Kể chuyện làng: Hoài niệm về mùa nước nổi

Bội Nhu Thứ tư, ngày 25/10/2023 06:46 AM (GMT+7)
Thi thoảng có dịp về quê vào mùa nước nổi, đi xuồng ngang sông, thấy từng đám lục bình trôi lững lờ, không dưng thấy lòng nao nao nhớ thương.
Bình luận 0

Người ta thường bảo những đứa trẻ hạnh phúc khi trưởng thành thường dùng cả tuổi thơ của mình để "chữa lành" và nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp cho tương lai. Tôi may mắn là một đứa trẻ rất hạnh phúc trong quá khứ nên mỗi khi chạnh lòng vì cuộc sống mỏi mệt nơi phố thị lại hướng về quê nhà để nương náu. Và một trong những ký ức tuyệt vời của tuổi thơ luôn khiến bản thân tôi phải nhung nhớ chính là mùa nước nổi.

Kể chuyện làng: Hoài niệm về mùa nước nổi - Ảnh 1.

Mùa nước nổi. Ảnh: tác giả cung cấp

Quê tôi khi xưa nằm gần bờ sông Hậu. Trong ký ức tuổi thơ của tôi thì vào mỗi năm khi dòng nước phù sa đỏ đục từ thượng nguồn đổ về, tía tôi vẫn thường trầm ngâm. Ông hay đội nón lá, đứng từ bến sông sau nhà nhìn ra dòng nước mênh mông, bát ngát. Thi thoảng, thấy con gái đứng nhìn theo ngẩn ngơ, tía tôi hiền hậu giải thích, giọng thoáng chút bâng khuâng: "Nước về rồi con ơi! Năm nay chắc là quê mình nước lớn lắm!". Nhìn theo ánh mắt xa xăm của tía, tôi chợt hình dung ra khoảng đời ông gắn bó với đồng đất quê hương. Mà đâu chỉ có riêng tía tôi, mỗi người dân phương Nam trải qua nhiều năm tháng gắn bó với ruộng đồng, hẳn cũng sẽ có những giây phút lắng lòng, hồi tưởng chuyện xưa như thế.

Mùa nước nổi ở quê tôi còn gọi là mùa lũ sông Cửu Long. Khác với những mùa lũ gây bao cảnh sầu não ở các vùng quê khác, mùa lũ về với người dân quê tôi vốn là một hiện tượng tự nhiên. Người phương Nam vốn có khả năng thích ứng cao với thời tiết nên thường xem mùa nước nổi là một dịp để thay đổi phương thức mưu sinh và kiếm sống. Thay vì chuyên chú vào trồng trọt, bà con quê tôi chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào đem lại nhờ hiện tượng ngập lụt mênh mông trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đem lại. Theo những người lớn tuổi trong làng tôi kể lại thì mùa nước nổi là dịp để đất đai nông nghiệp ở vùng hạ lưu sông Mê kông được nghỉ ngơi, rửa trôi đi các nguồn sâu bệnh. Để rồi sau một mùa nước nổi, cây trồng nông nghiệp sẽ được cung cấp một lượng phù sa màu mỡ, hỗ trợ cho thổ nhưỡng trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kể chuyện làng: Hoài niệm về mùa nước nổi - Ảnh 2.

Mỗi khi nước ngập tràn đồng, bà con nông dân quê tôi thường chọn cách di chuyển đơn giản bằng ghe chèo hoặc xuồng ba lá. Ảnh: tác giả cung cấp

Mỗi khi nước ngập tràn đồng, bà con nông dân quê tôi thường chọn cách di chuyển đơn giản bằng ghe chèo hoặc xuồng ba lá. Những cây cầu khỉ đơn sơ bằng tre, cau hoặc trâm bầu ngày thường đông người qua lại nay lại nằm cô đơn, lắt lẻo giữa mênh mang biển nước. Con nước về tràn đồng mang theo những hạt phù sa trĩu nặng và vô vàn sản vật tự nhiên. Những vạt bông súng đua nhau nở tim tím, tỏa hương thơm thuần khiết trên cánh đồng khi nước lũ đi qua. Thấp thoáng đằng xa, những bông điên điển vàng tươi khoe sắc trong nắng mới. Cá linh non đầu mùa cũng xuất hiện theo nước vào sông rạch, đồng ruộng và lớn dần lên. Mãi đến tháng mười, đàn cá dần lớn, ẩn hiện sắc bạc trong nắng sớm ban mai. Những bữa cơm nghèo của người dân Nam bộ, nhờ thế cũng bớt phần đạm bạc vì những cánh đồng ngập nước mênh mông đầy ắp cá tôm.

Trong tâm thức của người dân quê tôi, mùa nước nổi đã trở thành thông lệ, như một người bạn thân quen của người dân miền Tây sông nước. Khi mùa nước nổi tràn về, tía cùng với má tôi vất vả mua bán trên chiếc "ghe hàng" len lỏi khắp hang cùng, ngõ ngách một vùng sông nước. Mùa nước lên, ghe hàng của gia đình tôi như là một tiệm tạp hóa nổi, chuyên cung cấp vô số vật dụng linh tinh, cần thiết cho đời sống của mọi người như tim đèn, nước mắm, bột ngọt, rượu, thuốc hút, bánh, cốm… Chiếc ghe tuy nhỏ nhắn nhưng lại là gánh mưu sinh của gia đình tôi, giúp tía má tôi trang trải cuộc sống, vượt qua mùa nước nổi miền Tây.

