Đại biểu Quốc hội: Chính phủ cần "bắt mạch, kê đơn" trong điều hành kinh tế

An Linh Thứ ba, ngày 31/10/2023 17:08 PM (GMT+7)
Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 31/10 về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ khơi thông các nguồn vốn, đặc biệt là đầu tư công, ngân hàng nới lỏng các điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp khó khăn.
Bình luận 0

Chính phủ cần khơi thông nguồn vốn, ngân hàng nới lỏng điều kiện vay

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đánh giá dù kinh tế xã hội 9 tháng năm 2023 đạt được những thành tựu lớn, song vẫn còn những điểm nghẽn lớn. Đặc biệt, theo ông Thắng, ba động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa đạt được như kỳ vọng và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Quốc hội: Chính phủ cần "bắt mạch, kê đơn" trong điều hành kinh tế - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

"Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia tiến độ, lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có nhiều cố gắng đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra…", ông Thắng nêu.

Đại biểu tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất kiến nghị một số giải pháp.

Trong đó, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị "Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm miễn nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công".

Đại biểu Quốc hội: Chính phủ cần "bắt mạch, kê đơn" trong điều hành kinh tế - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng nhấn mạnh hiện 5/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình sức khỏe của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Ông Cường cho rằng, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, đại biểu cho rằng có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới.

"Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, "bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn" cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra", đại biểu Cường phân tích.

Đại biểu Quốc hội: Chính phủ cần "bắt mạch, kê đơn" trong điều hành kinh tế - Ảnh 3.

Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Theo ông Cường, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. 

Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định.

Đại biểu TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Đại biểu đề nghị cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.

Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

"Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các cái điều kiện cho vay vốn; tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp", ông Phước nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem