Đại tá Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Dân Việt về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng sâm Trung Quốc nhập lậu.
Thưa Đại tá, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng sâm trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tình trạng nhập lậu các mặt hàng sâm từ Trung Quốc về Việt Nam qua các đường mòn, lối mở tại khu vực tỉnh Lai Châu gần đây còn có diễn biến phức tạp hay không?
Do lợi nhuận khá cao, trong nước khan hiếm nguồn nên tình trạng buôn lậu, vận chuyển dược liệu, đặc biệt là sâm có những diễn biến phức tạp, các đối tượng đã tìm mọi cách để nhập lậu qua biên giới, sau đó vận chuyển vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Đại tá Phạm Hải Đăng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu về chủ trương phát triển cây sâm Lai Châu, Công an tỉnh Lai Châu đã làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong đó có sâm, tam thất các loại.
Chính vì vậy, việc nhập lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam qua các đường mòn lối mở tiếp giáp Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lai Châu không còn phức tạp. Khi các lực lượng chức năng của Lai Châu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống buôn lậu nói chung tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc trên địa bàn tỉnh, các đối tượng chuyển hướng hoạt động nhập lậu sâm Trung Quốc sang địa bàn các tỉnh khác.
Các đối tượng buôn bán, vận chuyển nhập lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam thường sử dụng những thủ đoạn tinh vi nào, thưa ông?
Đối với hành vi nhập lậu sâm trên tuyến biên giới thuộc địa bàn Lai Châu: Các đối tượng buôn lậu thường giao dịch liên hệ mua bán với chủ hàng hàng bên phía Trung Quốc, sau đó tìm và thuê người dân địa phương bốc vác, vận chuyển qua biên giới tại khu vực hẻo lánh, rừng núi, vận chuyển qua suối hoặc đóng hàng vào các thùng xốp rồi thả trôi trên sông cho đối tượng đầu dưới đón. Nếu bị các lực lượng chức năng phát hiện, đối tượng sẽ không nhận, tạo thành hàng vô chủ. Khi đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tiêu hủy, không có đối tượng để xử lý.
Còn đối với sâm nhập lậu từ các địa bàn lân cận vào Lai Châu, các đối tượng xé nhỏ lô hàng, vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, trà trộn cùng với các mặt hàng khác, sau đó vận chuyển vào sâu trong nội địa để tiêu thụ.
Được biết, cơ quan chức năng của Lai Châu, trong đó lực lượng chính là Công an tỉnh Lai Châu đã bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam. Đề nghị ông cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây có bao nhiêu vụ việc đã được phát hiện, bắt giữ và đã khởi tố bao nhiêu vụ?
Trong 2 năm gần đây, Công an tỉnh Lai Châu đã phát hiện và xử lý 21 vụ, 32 đối tượng về các hành vi mua bán, buôn lậu sâm, thu giữ 850 kg sâm. Trong đó: Khởi tố 06 vụ 18 đối tượng về các hành vi: buôn lậu, vận chuyển trái phép sâm qua biên giới.
Gần đây nhất, ngày 5/10/2023, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp lực lượng Biên phòng bắt quả tang 3 đối tượng về hành vi "Buôn lậu, vận chuyển sâm trái phép qua biên giới". Tang vật thu giữ gồm 122kg củ sâm tươi và 43kg lá sâm.
Xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ 17 đối tượng về hành vi: mua bán sâm không rõ nguồn gốc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 420.000.000 đồng.
Trước công tác đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an và các lực lượng chức năng, các đối tượng đã co cụm lại, đặc biệt các đối tượng buôn bán sâm trên mạng xã hội đã hạn chế rất nhiều, số lượng còn rất ít, không còn tình trạng rao bán công khai, tràn lan như trước đây.
Theo ông, để xử lý dứt điểm thực trạng nhập lậu sâm Trung Quốc "tẩy trắng" thành sâm Việt Nam, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, buôn bán sâm rởm, sâm không rõ nguồn gốc xuất xử còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
Qua thực tiễn đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hành vi nhập lậu sâm Trung Quốc "tẩy trắng" thành sâm Việt Nam trên địa bàn Lai Châu, chúng tôi thấy còn một số vướng mắc như: Địa bàn rừng núi, đường biên giới trải dài, lực lượng còn mỏng nên công tác nắm tình hình còn hạn chế.
Phía Trung Quốc đã rào 105km đường biên giới, còn hơn 60km chưa tiến hành rào. Tuy nhiên với 105km biên giới có hơn 30km đường biên giới là sông, suối, các đối tượng lợi dụng để hoạt động nhập lậu.
Kinh phí để thực hiện công tác giám định về chủng loại sâm và công tác định giá phục vụ công tác khởi tố còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các vụ án có số lượng mẫu sâm cần giám định lớn...