Đôi lần nhàn tản, tôi được theo tía má đi ghe. Đứng trên ghe, nhìn cảnh tía má vui vẻ bán hàng cho bà con chung quanh, khiến lòng tôi không khỏi hân hoan. Đôi lần, vài cô chú thơm thảo biếu tía má tôi ít khô cá hoặc vài hũ tép đồng ăn cho qua mùa. Tía má tôi không có gì để biếu, bèn gói ghém ít viên kẹo, chút bánh tráng gởi lại cho bọn trẻ con trong nhà. Tấm lòng bà con miệt vườn dành cho nhau luôn đầy nghĩa tình như thế.

Mùa nước nổi, trong tâm thức của người dân miền Tây, còn là mùa để đánh bắt tôm cá. Bao giờ cũng thế, cứ đến mùa nước nổi, bà con sống nghề chài lưới ở miền Tây lại chuẩn bị đủ đầy các vật dụng như lọp, lưới, lú, dớn... để đánh bắt cá. Tía tôi cũng không là ngoại lệ. Ông thường tận dụng thời điểm nước ngập trắng cả cánh đồng để giăng lưới bắt cá. Ông bảo người dân miền Tây nào cũng ngóng trông con nước nổi như chờ mong một người bạn đi xa. Mỗi năm đến hẹn mà chưa thấy mùa nước nổi tìm về là lòng dạ bồi hồi, khó tả.

Cũng bởi, khi nước tràn về, tôm cá cũng từ đó mà về theo. Mùa nước nổi là mùa bội thu của người nông dân vì tôm cá từ thượng nguồn đổ về nhiều không kể xiết nên chỉ cần buông tay lưới hay đặt lợp, giăng câu… để đó một tí thì chốc nữa ngoảnh lại đã thấy nặng tay. Bọn trẻ chúng tôi thì vô cùng thích thú với cơ man các loại cá đồng như cá linh non, cá rô, cá lóc, cá trê, cá sặc, cá chạch… rồi lươn, rùa, rắn nên chẳng mấy chốc đã đầy xuồng.

Kể chuyện làng: Hoài niệm về mùa nước nổi - Ảnh 3.

Trong tâm thức của người dân quê tôi, mùa nước nổi đã trở thành thông lệ, như một người bạn thân quen của người dân miền Tây sông nước. Ảnh: tác giả cung cấp

Bắt chuột đồng cũng là trò mà bọn trẻ con chúng tôi say mê. Nước ngập trắng cánh đồng khiến cho những con chuột không còn nơi trú ẩn như trước đây đành phải tìm đến nhánh tràm hoặc vài mô đất cao nên chỉ cần cho tay nhẹ nhàng vào hang là dễ dàng bắt được chúng. Nhẹ nhàng hơn, có những đoạn sông đầy cá, bọn trẻ con bắt chước người lớn buông cần câu xuống một thoáng là tha hồ câu đủ thứ loại cá như cá rô bí, cá rô mề, nhiều khi may mắn còn "nhấp" được cả cá lóc, cá trê. Tuy không phải là tay "sát cá" nhưng đứa nào cũng vui vẻ giật cần đến mỏi tay. Thi thoảng, có những đoạn sông quanh co có hàng bông điên điển trổ vàng rực, cả đám lại háo hức hái rồi nô đùa rộn rã cả một khúc sông. Lẽ dĩ nhiên, sau một hồi cố gắng thì những cọng bông súng mập ú, màu xanh, màu tím đủ cả cũng không thoát khỏi tầm tay chúng tôi vì đây là nguyên liệu cần thiết cho bữa cơm chiều thêm phong phú và ngon lành.

Sau một buổi trưa giăng nắng bắt cá, tắm đồng, điều khiến bọn trẻ con chúng tôi háo hức nhất vẫn là nhờ vô số "chiến lợi phẩm" thu được mà má tôi tha hồ chế biến các món ngon hấp dẫn. Anh em tôi mê mẩn cảm giác được ngồi quây quần bên tô canh chua cá linh bông điên điển má vừa nấu. Chỉ cần nhấm nháp một chút canh sẽ thấy rõ vị ngọt của cá, chua nhẹ của me, thơm giòn và hơi nhẫn của bông điên điển hòa quyện với nhau... khiến bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng thòm thèm đến miếng cuối cùng. Thi thoảng, muốn đổi vị cho các con, má chế biến thêm món lẩu mắm thơm nức mũi nấu với cá rô đồng, cá linh tươi rói, nhúng bông súng, bông điên điển và các loại rau đồng tươi, sạch mới hái... ăn cùng chén cơm gạo mới, cảm giác hạnh phúc làm sao.

Nhiều năm trôi qua, đời sống của tôi đã có nhiều thay đổi, bản thân cũng có dịp được chu du khắp nơi để mở mang tầm mắt. Dù thế nhưng những hoài niệm về quê nhà thân thương vào mỗi mùa nước nổi vẫn mãi là ký ức quý giá khó lòng thay thế. Thi thoảng, lại thèm được gác lại mọi bộn bề phố thị, về nhà bơi xuồng hái bông điên điển, đặt lợp, giăng câu… để sống lại quãng thời gian êm đềm nhất cuộc đời, để nghe tiếng vọng cổ ngân vang giữa đồng nước mênh mông.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem