Thời điểm này, hơn 60 ha khai thác con rươi ở Đảo Ngọc và diện tích ngoài đê khu Tử Lạc phường Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương) bắt đầu cho thu hoạch rươi. Trung bình mỗi hộ thu được khoảng 20kg/đầm. Được khai thác hoàn toàn tự nhiên nên rươi ở đây có chất lượng vượt trội, đều con, hàm lượng dinh dưỡng cao. Rươi thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá bán khoảng 350.000 - 400.000 đồng/kg, tương đương năm trước.
Gia đình ông Trần Văn Thể cùng các hộ khai thác rươi khu Tử Lạc lúc nào cũng túc trực tại đầm, chờ thu hoạch. Trời tối, đèn điện được thắp sáng ở những vị trí đặt cống dẫn nước thủy triều vào đầm. Các thành viên trong gia đình chuẩn bị các vật dụng như: xô, chậu, hộp xốp… sẵn sàng thu hoạch rươi.
Ông Thể cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha khai thác rươi. Để khai thác rươi hiệu quả, gia đình đã đầu tư làm hệ thống thủy lợi, đắp đê bao, quây vùng, xây cống điều tiết nước, bảo đảm chủ động cho nước thuỷ triều ra, vào đầm một cách tự nhiên. Chúng tôi vừa làm vừa mày mò, rút kinh nghiệm. Thường xuyên quan sát chu kỳ con nước thủy triều; nắm chắc quá trình phát triển của rươi, từ lúc ấu trùng rươi theo con nước vào “định cư” trong ruộng để tạo môi trường thuận lợi cho chúng trú ngụ, sinh sôi, phát triển”.
Theo kinh nghiệm của các hộ dân ở Tử Lạc, con rươi thường xuất hiện 1 năm 2 vụ, trong đó vụ mùa cho thu hoạch chính với năng suất cao, kéo dài từ tháng 9 âm lịch đến qua Tết Nguyên đán.
Để có một vụ rươi mùa thắng lợi, cùng với yếu tố về thiên nhiên ưu đãi thì việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư cải tạo đất tạo môi trưởng sinh sôi và phát triển tốt cho rươi là yếu tố quan trọng được người dân thực hiện đúng quy trình. Chẳng ai bảo ai, nhưng cả khu đều biết không được dùng phân hoá học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu... trong vùng đất bãi. Ruộng nào cải tạo tốt, đất màu mỡ sẽ cho thu nhiều rươi.
Sau khi thu hoạch rươi mùa, người dân sẽ cày lật đất, bón phân chuồng, trồng 1 vụ lúa hữu cơ. Khoảng tháng 4 gặt xong, rơm rạ sẽ để lại trên ruộng, dùng máy cày vùi xuống, rắc thêm phân hoai mục với trấu để tạo dinh dưỡng cho đất.
Quan trọng hơn nữa là kinh nghiệm điều tiết nước và nắm được thời điểm rươi nổi. Nhiều năm qua, nhờ nguồn lợi từ con rươi nhiều gia đình ở đây có điều kiện nuôi con ăn học trưởng thành, xây nhà mới khang trang.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Tân cho biết: “Để khai thác hiệu quả, bền vững con rươi trên vùng Đảo Ngọc, những năm qua, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn đã quan tâm đầu tư kinh phí làm đường trong vùng khai thác rươi, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm”.
“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, người dân khu Tử Lạc lại phấn khởi thu hoạch “lộc trời”. Về khu Tử Lạc vào mùa rươi, không khí nhộn nhịp, tấp nập, tiếng nói cười rôm rả khắp những con đê, đường vào vùng khai thác. Điều thú vị nữa là ở nơi đây, những vườn cây ăn quả quanh các khu đầm rươi quanh năm xanh mát. Cây cối, vật nuôi được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên hoa quả, vật nuôi cho thu hoạch có hương vị thơm ngon đặc trưng.
Con rươi (trong dân gian gọi là rồng đất) là loài nhuyễn thể thuộc họ Rươi, ngành Giun đốt, khu vực sinh sống thường ở môi trường nước mặn hoặc nước lợ.
Nhìn bên ngoài, con rươi nhìn khá giống với giun đất, đầu có 1 thùy nhỏ ở trước miệng, trên miệng có 2 mắt màu đen. Thân rươi dẹp, dài khoảng 6 - 7cm và rộng khoảng 5 - 6mm, trên thân có 65 đốt với nhiều màu sắc khác nhau như: hồng, trắng, nâu,...
Phần lưng trên được phủ một lớp tơ dài và dày. Mặc dù có hình dáng trông hơi "đáng sợ" nhưng rươi lại được xếp vào danh sách thực phẩm quý giá nhất, bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon.
Con rươi là một loại đặc sản thuộc miền Bắc nước ta và chỉ có duy nhất ở khu vực này. Hằng năm, rươi chỉ xuất hiện vào tháng 9, 10 và 11 âm lịch nên số lượng thu hoạch khá khan hiếm. Một số vùng có nhiều rươi sinh sống nhất là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,...