Sự kiện do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tiểu ban Lĩnh vực Tăng trưởng Xanh EuroCham, 9 hiệp hội doanh nghiệp châu Âu trực thuộc EuroCham Việt Nam và các quốc gia châu Âu phối hợp tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 2/11/2023 tại Hà Nội.
EuroCham Việt Nam cho biết, sự kiện bao gồm các cuộc đối thoại về phát triển bền vững, phiên họp toàn thể cấp cao và các phiên hội nghị chuyên đề, quy tụ các lãnh đạo đầu ngành, các nhà hoạch định chính sách và những người ủng hộ chính sách bền vững của châu Âu và Việt Nam.
Phiên họp toàn thể cấp cao của Diễn đàn dự kiến có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Đan Mạch Dan Jannik Jørgensen tham dự.
Ngoài ra, diễn đàn còn có nhiều hội thảo chuyên sâu tập trung vào các chủ đề quan trọng như năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải carbon và nông nghiệp bền vững.
Qua các cuộc đối thoại, phiên họp toàn thể cấp cao và các phiên hội nghị chuyên đề, Diễn đàn Kinh tế Xanh sẽ cung cấp cho Việt Nam và các doanh nghiệp những nguồn lực cần thiết nhằm đáp ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu đang ngày càng phát triển.
Cụ thể, GEF 2023 chia sẻ kiến thức thực tế, khám phá các nghiên cứu từ những người tiên phong về phát triển bền vững, những thành công, thách thức và giải pháp đổi mới… từ hơn 30 chuyên gia trong ngành, bao gồm đại diện từ các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi như BNP Paribas, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Equinor, HSBC, Airbus, EDPR...
Ngoài ra, diễn đàn còn tạo ra cơ hội kết nối, tham gia vào mạng lưới để có thể thảo luận với các đồng nghiệp, các nhà lãnh đạo trong ngành và những chuyên gia trong lĩnh vực sáng kiến xanh. Cùng với đó, hội thảo chuyên sâu cũng đưa tới sự tham gia vào các phiên chuyên đề bao gồm các chủ đề quan trọng như năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải carbon và nông nghiệp bền vững.
Trước đó, Đại sứ Julien Guerrier, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của GEF tại buổi họp báo về Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) năm 2023. Ông cho rằng diễn đàn như một biểu tượng cho những nỗ lực hợp tác không ngừng giữa châu Âu và Việt Nam. Đồng thời tin tưởng những sáng kiến như vậy sẽ mở đường cho quá trình chuyển đổi xanh thành công, thể hiện sức mạnh hợp tác của châu Âu và Việt Nam.
Đại sứ Julien Guerrier chỉ rõ, những nghiên cứu cho thấy việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tiết kiệm được 600 triệu euro cho các doanh nghiệp đến năm 2030, bằng 8% tổng doanh thu của các doanh nghiệp và tạo ra được 600.000 việc làm. Đây là những cơ hội cũng như lợi ích kinh tế mang lại cho cả xã hội và doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi.
EU đang đi đầu trong chuyển đổi xanh cũng như công nghệ xanh. Do đó, EU sẽ giúp Việt Nam xanh hoá nền kinh tế và tăng cường năng lực chống lại biến đổi khí hậu, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ở Việt Nam... "Chúng ta có chung tham vọng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với những công nghệ tiên tiến, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam rút ngắn hành trình hướng tới mục tiêu này" - Đại sứ Julien Guerrier nói.
Theo một báo cáo về việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của Chính phủ trình Quốc hội mới đây cho thấy, quy mô vốn của các nhà đầu tư thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh.
Năm 2022, EU có 146 dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam. Mặc dù giảm 12 dự án so với năm 2021, nhưng quy mô vốn lại tăng. Theo đó, vốn đăng ký cấp mới trong năm 2022 đạt 15 tỷ USD (tăng 13 tỷ USD so với năm 2021). Tổng vốn đăng ký cũng đạt 24 tỷ USD (tăng 10 tỷ USD so với năm 2021). Trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, có 11/26 nước EU ghi nhận tăng vốn đầu tư.
Các nhóm ngành đang được doanh nghiệp EU đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo.
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab thực hiện chỉ rõ sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Theo đó, 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu.
Chủ tịch EuroCham, ông Gabor Fluit cho biết, đến nay Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đang tiếp tục có tác động tích cực mạnh mẽ đến bối cảnh kinh doanh của Việt Nam. Hơn 60% doanh nghiệp của EU cho rằng thoả thuận này có lợi, trong đó lợi ích hàng đầu là cắt giảm thuế, tiếp theo là khả năng cạnh tranh được cải thiện ở Việt Nam, giảm rào cản thương mại, mở rộng quan hệ đối tác với công ty địa phương và tăng khả năng tiệp cận thị trường Việt Nam...