Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan...
Trình bày ý kiến, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống.
Đánh giá báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khá rõ. Tuy nhiên, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống.
"Qua các điều của Luật sửa đổi lần này, tôi nhận thấy, từ Điều 41 đến Điều 43 quy định rõ trách nhiệm nhưng chưa làm rõ đảm bảo quyền của công dân đối với nhu cầu sử dụng nước cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác trong điều kiện vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này của công dân và các tổ chức, cá nhân", nữ ĐBQH kiến nghị.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị bổ sung quy định đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức pháp nhân đối với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đồng thời, bổ sung cấm 2 hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước và hành vi ảnh hưởng chất lượng của nguồn nước sinh hoạt, đồng thời cần có lộ trình đối với các hành vi để khắc phục các hành vi vi phạm trước đó.
"Nếu không có quy định nghiêm cấm 2 hành vi phổ biến này thì sẽ gây thiệt hai ngày càng nghiêm trọng", bà Châu nhấn mạnh và đề nghị phải đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích bình đẳng giữa các đối tượng khai thác và sử dụng nước, giữa các địa phương, thượng lưu, hạ lưu, thượng du, hạ du…
Liên quan trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.
Đại biểu lấy ví dụ tại điểm 3 Điều 43 chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt.
Do đó, đại biểu đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của hai cơ quan để tránh chồng chéo trong quản lý.
Góp ý xây dựng dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cơ quan soạn thảo Luật tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước, xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước…
Đại biểu cũng đề nghị cần chỉ rõ pháp luật về bảo vệ môi trường gồm những luật gì, bởi tại khoản 3 Điều 59 đã nêu việc sử dụng nước thải và tái sử dụng nước được thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đại biểu, để áp dụng thống nhất trong hệ thống pháp luật cần phải quy định rõ hơn. Ngoài ra, cần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép về tài nguyên nước do chưa có quy định về vấn đề này cũng như bổ sung phạm vi hoạt động của từng loại giấy phép.
Góp ý về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề cập đến phạm vi điều chỉnh và cho rằng nước biển, nước dưới đáy biển, nước nóng, nước khoảng thiên nhiên… không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Nếu người dân đọc thì sẽ hoang mang phạm vi điều chỉnh của luật ở đâu? Do đó, đại biểu cho rằng, nếu điều chỉnh bằng luật khác thì cần đề cập luôn và cụ thể hóa trong luật, tức là điều chỉnh bằng các luật khác như Luật Biển, Luật Khoáng sản…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy tại Điều 2 về định nghĩa đã có thuật ngữ để gom lại các nguồn nước, trong đó nguồn nước có tới 20 loại, tuy nhiên tại các hành vi bị nghiêm cấm, Ban soạn thảo lại dùng phương pháp liệt kê nên sẽ không đẩy đủ. Đại biểu nêu dẫn chứng, dự thảo luật có nêu các điều cấm tại Điều 5 như cấm lấn đất, sông, suối, kênh, mương, rạch… Tuy nhiên đại biểu chỉ rõ, nguồn nước của chúng ta còn có đầm, phá, hồ, ao, các tầng chứa nước dưới đất và nhân tạo như hồ thủy điện, thủy lợi…, quy định các điều cấm như vậy là chưa đầy đủ.
Còn đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) nhận thấy, phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần được bổ sung về kênh đào. Theo đại biểu, đầm, hồ, nước đã được quy định và có điều luật điều chỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung điều luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ kênh đào...
Theo đại biểu, tại Việt Nam, loại hình công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Đây là công trình đem lại nhiều lợi ích cho dân sinh, nông, ngư nghiệp cũng như giao thông vận tải. Đặc biệt là lợi ích từ mô hình này đem lại đối với việc giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm kinh phí cho nhân dân và doanh nghiệp bởi độ sinh lời khá lớn và ổn định.
Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản không đặt trong quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy lý giải: Quy hoạch tài nguyên nước có 3 loại quy hoạch đã quy định rõ trong Luật là quy hoạch tài nguyên nước nói chung; tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Trong đó, quy hoạch của tổng thể điều tra gắn rất chặt đối với các điều về điều tra cơ bản, còn các quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước gắn với mục đích điều hòa, phân phối.
Về liên quan đến kịch bản nguồn nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết nguồn nước của chúng ta có đặc trưng biến đổi theo không gian, thời gian các mùa trong một năm là khác nhau, các vùng khác nhau và phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước ở nước ngoài đến khoảng 60% - 70%. Chính vì thế trong thời gian vừa qua, trong đó có biến đổi khí hậu thì việc điều hòa, phân phối sử dụng các nguồn nước này để tối ưu hóa được nguồn lực là hết sức quan trọng. Do đó, việc dựa vào chiến lược quy hoạch nói chung thì việc có kịch bản về nguồn nước là hết sức quan trọng.