Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) thể hiện quan điểm lo lắng khi năng suất lao động Việt Nam chưa có nhiều chuyển biến đột phá, đặc biệt so với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và xu hướng kinh tế thế giới thay đổi chóng mặt.
Đại biểu Khải nêu: Chỉ tiêu năng suất lao động theo báo cáo của Chính phủ chưa được làm rõ. Tại Nghị Quyết Đại hội 13 của Đảng đã xác định chất lượng nhân lực là đột phá chiến lược, yếu tố tiên quyết cho hiệu quả, bền vững. Ông Khải tán thành với báo cáo của Chính phủ về việc phát triển nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả bước đầu. Việt Nam đã thu hút chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương thưởng hấp dẫn.
"Chúng ta đã có những doanh nhân giỏi, kỹ sư chất lượng cao đóng góp lớn cho hiện đại hóa đất nước. Nhờ thế thời gian qua, dù có nhiều khó khăn, mà tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vẫn 6%/năm giai đoạn 2011 - 2015, lên 6,5% giai đoạn 2016 - 2020", ông nói.
Tuy nhiên, đánh giá toàn diện, vị đại biểu nêu: Thực trạng nhân lực chất lượng cao sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo báo cáo của Chính phủ, chất lượng nguồn nhân lực chưa có nhiều đột phá, cơ cấu ngành nghề được đào tạo chưa bám sát vào thực tế, thiếu nhân lực ngành mũi nhọn, các ngành kinh tế số.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), năng suất lao động Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% năng suất lao động của người Singapore, bằng 24,4% người Hàn Quốc, bằng 58,9% của người Trung Quốc, bằng 63,9% của người Thái Lan…
Đặc biệt, "Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản khoảng 60 năm, cách Malaysia là 40 năm và Thái Lan là 10 năm", ông Khải dẫn chứng thêm.
Đại biểu Khải đặt câu hỏi: "Khi nguồn nhân lực là lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, Việt Nam sẽ có những gì hay mới chỉ bắt đầu". Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn tại Việt Nam là 50.000 - 100.000 lao động vào các năm 2025 năm 2030, điều này cho thấy Việt Nam khát nhân lực chất lượng cao như thế nào?".
Vị đại biểu này cho rằng, phát triển nguồn nhân lực là rất cần thiết cho giai đoạn 2023-2025, trong khi đó ngành quan trọng, sống còn của thế giới là chip bán dẫn.
"Trong tuyên bố chung xác lập Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vừa qua, Mỹ đánh giá cao tiềm năng Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong công nghiệp bán dẫn, đồng thời ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh mẽ ngành bán dẫn. Chúng ta nên đặt câu hỏi tại sao trong tuyên bố chung có tính chất bước ngoặt trong quan hệ giữa hai quốc gia, công nghiệp bán dẫn lại được được quan tâm đặc biệt như vậy", đại biểu Trần Văn Khải nêu vấn đề.
Đánh giá thêm, ông Khải cho biết: Dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng như nào mà nếu chưa có lót ổ bằng nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi năng suất động thì thử hỏi làm sao thu hút được đại bàng có thể hạ cánh, làm tổ và đẻ trứng vàng cho chúng ta được?.
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Việt Nam cần đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao để phát triển nhân lực chất lượng cao, tháo nút thắt cho phát triển ngành nghề trọng điểm.
"Cơ hội cho một Việt Nam khác biệt, thịnh vượng đã đến và như hiền triết người Mỹ Jackson Brown nói: "Không có gì đắt hơn một lần bỏ lỡ cơ hội". Chính vì vậy, chúng ta không được quyền bỏ lỡ cơ hội quý giá này", ông Khải cho hay.
Theo ông này, Việt Nam sẽ chỉ khác biệt và thịnh vượng trong kỷ nguyên số, nếu chúng ta kịp thời có chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao!
Đại biểu Khải đưa ra hàng loạt đề xuất, trong đó kiến nghị, Chính phủ cần phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp cụ thể đối với phát triển nhân lực chất lượng cao. Cải thiện rõ rệt năng suất lao động, những nội dung vượt thẩm quyền, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Bên cạnh đó, yêu cầu khẩn trương có giám sát chuyên đề về chính sách năng suất lao động, đột phá chính sách đối với ngành nghề đặc thù. Đặt mục tiêu lộ trình, lĩnh vực cụ thể..
"Kính đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có chính sách kịp có chính sách đột phá nhằm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo động lực tăng trưởng mới", ông Khải.