Đại biểu Quốc hội: Lãnh đạo có số phiếu "tín nhiệm thấp" cao đúng là lĩnh vực đó có nhiều vấn đề

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 25/10/2023 17:56 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội), những nhân sự lãnh đạo có số phiếu "tín nhiệm thấp" còn cao, số phiếu "tín nhiệm cao" còn thấp đúng là đang có rất nhiều vấn đề, có những vấn đề xã hội cảm thấy chưa hài lòng, còn cảm thấy băn khoăn.
Bình luận 0

Chiều 25/10, Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Quốc phòng có số "tín nhiệm cao" với tỉ lệ cao nhất.

Trong khi đó, người có ít phiếu "tín nhiệm cao" nhất là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Nhiều lĩnh vực tồn tại vấn đề, khiến người dân băn khoăn

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) khẳng định, qua kết quả, ông thấy phản ánh tín nhiệm của Quốc hội khá chính xác.

Đại biểu Quốc hội: Lãnh đạo có số phiếu "tín nhiệm thấp" cao đúng là lĩnh vực đó có nhiều vấn đề - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội).

"Thực ra những vị trí giữ trọng trách có số phiếu nhiệm thấp còn cao, số tín nhiệm cao còn thấp đúng là đang có rất nhiều vấn đề, có những vấn đề xã hội cảm thấy chưa hài lòng, cảm thấy còn băn khoăn", đại biểu Trương Xuân Cừ nhận định.

Theo ông, đây là kết quả phản ánh sự khách quan rất cao. Đối với những chức danh nhận nhiều "tín nhiệm thấp", không có cách nào khác là phải khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tế của ngành mình, thể hiện vai trò, chức năng của đã được Đảng, Nhà nước giao phó.

"Đối với kết quả 3 vị Bộ trưởng nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất đó là Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, cá nhân tôi hoàn toàn không bất ngờ.

Kết quả này phản ánh đúng bởi vì Bộ Công Thương là một trong những Bộ rất "nóng", khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp quản và đạt được kết quả như thế theo tôi là một sự cố gắng rất lớn.

Đối với Bộ GD-ĐT lâu nay có rất nhiều ý kiến, dư luận về sách giáo khoa, trường công... người dân cũng kỳ vọng nhiều, đạt được như vậy cũng đã rất nỗ lực.

Về Bộ KH-CN, cuộc cách mạng 4.0 của thế giới đã có những bước nhảy vọt, người ta đã áp dụng công nghệ vào phát triển đất nước rất rõ ràng, các lĩnh vực công nghệ họ có những bước phát triển phục vụ cho đời sống, trong khi đó của mình thì gặp phải những khó khăn.

Chắc chắn qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, các Bộ trưởng sẽ có động lực nâng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thêm một bước để làm hài lòng người dân và các vị ĐBQH", vị ĐBQH này tin tưởng.

Phiếu tín nhiệm đánh giá công tâm, khách quan

Trao đổi với Dân Việt bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Quốc hội đã hoàn thành một trong những công việc rất quan trọng đó là quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm 44 vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Đại biểu Quốc hội: Lĩnh vực có số phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều đúng là có rất nhiều vấn đề - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: QH

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Văn phòng Quốc hội, đặc biệt đã có những chuẩn bị kĩ càng cả về mặt tài liệu, văn bản và ra những quy định rất chặt chẽ.

"Chúng tôi là những ĐBQH lần đầu được làm nhiệm vụ quan trọng là tích phiếu, cảm giác giác rất vinh dự và trách nhiệm. Tôi quan sát thấy rằng các ĐBQH đã có những đánh giá trên cơ sở, kết quả được công khai. Các ĐBQH đã đánh giá rất công tâm, khách quan và cũng rất sát với những lĩnh vực, nội dung mà Nghị quyết 96 và pháp luật yêu cầu", ông Trịnh Xuân An chia sẻ.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, việc đánh giá của các ĐBQH không chỉ là thông qua những báo cáo kết quả công tác của các cán bộ được lấy phiếu mà còn qua rất nhiều kênh, đặc biệt là qua nghiên cứu, tìm hiểu của từng đại biểu.

Đối với những lĩnh vực có tỷ lệ số phiếu "tín nhiệm thấp" cao hơn những lĩnh vực khác, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc đánh giá của các ĐBQH hoàn toàn khách quan và công tâm bởi vì đây đều là những ngành, những lĩnh vực trực tiếp tác động tới xã hội, người dân, doanh nghiệp... Đây không phải điều gì ghê gớm, gây thất vọng mà đó là một sự đòi hỏi của ĐBQH để các vị tư lệnh ngành nhìn lại, kết quả đã làm được, với sự đánh giá đó của Quốc hội đã phù hợp chưa, và cần phải cố gắng, nỗ lực thêm điều gì.

"Những lĩnh vực có số phiếu "tín nhiệm thấp" cao như Bộ trưởng Bộ KH-CN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Công thương... Đây là những lĩnh vực mà người dân cũng như ĐBQH đòi hỏi phải có nỗ lực hơn nữa để khắc phục, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và cử tri", đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Ông Trịnh Xuân An cũng cho biết, theo kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lần này, không có cán bộ nào rơi vào trạng thái bị xử lý theo Nghị quyết 96, điều đó là phù hợp vì thời gian qua các ngành đã rất nỗ lực, nhất là giai đoạn sau 2 năm phòng chống dịch Covid-19, nhiều vấn đề, nhiều yêu cầu của cuộc sống đòi hỏi phải cố gắng, nỗ lực hơn.

Kết quả này không phải chỉ để thực hiện theo quy trình, thủ tục thông thường mà nó có tác động lan tỏa tới điều hành, kinh tế-xã hội, công tác cán bộ và đặc biệt là với khả năng điều hành của các tư lệnh ngành để từ đó phấn đấu đạt kết quả tốt hơn từ nay tới cuối nhiệm kỳ.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố là kết quả khách quan, trung thực trên các lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để những người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, nhìn lại lĩnh vực mình phụ trách còn những tồn tại, hạn chế gì để nỗ lực hơn trong thời gian tới.

"Tư lệnh một số lĩnh vực có số "phiếu tín nhiệm thấp" cao như: Giáo dục và Đào tạo, ngành Khoa học và Công nghệ, Công thương… Theo tôi, đây là những ngành còn một số vấn đề tồn tại, những hạn chế nhất định và được cử tri và các ĐBQH rất quan tâm. Bộ trưởng là người "đứng mũi chịu sào" và là người thuyền trưởng nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại của ngành. Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm này, Nhân dân và các ĐBQH sẽ giám sát việc các "tư lệnh" giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế những ngành có số phiếu "tín nhiệm thấp" cao", đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem