Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một miền ký ức của riêng mình. Có thể đó là những kỷ niệm của tuổi thơ, của những trò rượt bắt cùng những đứa trẻ trong xóm vui quên lối về, bỏ bữa cơm chiều, mẹ phải cầm roi kiếm tìm. Cũng có thể là những buổi trưa trời nắng chang chang, đầu trần chạy nhong nhong ngoài đồng bắt chuột cùng với mấy anh lớn trong xóm... Ký ức của một thời là như vậy, không hào nhoáng nhưng lưu dấu nhiều nỗi vấn vương.
Trời đã về chiều... Xa xa từng làn khói bay lên uyển chuyển sau những bụi tre từ những góc bếp của bà, của mẹ để báo hiệu rằng, bữa cơm chiều quây quần vui vẻ sau một ngày làm việc đồng áng mệt nhọc. Ừ, cái góc bếp chái hè đơn sơ như vậy mà làm cho bao kẻ lữ thứ phải nhớ, phải thương, phải vương, phải vấn. Có thể nào nói rằng, đó là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm và khoảnh khắc của gia đình?
Những bà mẹ quê xem cái góc bếp chái hè là một lãnh địa thiêng liêng của mình. Ở nơi đó, họ được thể hiện sự khéo léo và tình cảm một cách tinh tế cho những người mà họ yêu thương.
Người miền Tây không thích nấu ăn trong nhà. Họ thường dựng một căn nhà nhỏ nhỏ phía sau để dành nấu ăn, gọi là chái bếp. Ở đó, nào là những cành củi khô, từng bó tàu dừa khô chất thành cự. Coi vậy mà ngăn nắp vô cùng. Trong cái chái bếp nhà nào cũng phải có ít nhất hai cái cà ràng, trên vách treo nào là nồi, niêu, xoong chảo bóng loáng. Cái tủ gạc-măng-rê (garde manger - chạn bát hay giàn tủ bếp) khi mở ra là một thế giới ngon lành cho những chiếc bụng đói và hay bốc ăn vụng.
Cái chái bếp hay còn gọi là nhà sau, nhà dưới. Mỗi nhà sẽ có cách thiết kế chái bếp khác nhau nhưng dù cách nào đi chăng nữa thì bất kì ai bước vào cũng cảm thấy thân quen, khó mà rời xa nó. Cũng là vách lá đơn sơ, những làn khói từ mấy cái cà ràng tỏa ra làm nó nám đen, nám đỏ.
Nấu bếp là không được nôn nóng. Các bà, các mẹ thường bảo nhau như vậy. Ai mà nôn nóng là "bà hỏa" viếng thăm liền bởi càng đun củi lửa nhiều thành ra lửa hỗn táp vào những vách lá dễ gây cháy. Cách bày trí những chiếc cà ràng cũng khác, có nhà thì đặt những chiếc cà ràng lên bệ cao, phía dưới thì chất củi, tàu dừa. Có nhà thì đặt chiếc cà ràng dưới đất, ngồi cái ghế gỗ mà nấu nướng. Dù nấu như thế nào thì mấy chiếc cà ràng này đều được lau, dọn sạch sẽ. Cái chổi dừa nhỏ nhỏ, cái ống thổi lửa từ ống trúc được các bà, các mẹ nâng niu lắm.
Một cái cà ràng nấu cơm, một cái cà ràng nấu thức ăn. Mùi của mắm muối như thấm đẫm ở đây rồi. Cơm nấu vừa sôi, chắt nước cơm để dành làm canh hay lỡ chiếc bụng đói thì cho tí xíu đường vào để uống, coi như là một phần quà nhỏ của bà, của mẹ. Cơm chắt nước xong thì rút củi ra cho vào cái cà ràng bên cạnh để tránh cơm bị khét. Mấy anh em ngồi canh lửa than âm ỉ, coi vậy mà nóng lắm - để có cơm cháy giòn giòn ăn cũng thú vị. Kế bên là cái nồi cá kho lăn tăn, kèo kẹo thêm vài tóp mỡ nữa là xong bữa cơm chiều. Cái ấm nước cũng để sẵn. Nấu xong bữa cơm còn củi lửa thì tiện thể bắt ấm nước lên châm bình thủy. Nó như cái nếp rồi, khó mà quên được.
Trời cũng chạng vạng. Chuyện đồng áng của một ngày cũng đã xong, mâm cơm đơn sơ đạm bạc cũng vừa dọn lên, nóng hôi hổi, cả nhà quây quần cùng nhau trên chiếc bàn tròn đặt giữa chái bếp kia. Cũng chẳng cần cao sang gì cho bữa cơm chiều nhưng cái mùi củi lửa và không khí ấm áp của gia đình đem lại sự ngon miệng cho các thành viên trong nhà.
Sau hè, những lũy tre cũng đung đưa theo những cơn gió. Trên cái giàn bếp là một quầy chuối ba vừa chặt treo lên để dành ăn tráng miệng sau mỗi bữa cơm. Ngoài hiên, hàng lu nước mưa mát ngọt cũng ngủ yên.
Cái góc bếp đơn sơ, cái chái hè, những làn khói lưu dấu bao nhiêu là ký ức mà kẻ lữ thứ phải vương phải vấn. Bởi đó là hình ảnh của quê nhà, cũng là cái nếp của bao người, mạch nguồn nuôi dưỡng những giá trị đẹp đẽ của hồn dân tộc, dù thời gian có bao lâu đi chăng nữa cũng không thể xóa nhòa.
Lâu rồi đó chưa về thăm
Mưa rồi nắng chưa dừng chân
(Còn thương góc bếp chái hè - Bắc Sơn)
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.