Hoàng Bảo Linh, sinh năm 2001, hiện là lớp phó phụ trách học tập ở lớp 61MT, ngành Kỹ thuật môi trường, khoa Hóa và Môi trường, Trường Đại học Thủy lợi. Trong khi nhiều bạn bè đăng ký học ngành kinh tế, công nghệ thông tin, ngân hàng... thì Linh lại có lựa chọn khác - ngành Kỹ thuật môi trường.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Linh vui vẻ tiết lộ: "Môi trường là vấn đề cấp thiết và luôn được chính phủ quan tâm đầu tư nên ngành này rất tiềm năng. Bên cạnh đó, em cũng yêu thích công việc của một kỹ sư mà những nghề kỹ sư khác thì không ưa chuộng kỹ sư nữ bằng kỹ sư môi trường".
Đam mê này của Linh xuất phát từ chính nơi nữ sinh sinh ra. Là người con gốc vùng quê Thái Thụy, Thái Bình, nơi được xem là vựa lúa của Đồng bằng Sông Hồng, thế nhưng sau mỗi vụ lúa, Linh thấy môi trường không còn được an toàn do thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm đất, nước. Bên cạnh đó, các hoạt động đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Những hoạt động chưa được quy hoạch như vậy đã âm thầm làm hại sức khỏe của người dân. Điều này đã thôi thúc Linh tìm hiểu nhiều kiến thức hơn về môi trường để bảo vệ sức khỏe gia đình và làng xóm.
Linh cho biết thêm, ngay từ năm thứ 2, cô đã được thầy cô tạo cơ hội tiếp xúc với các tài liệu chuyên ngành cũng như nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Điều đó giúp cô phát triển đam mê về các vấn đề liên quan đến môi trường và bắt tay với các đề tài nghiên cứu khoa học. Dù còn bỡ ngỡ và nhận được những giải thưởng khiêm tốn, song Phương luôn tự tạo cho bản thân nguồn năng lượng tích cực nhất.
Xuất phát từ mục đích đó, ngay từ năm thứ 2, Hoàng Bảo Linh đã tham gia NCKH với nhiều đề tài tái chế phụ phẩm nông nghiệp rơm rạ, trong đó đề tài nổi bật nhất là "Nghiên cứu chế tạo màng nano sinh học từ rơm rạ". Trong những năm tiếp theo, với sự giúp đỡ của các thầy cô Linh đã tiếp tục phát triển nghiên cứu thành sản phẩm "Khẩu trang thông minh từ rơm rạ - Bmask" và đạt giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2020.
"Dự án khẩu trang rơm rạ của em vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm và đưa ra thực tế. Sau dự án về khẩu trang rơm rạ, em đang đi theo dự án màng nhựa sinh học chống tia UV vào năm 2023 và sắp tới em muốn mang các sản phẩm nhựa sinh học ra thị trường với giá thành hợp lý để bước đầu thay đổi nhận thức của người dân về nhựa sinh học", Linh nói.
Được biết, màng nhựa sinh học chống tia UV đã trở thành 1 trong những ý tưởng về nhựa tốt nhất Việt Nam, được đánh giá trong chương trình tìm kiếm sáng kiến về nhựa do đại sứ quán Australia tổ chức.
Bên cạnh những dự án về tái chế phế phẩm nông nghiệp, Hoàng Bảo Linh còn tham gia những nghiên cứu về xử lý nước thải theo phương pháp vi sinh, những nghiên cứu về độc học môi trường đã được bảo cáo tại các hội thảo quốc tế.
Cùng với sự chăm chỉ học tập và nghiên cứu khoa học ngay từ khi bước vào cổng trường đại học, Linh đã chinh phục được không ít giải thưởng dành cho sinh viên như Học bổng khuyến khích học tập, giải Ba Olympic toán học cấp trường, giải ba cuộc thi Sinh viên với ý tưởng Khởi nghiệp Thủy Lợi 2022, sinh viên xuất sắc nhất ngành năm học 2022-2023. Cùng với đó là không ít học bổng khuyến khích học tập các kỳ, học bổng Lê Văn Kiểm cho sinh viên xuất sắc, học bổng sinh viên xuất sắc trong học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 2 năm học liên tiếp 2021 – 2022 và 2022 – 2023…
Học giỏi, chăm nghiên cứu khoa học lại vừa là cán bộ lớp tưởng chừng như quá tải vì quá nhiều công việc nhưng Linh cho hay: "Thay vì học bài ở nhà trước rồi đến lớp nghe giảng thì em nghe giảng trước để tìm hứng thú với kiến thức mới sau đó về nhà tự học và làm bài tập. Sinh viên có khoảng thời gian tự học trong tuần khá nhiều nên em tận dụng những khoảng thời gian đó để học tập và nghiên cứu khoa học".
Thành tích dù nhiều, song khi nói về dự định tương lai, nữ sinh Ngành Kỹ thuật môi trường vẫn khiêm tốn và tự hào khi được học tập và phát triển đam mê. Linh luôn tin tưởng vào bản thân sẽ có những bước ngoặt lớn tiếp theo để vững bước trên con đường đạt được mục tiêu và mơ ước, tiếp tục được cống hiến cho khoa học môi trường.
"Thời gian tới, em sẽ tiếp tục theo đuổi những dự án mà em đã đầu tư thời gian vào những năm tháng sinh viên", Linh chia sẻ.
Nói về thành phần của chiếc khẩu trang, Ths. Phạm Thị Hồng, giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu, cho hay khẩu trang có 1 lớp màng có thể thay thế, còn lại là loại vải thông thường. Lớp màng ở giữa có thể thu và tái sử dụng lại vì nó là những loại nhựa sinh học. Ngoài ra, khẩu trang còn có loại đặc biệt dành cho người khiếm thính làm bằng nhựa sinh học.
Màng nhựa sinh học có thời gian phân hủy nhanh và có thể phân hủy bằng cách cho vi khuẩn và phân hủy toàn bộ, không phải loại nhựa truyền thống. Loại màng lọc này có thể lọc từ 60% - 90% bụi mịn. Khẩu trang y tế thải ra môi trường, gây ra các chất độc hại cho môi trường. Trong khi đó, khẩu trang từ rơm rạ không gây hại môi trường bởi chỉ cần thay màng lọc là có thể tái sử dụng.