Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu tăng cường bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh

Nhóm PV Thứ tư, ngày 16/08/2023 15:05 PM (GMT+7)
Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum vừa có Văn bản số 4981 yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Bình luận 0

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, hoàn thiện, đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết theo quy định để khai thác tối đa công năng sử dụng Hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN và Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin Sâm Ngọc Linh.

Người dân và doanh nghiệp trồng sâm nói về nạn sâm lậu.

Tăng cường tuyên truyền, vận động, quảng bá rộng rãi đến tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh biết, liên hệ Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) để phân tích, kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh bằng hệ thống thiết bị trên.

Ban Thường vụ các huyện ủy Đăk Glei, Tu Mơ Rông lãnh đạo UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền người dân, doanh nghiệp sử dụng hệ thống thiết bị trên để bảo vệ nguồn giống Sâm Ngọc Linh thuần chủng trên địa bàn...

Trước đó, Báo điện tử Dân Việt có loạt bài điều tra: "Chiêu trò tẩy trắng sâm nhập lậu thành sâm Ngọc Linh giá rẻ". Loạt bài phản ánh, sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu chỉ có ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới. Sâm Ngọc Linh đã được coi là quốc bảo của Việt Nam.

Nhưng thời gian qua, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều giao dịch buôn bán quốc bảo này với mức giá rẻ giật mình. Thật khó tin, khi giá sâm Ngọc Linh chính gốc lên đến hàng trăm triệu đồng/kg, còn trên thị trường trôi nổi, chỉ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/kg.

Sau một thời gian dài thâm nhập các đường dây nhập lậu sâm ở biên giới phía Bắc, đến tận vườn sâm Ngọc Linh chính gốc ở Quảng Nam, Kon Tum, nhóm PV Dân Việt đã tường tận cách thức "tẩy trắng" sâm nhập lậu từ Trung Quốc thành loại sâm quốc bảo của Việt Nam.

Thậm chí, loại sâm Lai Châu đang dần có chỗ đứng trên thị trường cũng bị sâm từ Trung Quốc về trà trộn, ảnh hưởng đến nguồn cung sâm thật.

Sau loạt bài, nhiều người trồng sâm và doanh nghiệp đã bày tỏ ý kiến, gửi đến Báo.

Trong đó, ông Ngô Tân Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu cho biết, rõ ràng là tình trạng sâm nhập lậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người trồng sâm trong nước. Nếu không ngăn chặn, xử lý triệt để thì sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu của Việt Nam cũng khó có thể tồn tại và phát triển được.

Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum yêu tăng cường bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh - Ảnh 3.

Điều tra của Dân Việt cho thấy, những thùng sâm được thương lái Trung Quốc thu mua ở các vườn trồng trên địa bàn huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) sau đó đóng hàng và vận chuyển sang Việt Nam. Ảnh: Dân Việt.

Còn ông Đoàn Văn Thu – Giám đốc sản xuất kiêm nghiên cứu phát triển sản phẩm, Công ty Cổ phần Vingin chia sẻ, sâm Ngọc Linh là loại sâm đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh thuộc hai địa bàn ở Quảng Nam và Kon Tum nên sâm cũng được đặt theo tên địa danh của núi Ngọc Linh.

Cây sâm ở núi Ngọc Linh quá trình sinh trưởng và phát triển trung bình từ 8 đến 10 năm mới được thu hoạch. Do giá trị về dược chất cũng như giá trị kinh tế rất cao nên không thể tránh khỏi tình trạng sâm rởm, mạo danh sâm Ngọc Linh trục lợi người tiêu dùng.

"Một số đơn vị thậm chí còn mạo danh cả logo, tên đơn vị của chúng tôi để đưa ra các sản phẩm sâm không rõ nguồn gốc bán cho người tiêu dùng.

Thậm chí, ngay ở địa bàn vùng núi Ngọc Linh, có những đơn vị cũng khai trương rất rầm rộ dự án phát triển sâm Ngọc Linh nhưng khi cơ quan chức năng xác minh thì không hề có vùng trồng như tuyên bố của họ", ông Thu nói.

Cũng theo ông Thu, để hạn chế tình trạng sâm rởm, mạo danh sâm Ngọc Linh, ngoài việc vào cuộc xử lý mạnh mẽ của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, tăng năng suất và sản lượng để hạ giá thành sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với sản phẩm đang được coi là đắt đỏ này.

Ông Thu cũng cho biết, hệ sinh thái của Vingin đã trồng được khoảng 1.000 ha, trên tổng diện tích được giao là 8.000 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của người trồng sâm vẫn còn rất thấp, trung bình 100 hạt giống gieo xuống, sau 10 năm chỉ đạt được tỉ lệ khoảng 10% cây sâm cho thu hoạch.

Ông Thu cho hay, đang triển khai quy chuẩn của Bộ Y tế đưa ra với cây dược liệu, tiến tới định vị được tọa độ của từng cây sâm và có đủ hồ sơ chăm sóc, thu hoạch, chế biến để giúp người tiêu dùng nhận biết được cả quá trình của cây sâm, tránh mua phải hàng rởm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem