Dân Việt

Huyện nào của tỉnh Phú Thọ, 5 năm qua Hội ND giúp hơn 200 hộ thoát nghèo, nhiều hộ thành triệu phú?

Hải Đăng - Hoan Nguyễn 01/11/2023 19:00 GMT+7
Trong 5 năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) đã giúp hơn 200 hộ thoát nghèo và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

CLIP: Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của hộ ông Lý Đức Huệ, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) cho doanh thu 800 triệu đồng; tạo việc làm cho gần 10 lao động, mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Video: Hải Đăng

Gia đình ông Lý Đức Huệ (khu 18, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là một trong những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện. Năm 2020, ông Huệ bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích 2,7ha từ hai bàn tay trắng. Nhờ không ngừng học hỏi kinh nghiệm, cách thức sản xuất, kinh doanh từ nhiều nơi và áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới, ông Huệ đã thành công với mô hình trang trại tổng hợp này. 

"Tôi làm mô hình trồng cây ăn quả, trồng măng bát độ, làm chuồng chăn nuôi, sau đó tôi đào thêm ao để thả cá và nuôi ốc nhồi thương phẩm. Hằng năm doanh thu của gia đình đạt trên 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng thu lãi từ 500-600 triệu đồng/năm" - ông Huệ cho hay.

Còn ông Nguyễn Văn Trọng (khu 20, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cũng là gương nông dân điển hình dám nghĩ, dám làm khi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao. 

Hiện hộ ông Trọng đang sở hữu đàn bò thịt, bò sinh sản lên đến vài chục con, đem về lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình chăn nuôi bò hịt, bò sinh sản của gia đình ông Trọng còn tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Tam Nông giúp hàng trăm hộ thoát nghèo - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Nguyễn Văn Trọng (khu 20, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hải Đăng

"Có thể khẳng định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân phát động, làm động lực cho tôi ngày càng có nhiều suy nghĩ, sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội; góp phần xây dựng, làm bộ mặt nông thôn mới tại địa phương ngày càng khởi sắc" - ông Trọng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đức Khởi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông cho biết, đến nay, huyện Tam Nông có 14.253 hội viên nông dân, tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 100% so với hộ nông nghiệp, sinh hoạt tại 148 chi hội, ở 12 xã, thị trấn. 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Tam Nông giúp hàng trăm hộ thoát nghèo - Ảnh 3.

Mô hình phát triển kinh tế từ cây sen tại xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đã tạo ra nhiều việc làm cho nông dân, nâng cao đời sống của bà con. Ảnh: Hải Đăng

Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Tam Nông triển khai thực hiện sâu rộng. Phong trào đã góp phần quan trọng vào việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, nâng giá trị sản phẩm bình quân trên một hecta đất canh tác, nuôi trồng thủy sản…

Cũng từ phong trào, trên địa bàn huyện Tam Nông đã xuất hiện nhiều nhiều mô hình làm giàu hay, nhiều gương điển hình tiên tiến có mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Điển hình như mô hình chăn nuôi tổng hợp của hộ ông Lý Đức Huệ (xã Vạn Xuân) cho thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản của hộ ông Nguyễn Văn Trọng (xã Bắc Sơn) cho thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm; mô hình phát triển kinh tế của hội viên Nguyễn Thị Hồng (xã Hiền Quan) cho thu lãi hơn 700 triệu đồng mỗi/năm...

Thông qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", trong 5 năm qua, toàn huyện Tam Nông đã có trên 200 hộ thoát nghèo và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc giảm số hộ nghèo của huyện từ 6,2% năm 2018 xuống còn 2,66% năm 2022.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Tam Nông đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp hơn 14.000 ngày công lao động, hiến 256.122m2 đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng; làm mới và sửa chữa 11,7km đường giao thông nông thôn...

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Tam Nông giúp hàng trăm hộ thoát nghèo - Ảnh 4.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần quan trọng vào việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp; làm bộ mặt nông thôn mới ở Tam Nông ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hải Đăng

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông cho hay, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với việc thành lập các chi, tổ hội, thành lập các câu lạc bộ nông dân triệu phú đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn toàn huyện.

"Các hộ nông dân ngày càng tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện" - ông Nguyễn Đức Khởi nhấn mạnh.

Để phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tiếp tục lan tỏa, Hội Nông dân huyện Tam Nông sẽ phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động về thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu gắn với từng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản. Tập trung hướng dẫn đổi mới các hình thức kinh tế hợp tác, đẩy mạnh liên kết tổ chức sản xuất theo vùng, ngành hàng giữa các hộ, nhóm hộ và doanh nghiệp...