Vào vùng lõi vườn quốc gia ở Phú Thọ xem người Dao Tiền vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong

Hoan Nguyễn - Vy Liên Thứ bảy, ngày 26/08/2023 13:30 PM (GMT+7)
Người Dao Tiền sinh sống ở bản Cỏi nằm giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) có kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong độc đáo, làm khách du lịch ngây ngất.
Bình luận 0

Xã Xuân Sơn là xã thuộc vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) với đa số là hai dân tộc Mường, Dao sinh sống. Tại bản Cỏi thuộc xã Xuân Sơn - nằm giữa vùng lõi vườn Quốc gia Xuân Sơn - hiện có 100% hộ là đồng bào dân tộc Dao Tiền. Từ bao đời nay, đồng bào Dao Tiền nơi đây vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng, đặc biệt là kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong.

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 1.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền thể hiện tính thẩm mỹ cao, với các họa tiết, hoa văn đẹp mắt, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng cũng như khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, phồn thịnh của đồng bào Dao Tiền. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 2.

Đặc biệt, trang phục của người Dao Tiền ở Phú Thọ được làm thủ công hoàn toàn bằng đôi bàn tay khéo léo của các chị em phụ nữ. Trong đó, công đoạn in hoa văn lên vải bằng sáp ong tạo nên sự độc đáo của trang phục dân tộc Dao Tiền. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 3.

Để tạo ra được hoa văn trên tấm vải, phụ nữ Dao Tiền phải thực hiện nhiều công đoạn cầu kỳ. Ban đầu, người Dao Tiền dùng miếng đá phẳng mịn cả hai mặt đặt vải trắng lên và dùng nanh lợn mài thật nhẵn. Vải phải được là phẳng để khi in sáp ong mới ngấm đều và đẹp, không bị loang. Đây là công đoạn đòi hỏi sự kiện nhẫn và bền bỉ nhất của những người phụ nữ. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 4.

Tiếp đến, họ chuẩn bị dụng cụ để chấm sáp ong làm bằng tre vót mỏng (bút vẽ), uốn hình tam giác với các kích thước khác nhau. Khi tạo hoa văn trên vải phải cần 2 miếng lá chít để đệm, mục đích để khi chấm sáp ong lên vải không bị loang sang bên phần vải khác. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 5.

Sau khi đã chuẩn bị vải, dụng cụ vẽ, đến công đoạn đun sáp ong. Để có sáp ong tốt in lên vải, đồng bào Dao Tiền phải lấy sáp từ những tổ ong trong rừng. Sau khi tách mật, bà con sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Sau đó, bà con tiếp tục đun phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại, đổ ra để nguội khoảng 2-3 ngày, tạo thành một khối sáp mịn. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 6.

Khi thực hiện in hoa văn sáp ong trên vải, sáp ong phải được đun nóng, có độ loãng cần thiết. Nếu sáp ong đặc quá thì sẽ không ăn vải, còn nếu sáp ong loãng quá thì khi in sẽ bị nhòe không đẹp mắt. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 7.

Đồng bào Dao Tiền chấm bút vẽ vào đĩa sáp ong đang nóng... Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 8.

... rồi đưa tay in từng đường nét trên vải. Khi in hoa văn trên vải bằng sáp ong, phải giữ bút vẽ cẩn trọng, cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ. Việc in vẽ được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới thôi. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 9.

Đồng bào Dao Tiền dùng ống nứa chấm sáp ong để in họa tiết hình tròn trên vải. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 10.

Sau khi in, đồng bào chờ sáp ong khô rồi đem vải nhuộm chàm. Khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi. Lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm, có màu xanh tím than... Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 11.

Phụ nữ Dao Tiền ở bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đều biết làm trang phục truyền thống. Chưa đến 10 tuổi, con gái đã được bà, mẹ truyền dạy cho cách may mặc, thêu thùa, lớn hơn chút nữa thì được dạy in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Khi người con gái Dao Tiền về nhà chồng, gia đình chồng và họ hàng chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu khéo léo, cần cù, chu đáo thu vén gia đình hay không. Ảnh: Vy Liên

Vào vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn xem in hoa văn lên vải bằng sáp ong đẹp mê li - Ảnh 12.

Bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đang phát triển du lịch cộng đồng. Mỗi khi có khách du lịch đến, bà con trong bản sẽ giới thiệu và hướng dẫn khách trải nghiệm kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Việc gìn giữ nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong truyền thống của người dân tộc Dao Tiền ở xã vùng lõi vườn quốc gia Xuân Sơn không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa mà còn tạo điều kiện tích cực cho phát triển du lịch, cũng như tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Ảnh: Vy Liên


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem