân đội với công tác thể dục, thể thao quốc gia.
Mặc dù điều kiện bảo đảm cho thể thao trong Quân đội vẫn còn khiêm tốn, cơ sở vật chất còn khó khăn, kinh nghiệm đăng cai tổ chức một giải thể thao cấp quốc gia còn hạn chế; song, BTC và đơn vị đăng cai sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất, đảm bảo cho thành công của Giải, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn tham dự và hiểu rõ hơn về điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác của người lính Bộ đội Cụ Hồ".
Trước câu hỏi của Dân Việt về việc có ý kiến cho rằng việc tổ chức giải điền kinh VĐQG 2023 tại Miếu Môn nhằm "tránh xa dư luận" sau khi "trắng tay" tại ASIAD 2023 vừa qua? Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam vừa cười vừa trả lời:
"Chúng tôi cũng biết được những ý kiến đó qua mạng xã hội và qua báo chí, cũng muốn bày tỏ cho tất cả được rõ là: Khi xây dựng kế hoạch tổ chức giải điền kinh VĐQG, chúng tôi phải xây dựng trước một năm chứ không phải "nước đến chân mới nhảy", thích tổ chức ở đâu là đến.
Với môn điền kinh, khi tổ chức phải đáp ứng đủ trang thiết bị tập luyện, thi đấu, tất cả phải có quá trình chuẩn bị, đào tạo con người vận hành trang thiết bị...
Khi giải tổ chức tại Miếu Môn, bên Quân đội có nhiều lực lượng chuyên môn, giáo viên thể chất tại các trường sỹ quan về học hỏi, trải nghiệm, nâng cao trình độ. Các đoàn VĐV cũng có được sự bổ sung về trang thiết bị tập luyện".
Về vấn đề kinh phí, việc tổ chức giải điền kinh VĐQG tại Miếu Mốn sẽ đỡ tốn kém hơn khi tổ chức ở Mỹ Đình? Dân Việt đặt vấn đề và ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn cho biết:
"Về "con số" chung chi để tổ chức cho một giải điền kinh tổ chức ở Mỹ Đình hay địa phương nào khác, và lúc này ở Miếu Môn là như nhau.
Có điều, khi tổ chức trên sân Mỹ Đình, Liên đoàn điền kinh Việt Nam phải đứng ra tổ chức từ A đến Z, mọi khâu an ninh, y tế, phục vụ, trọng tài... lên đến mấy trăm con người.
Còn tổ chức ở Miếu Môn, đơn vị đăng cai đã lo hết 2/3 chi phí. Liên đoàn điền kinh Việt Nam chỉ phải chi 1/3 tổng chi phí tổ chức giải.
Khi tổ chức giải ở địa phương nào cũng vậy thôi, đơn vị đăng cai sẽ lo mọi mặt, các điều kiện đảm bảo để tổ chức giải. Liên đoàn điền kinh Việt Nam chỉ tập trung lo chuyên môn.
"Cô gái vàng" điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Huyền nhìn nhận việc được thi đấu trong môi trường Quân đội "rất lạ và rất hay", giúp chị cũng như các VĐV thuộc các địa phương khác nhau có cơ hội giao lưu, trò chuyện với nhau nhiều hơn khi thường xuyên gặp gỡ khi đi tập, đi ăn cùng nhau:
"Ở trong môi trường Quân đội, chúng tôi chỉ biết ăn, ngủ, tập luyện, thi đấu. Tất cả đều không đi đâu cả, tập trung 100% cho việc giành kết quả tốt nhất".
Chia sẻ với tâm sự của "đàn chị", nữ VĐV cử tạ vừa phá kỷ lục quốc gia Kim Thị Huyền nói: "Việc được nhận chăn rằn, gối xếp, ngủ giường tầng, mỗi sáng đều nghe tiếng còi báo động đánh thức, em cảm thấy rất ngạc nhiên, thú vị".