Bên cạnh đó, khâu giám định vô cùng phức tạp. Bởi bản chất sâm Trung Quốc chuyển về có nguồn gen giống sâm Việt Nam, chỉ khác ở quy trình trồng, chăm sóc. Bên Trung Quốc thường sử dụng thuốc, chất kích thích, thậm chí là chất bảo vệ thực vật bị cấm ở Việt Nam để sâm phát triển nhanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Sâm nhập lậu sau khi được tẩy trắng, được rao bán chủ yếu trên mạng xã hội với các tài khoản ảo, không chính chủ nên việc truy vết, thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn.
Nếu sâm từ Trung Quốc nhập lậu được về Việt Nam, giá bán rất rẻ. Điều này đã và đang ảnh hưởng tới người trồng sâm của Việt Nam, đặc biệt là những người nông dân, doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Làm thế nào để ngăn chặn sâm lậu lũng đoạn thị trường sâm chính gốc của Việt Nam, thưa ông?
Việc nhập lậu và vận chuyển trái phép sâm từ Trung Quốc vào Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến các thương hiệu sâm Việt Nam, đặc biệt là thương hiện sâm Lai Châu… Nhận diện được vấn đề đó, thời gian qua Công an tỉnh Lai Châu đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu dược liệu, đặc biệt là mặt hàng sâm trên địa bàn toàn tỉnh. Tại địa bàn biên giới, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp các lực lượng biên phòng, hải Quan làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa, không để thẩm lậu vào địa bàn.
Trong nội địa, lực lượng công an tăng cường phối hợp kiểm tra khâu lưu thông trên thị trường yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sâm cần ký cam kết không buôn bán sâm nhập lậu và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thường xuyên và đột xuất kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán nguồn dược liệu tại địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vi phạm.
Để phát triển sâm Việt Nam như Đề án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ông có đưa ra những kiến nghị gì cũng như lời khuyên như thế nào đối với người tiêu dùng và người trồng sâm?
Đối với người tiêu dùng, khi có nhu cầu mua sâm để sử dụng nên tới các cơ sở uy tín, có truy xuất nguồn gốc, có kiểm nghiệm rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng với giá cao vừa mất tiền vừa hại sức khỏe.
Đề nghị quần chúng nhân dân tích cực tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng công an truy quét, bắt giữ các đối tượng, đường dây buôn lậu hàng hóa góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu gây thiệt hại cho sức khỏe của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Việt Nam nói chung, sâm Lai Châu nói riêng.
Đối với người trồng, cần thành lập và đăng ký các cơ sở sản xuất hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô diện tích vùng trồng sâm phù hợp, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cung ứng sâm cho thị trường trong và quốc tế, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Chú trọng hoàn thiện các quy trình trồng, sản xuất và quy trình canh tác sâm Lai Châu, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn gốc giống Sâm Lai Châu đảm bảo hợp pháp theo quy định hiện hành.
Làm tốt công tác xây dựng, đăng ký và phát triển thương hiệu sâm Lai Châu trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng thương hiện sâm Việt Nam theo chủ trương của Thủ tướng, Chính phủ.
Trân trọng cảm ơn Đại tá Phạm Hải Đăng!
Đại tá Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đánh giá rất cao những loạt bài phóng sự của Báo Dân Việt đã thực hiện trong thời gian gần đây. Trước khi loạt bài Tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo của Việt Nam, Báo Dân Việt cũng đã có loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ lậu.
"Chúng tôi đã tiếp thu và trên tinh thần cầu thị, vào cuộc mở rộng điều tra, khởi tố hơn 30 bị can liên quan tới đánh bạc, đưa và nhận hối lộ. Gần đây, Báo Dân Việt cũng đã có loạt bài về sâm, chúng tôi cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với các phóng viên của báo khi thực hiên loạt bài này.
Chúng tôi đánh giá cao các phóng viên của báo đã có tình thần chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, để các cơ quan chức năng nắm được và có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các đối tượng buôn lậu sâm.
Sau đó, Báo Dân Việt cũng đã tổ chức một buổi toạ đàm và chúng tôi đã cử đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế tham dự buổi toạ đàm. Đây là buổi toạ đàm chúng tôi đánh giá là rất giá trị, góp phần cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sâm chất lượng cao, đưa các thông tin phân biệt sâm thật, giả và cung cấp cho cơ quan chức năng các thông tin giá trị đề kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hành vi vận chuyển, kinh doanh sâm lậu, sâm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.
Chúng tôi mong muốn báo chí nói chung và Báo Dân Việt nói riêng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và cung cấp cho chúng tôi các thông tin có giá trị, đặc biệt là có thể tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo về sâm tại Lai Châu để cung cấp các thông tin giá trị về cây trồng này cho cả cơ quan chức năng và người tiệu dùng", Đại tá Phạm Hải Đăng nói.