Con một nông dân nghèo ở Hải Dương đỗ Trạng nguyên, vua Trần gả công chúa, làm chánh sứ sang Tống

Thứ tư, ngày 04/10/2023 05:30 AM (GMT+7)
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quốc Lặc đỗ Trạng nguyên thời Trần Thái Tông là người làng Uông Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Thượng Hồng (nay là thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Tương truyền, cha ông là Cao Minh Văn, mẹ là Trần Thị Hiền...
Bình luận 0

Huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) có truyền thống khoa bảng lâu đời. Đây không chỉ là huyện có số tiến sĩ nhiểu nhất tỉnh mà còn là huyện nhiều tiến sĩ nhất cả nước với 125 tiến sĩ.

Trong thời kỳ phong kiến, Hải Dương có 12 vị đỗ đại khoa thì riêng huyện Nam Sách có 6 vị. Xã Minh Tân đứng thứ hai toàn huyện sau thị trấn Nam Sách với 12 vị đỗ Thái học sinh và Tiến sĩ. 

Quê hương Nam Sách nói chung và thôn Uông Hạ, xã Minh Tân nói riêng tự hào có Trần Quốc Lặc - vị Trạng nguyên đầu tiên của xứ Đông đỗ đại khoa và có 9 vị đỗ tiến sĩ khoa bảng từ thế kỷ XIII- XVIII.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quốc Lặc người làng Uông Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Thượng Hồng (nay là thôn Uông Hạ, xã Minh Tân). 

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Tương truyền, cha ông là Cao Minh Văn, mẹ là Trần Thị Hiền. 

Thuở nhỏ, ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học, khiêm nhường, hiếu nghĩa. Tháng 2.1256, ông đỗ Kinh Trạng nguyên khoa Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong thứ 6, đời Trần Thái Tông. Làm quan tới chức Thị giảng, đại liên bang hành khiển, kiêm lĩnh nam thụy quân quốc trọng sự.

Ông luôn đề cao cái tâm con người. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, ông cho rằng: “Phàm là người học đạo, không nên lo trăng có sáng không, đức của mình có mỏng không, trí của mình có mạnh không”.

Ngoài cái tâm trong sáng, ông còn là người con hiếu thảo. Tương truyền, mẹ ông bị sét đánh chết, người làng cho rằng bà đã phạm một tội nào đó nên bị thiên lôi trừng phạt. 

Trước nỗi đau mẹ mất mà còn bị dân làng dị nghị, Trần Quốc Lặc quyết tìm hiểu nguyên nhân để minh oan cho mẹ.

Con một nông dân nghèo ở Hải Dương đỗ Trạng nguyên, vua Trần gả công chúa, làm chánh sứ sang Tống - Ảnh 1.

Đình Tả thờ Trạng nguyên Trần Quốc Lặc, người đầu tiên xứ Đông đỗ Trạng nguyên. Trần Quốc Lặc đỗ Trạng nguyên đời vua Trần Thái Tông. Đình Tả thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Trần Quốc Lặc đến gặp từng người chứng kiến sự việc hôm đó thì được biết khi ấy mẹ ông vác trên vai một chiếc vợt cá bằng sắt. Từ đó ông là người đầu tiên khám phá ra tại sao lại có sét, sét từ đâu đến, tại sao lại phóng xuống đất và phương pháp chống sét bằng truyền tục dân gian. 

Đến năm 27 tuổi, vua thấy Trần Quốc Lặc tài đức uyên bác bèn gả công chúa Bình Lương cho ông, phong tước hầu và cử làm Đạo thừa chánh sứ sang Bắc Quốc thời nhà Tống. 

Thần phả tại đình có ghi đương nhiệm kỳ chánh sứ gặp nhà Tống mở khoa thi, Trần Quốc Lặc đỗ Trạng nguyên và được nhà Tống phong là Lưỡng Quốc Trạng nguyên. Sau khi miễn nhiệm kỳ, ngài trở về nước. 

Vì không dụ dỗ mua chuộc được nhân tài nước Nam, nhà Tống lập mưu sát hại ông trong bữa tiệc tiễn đoàn trước khi qua cửa ải Mục Nam Quan. 

Sau khi mất, ông được triều đình nhà Trần phong phúc thần “Thành hoàng làng Giang Hạ”. Để ghi nhớ công lao của vị quan hiền tài có công với dân với nước, dân làng lập miếu thờ ông tại vị trí ngôi nhà ở của gia đình ông - tiền thân của đình Tả hiện nay. 

Đến thời Lê, dân làng trùng tu ngôi miếu khang trang, to đẹp thành ngôi đình và lấy tên là đình Tả. Đến thời Nguyễn, ông được triều đình qua các đời Gia Long, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái ban 5 đạo sắc phong.

Thời gian này, ngôi đình được trùng tu lớn nhất với kiến trúc hình chữ Nhị gồm 5 gian ngoài và 3 gian trong, với chất liệu bằng gỗ lim, giữa là sân lọng, 2 giải vũ hai bên trên khuôn viên khoảng hơn 1 mẫu Bắc Bộ. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp đình bị phá hủy hoàn toàn.

Những năm 1958-1960, diện tích đất đình đã được chính quyền địa phương chia cho 2 hộ dân sinh sống. 

Đến năm 2001, dân làng công đức tiền của xây mới lại 3 gian đình để thờ thành hoàng Trần Quốc Lặc cùng phu nhân của ngài là Bình Lương công chúa và 9 vị Tiến sĩ của làng qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn. Đình chỉ rộng 80 m2 theo kiểu chữ nhất, mái lợp ngói mũi, 4 góc đao đầu rồng, trên bờ lóc có đắp nổi lưỡng long trầu nguyệt.

Ban bảo vệ di tích luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, tuyên truyền lịch sử về thần hoàng làng Trần Quốc Lặc tới con em trong thôn, tổ chức lễ hội truyền thống trang trọng vào 2 ngày 11 và 12 tháng riêng hằng năm. 

Ngoài rước, tế lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, giao lưu văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân trong thôn, ngoài xã tham gia. 

Năm 2014, nhân dân trong thôn công đức tiền của xây dựng khu lăng mộ thân mẫu Trạng nguyên cách đình 200 m về phía bắc. Năm 2015, ngôi đình được nhân dân tôn tạo và công đức nhiều hiện vật thờ cúng như hiện nay.   


HT (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem