Kết quả phiếu tín nhiệm thấp thế nào có thể xin từ chức hoặc bị Quốc hội miễn nhiệm?

PVCT Thứ năm, ngày 26/10/2023 07:12 AM (GMT+7)
Theo quy định của Nghị quyết số 96/2023/QH15, những người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Bình luận 0

Chiều 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV.

Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành.

Kết quả phiếu tín nhiệm thấp thế nào có thể xin từ chức hoặc bị Quốc hội miễn nhiệm? - Ảnh 1.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh. Ảnh QH

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là 2 lãnh đạo có số "phiếu tín nhiệm cao" nhiều nhất.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có 437/480 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao. Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang có 448/481 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.

Những vị lãnh đạo có số phiếu "tín nhiệm cao" thấp nhất là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ với 187/480 phiếu (chiếm 38,88%), tiếp theo là Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với 219/481 phiếu (chiếm 45,53%), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đạt 229/479 phiếu (chiếm 47,61%), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng với 237/479 phiếu (chiếm 49,27%) .

Về số phiếu tín nhiệm thấp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có số "phiếu tín nhiệm thấp" cao nhất  với 72/479 phiếu (chiếm 14,97%). Tiếp đó, là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt với 71/480 phiếu (chiếm 14,76%); Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với 62/481 phiếu (chiếm 12,89%); Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên với 61/479 (chiếm 12,68%).

Trả lời trên cổng thông tin điện tử Quốc hội trước khi Quốc lấy phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác Đại biểu cho biết: Trong Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định rất rõ hệ quả kết quả lấy phiếu của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với hai nội dung rất căn bản.

Đó là, những người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Từ hai hệ quả rất rõ ràng của việc lấy phiếu tín nhiệm ở trên đã cho thấy vai trò quan trọng và tính thiết thực của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn, thông qua đó cũng đánh giá cán bộ, giúp cho những người giữ các chức vụ được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 nỗ lực hơn, cố gắng hơn trên cơ sở kết quả lấy phiếu.

Ngoài ra, Nghị quyết số 96/2023/QH15 cũng quy định rất rõ ràng về phiếu lấy tín nhiệm sẽ có ba mức độ là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm thì phiếu sẽ có hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Theo kết quả Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh đã công bố, không có trường hợp nào có quá nửa hay có đến hai phần ba (2/3) tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp". Trường hợp có phiếu "tín nhiệm thấp" cao nhất là 14,97%.

Đây là lần thứ 4 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức (có 5 trường hợp do mới được bầu và phê chuẩn trong năm 2023 nên không thuộc trường hợp lấy phiếu tín nhiệm, đó là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; 2 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh). Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người. Năm 2018, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 người.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện với 3 mức phiếu: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Kết quả phiếu tín nhiệm thấp thế nào có thể xin từ chức hoặc bị Quốc hội miễn nhiệm? - Ảnh 3.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem