Dân Việt

Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Nguy cơ thiếu cát, không đồng bộ toàn tuyến

Vũ Quyền 25/10/2023 19:09 GMT+7
Hai vấn đề quan trọng liên quan dự án Vành đai 3 TP.HCM là nguy cơ thiếu cát đắp và đoạn 15,3km tại đường Mỹ Phước-Tân Vạn, tỉnh Bình Dương chưa được đồng bộ với toàn tuyến.

Cát đắp khó đáp ứng tiến độ

Thông tin tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ quý III năm 2023, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án Vành đai 3 TP.HCM đang đáp ứng tiến độ đặt ra và quá trình triển khai thủ tục theo đúng quy định.

Hiện nay, dự án đang đến bước triển khai bước thi công ngoài hiện trường, cơ bản mặt bằng các tỉnh thành đã giải phóng được khoảng trên 90%, các địa bàn đều đã triển khai thi công.

Tuy nhiên, dự án đang gặp vấn đề khó khăn về về vật liệu. "Không phải chỉ riêng dự án Vành đai 3 TP.HCM mà các tuyến cao tốc thi công ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay về đất, cát đắp đều rất khó khăn", ông Lâm nói.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Nguy cơ thiếu cát, không đồng bộ toàn tuyến - Ảnh 1.

Vật liệu cát đắp trong năm sau dự án vành đai 3 TP.HCM chỉ đạt khoảng 30-40% của tiến độ theo kế hoạch. Ảnh: Vũ Quyền

Bởi hiện nay, cát để làm các dự án chủ yếu một phần ở Đồng Nai, một phần ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, theo đánh giá, năm nay cát đắp cơ bản có thể đáp ứng được các tiến độ các gói thầu đã khởi công.

Do không có các mỏ mới, đặc biệt nếu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không hỗ trợ kịp thời, chỉ đạo quyết liệt, bắt đầu từ năm sau vật liệu cát đắp của các dự án sẽ rất khó đáp ứng.

Theo đánh giá hiện nay, năm sau vật liệu cát đắp chỉ đạt khoảng 30-40% của tiến độ theo kế hoạch. Do đó, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM mong lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo thêm để hợp các với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguy cơ thiếu đồng bộ

Ngoài ra, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, còn một vấn đề liên quan đoạn 15,3km tại đường Mỹ Phước-Tân Vạn, tỉnh Bình Dương. Trước đây, khi dự án Vành đai 3 TP.HCM được thông qua chủ trương đầu tư, thời điểm đó, tỉnh Bình Dương đã có một dự án để triển khai, cải tạo các nút giao với vận tốc khai thác đảm bảo 80km/h. Tuy nhiên, hiện dự án này đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Nguy cơ thiếu cát, không đồng bộ toàn tuyến - Ảnh 2.

Gói thầu XL3 dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn đi qua TP.Thủ Đức. Ảnh: Vũ Quyền

Đầu tháng 10/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương đầu tư đoạn Mỹ Phước-Tân Vạn hiện hữu đi trùng với đường Vành đai 3 TP.HCM theo hình thức đầu tư công. Mục đích nhằm khai thác đồng bộ với đường Vành đai 3 khi đưa vào khai thác (dự kiến từ năm 2026). Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ (từ 22.011 tỷ đồng đến 25.137 tỷ đồng).

Lý do, đoạn 15,3km đường Mỹ Phước-Tân Vạn hiện hữu đi trùng với đường Vành đai 3 TP chưa được đầu tư theo quy mô đồng bộ với đường Vành đai 3. Hiện tại, đoạn này đang được khai thác với quy mô đường đô thị 6 làn xe, giao cắt đồng mức với rất nhiều đường hiện hữu, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu đầu tư đồng bộ với dự án đường Vành đai 3 để phát huy hiệu quả đầu tư.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Nguy cơ thiếu cát, không đồng bộ toàn tuyến - Ảnh 3.

Dự án vành đai 3 TP.HCM đang có nguy cơ thiếu đồng bộ. Ảnh: Vũ Quyền

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và hỗ trợ ngân sách cho tỉnh Bình Dương đầu tư bổ sung các nhánh để hoàn thiện nút giao Tân Vạn của dự án thành phần 5 thuộc dự án (đầu tư bổ sung hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc và thêm 3/5 nhánh còn lại) để phát huy hiệu quả đầu tư dự án. Sơ bộ chi phí xây dựng bổ sung khoảng 1.800 tỷ đồng.

Nguyên nhân do nút giao Tân Vạn thuộc đường Vành đai 3 là nút giao rất phức tạp, là "yết hầu", cửa ngõ giao thoa của 3 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Do đó, lưu lượng xe qua đây rất lớn, thường xuyên ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, khu vực lân cận có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trọng yếu như ống cấp nước D600, D1200, D2000mm, hệ thống cáp quang, điện... Chưa kể, khu vực này còn quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia Trảng Bom-Hòa Hưng đi qua. Nếu không được đầu tư hoàn thiện trong giai đoạn này, khi đường Vành đai 3 đi vào khai thác, việc đầu tư sẽ rất phức tạp.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng mong các địa phương thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận hỗ trợ nguồn vốn và triển khai các nội dung để xuất của UBND tỉnh Bình Dương bằng một dự án riêng.