Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn sẽ giúp thành phố Quảng Ngãi phát triển nhanh, bền vững

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ hai, ngày 30/10/2023 06:31 AM (GMT+7)
Đến nay, 14/14 xã ở thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương đang tập trung các nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh.
Bình luận 0

Dấu ấn chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết, tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương đã nỗ lực phát triển trên tất cả các lĩnh vực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cùng với sự chung sức chung lòng của toàn dân. 

Từ đó, Chương trình nông thôn mới ở thành phố Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, với mục tiêu cốt lõi là giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Xác định tiêu chí cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn là yếu tố đòn bẩy tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, những năm qua, địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hoá.

Chuyển đổi số: Giải pháp trọng tâm cho thành phố Quảng Ngãi tạo bứt phá  - Ảnh 1.

Một góc thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) hôm nay. Ảnh: C.X.

Theo ông Lâm, hiện nay chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia...

Thành phố triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Chuyển đổi số: Giải pháp trọng tâm cho thành phố Quảng Ngãi tạo bứt phá  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: T.H.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.

Trong thời gian qua, thành phố đã triển khai tập huấn kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức thành phố, xã nhằm nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn. Phối hợp tập huấn triển khai sổ tay khám bệnh điện tư.

Đến nay, thành phố đã ứng dụng chuyển đổi số trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây rau màu, hoa với diện tích khoảng 10ha; triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng cây rau diếp cá, cây ớt…. 

Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bò. Kết quả là sau quá trình lai tạo, tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn ước đạt 92,5% so với tổng đàn. Sản phẩm OCOP có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc và được đưa lên sàn giao dịch điện tử.

Chuyển đổi số: Giải pháp trọng tâm cho thành phố Quảng Ngãi tạo bứt phá  - Ảnh 3.

Tuổi trẻ thành phố Quảng Ngãi hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính theo hướng chuyển đổi số. Ảnh: quangngaitv.vn.

Thành phố tiếp tục thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của thành phố: Rau an toàn, các loại hoa, các sản phẩm OCOP…

Ông Lâm cho biết thêm, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Quảng Ngãi có nhiều điểm sáng trong các phong trào như: "Thắp sáng đường quê", "Xanh, sạch, đẹp", "Xây dựng cánh đồng mẫu", "Cơ giới hóa đồng ruộng", phát triển kinh tế vườn, hiến đất, chặt hạ cây cối, phá dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng đường giao thông nông thôn....

Chuyển đổi số: Giải pháp trọng tâm cho thành phố Quảng Ngãi tạo bứt phá  - Ảnh 4.

Việc ứng dụng chuyển đổi số vào trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân thành phố Quảng Ngãi nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: CTV.

Nhờ chương trình nông thôn mới mà môi trường sống nông thôn trở nên sinh động, đáng sống. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi luôn được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Ông Bùi Đức Thuận - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Quảng Ngãi cho hay: Thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là đường giao thông, trường học đã giúp cho diện mạo thành phố Quảng Ngãi nói chung và các xã vùng ven nói riêng đổi thay từng ngày. 

Đặc biệt, các dự án thực hiện theo nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.  

Nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững

Ông Lâm cho biết, xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, làm cho diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới.

Chuyển đổi số: Giải pháp trọng tâm cho thành phố Quảng Ngãi tạo bứt phá  - Ảnh 5.

Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang được thành phố Quảng Ngãi nhân rộng. Ảnh: CTV.

Những năm qua, thành phố Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp như dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu các loại đạt 70ha (có 31,87ha vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP), liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn phát triển mạnh, nhất là nuôi gà thả đồi, gà thả vườn có giá trị kinh tế cao và ổn định. Cùng với đó, thành phố đã thực hiện các dự án cải tạo đàn bò lai, chăn nuôi thâm canh bò lai sinh sản và bò thịt chất lượng cao.

Hiện nay, địa phương có sản lượng đánh bắt hàng năm đạt hơn 102.600 tấn, chiếm 34% so với tổng sản lượng đánh bắt thủy sản của toàn tỉnh. 

Năm 2022, thành phố đã thực hiện 2 mô hình nuôi cá Bè vẩu trong lồng bè tại xã Tịnh Kỳ, với 7.500 cá Bè vẩu giống. Kết quả sau 7 tháng thả nuôi, sản lượng cá đạt 3.600kg, lợi nhuận ước đạt 150 triệu đồng (bình quân 75 triệu đồng/hộ).

Chuyển đổi số: Giải pháp trọng tâm cho thành phố Quảng Ngãi tạo bứt phá  - Ảnh 6.

Những năm qua, thành phố Quảng Ngãi đã tích cực dồn điền đổi thửa, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung. Ảnh: C.X.

Với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thành phố Quảng Ngãi đẩy mạnh xây dựng các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh các loại tại các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Dũng, Tịnh Ấn Tây; rau an toàn tại các xã Nghĩa Hà, Tịnh Long, Tịnh Châu, Nghĩa Dũng....

Đặc biệt, cùng với việc phát triển nông nghiệp, chính quyền tiếp tục thực hiện các dự án du lịch nông thôn, du lịch sinh thái cộng đồng, phát triển sản phẩm OCOP để tạo thêm nhiều việc làm giúp người dân gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Quảng Ngãi có 27 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 24 sản phẩm đạt 3 sao.

Chuyển đổi số: Giải pháp trọng tâm cho thành phố Quảng Ngãi tạo bứt phá  - Ảnh 7.

Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, là cơ sở vững chắc để thành phố Quảng Ngãi hướng đến xây dựng đô thị văn minh – hiện đại. Ảnh: C.X.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của chính người dân, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn thành phố ước đến cuối năm 2023 giảm còn 0,98%, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Đây là cơ sở vững chắc để thành phố Quảng Ngãi hướng đến xây dựng đô thị văn minh – hiện đại.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu xây dựng 12/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực, lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác với nguồn vốn thuộc chương trình nông thôn mới để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp xã, thôn; tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nước sạch, văn hóa thể thao...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem