Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: "Phương án 2+2 sẽ giảm áp lực cho học sinh và ngành giáo dục"

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 01/11/2023 06:00 AM (GMT+7)
Thời điểm này, giáo viên và học sinh trên cả nước đều mong chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, để có lộ trình ôn tập phù hợp và chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi. Một số đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng.
Bình luận 0

"Việc lựa chọn phương án 2+2 sẽ làm giảm áp lực cho học sinh và ngành giáo dục"

Hiện Bộ GDĐT đang thực hiện lấy ý kiến khảo sát rộng rãi về 3 phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm phương án 4+2 với 4 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, phương án 3+2 với 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn lựa chọn và phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: "Phương án 2+2 sẽ giảm áp lực cho học sinh, ngành giáo dục" - Ảnh 1.

Thí sinh đang kiểm tra lại đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII cho biết, đã theo dõi rất kỹ khi Bộ GDĐT thực hiện lấy ý kiến khảo sát rộng rãi về 3 phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trong 3 phương án trên, bà An cho rằng phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn là hợp lý nhất. Lý giải về việc này, bà An cho rằng chọn hai môn cơ bản Toán, Văn là thích hợp, cần thiết. Đó là sự đánh giá kiểm tra kiến thức của từng giai đoạn. Việc thêm 2 môn lựa chọn nhưng tự chọn có định hướng từ trước, đó cũng làm giảm áp lực cho học sinh. 

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: "Phương án 2+2 sẽ giảm áp lực cho học sinh, ngành giáo dục" - Ảnh 2.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII cho rằng phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn là phù hợp. Ảnh: NVCC

"Sở dĩ tôi lựa chọn phương án này bởi như thế là đủ với kiến thức phổ thông, khi học sinh đã định hướng nghề nghiệp chỉ cần thêm 2 môn, việc nắm kiến thức rộng là điều rất tốt nhưng như phương án này là vừa đủ với kiến thức để các em bắt đầu cho giai đoạn mới, chuyên sâu. Nếu chúng ta chọn tràn lan thì cũng không tốt. Bây giờ Bộ GDĐT từ lớp 10 đã cho các em định hướng nghề nghiệp. 

Việc lựa chọn 2 môn theo định hướng trước sẽ làm giảm bớt áp lực thi, giảm bớt áp lực cho học sinh và ngành giáo dục. Trong trường hợp này phải làm sao rút kinh nghiệm so với lần trước là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tốt. Tốt ở chỗ đề thi chọn thế nào cho đúng, chuẩn, thích hợp với chương trình, không nằm ngoài chương trình… Đây là kiểm tra kiến thức minh bạch, đúng, ra đề thi chuẩn, không được đánh đố học sinh…", bà An thông tin.

Bà An cũng cho rằng, việc thứ 2 cũng rất quan trọng đó là bảo mật đề thi. Kiểm tra lại toàn bộ đội ngũ cán bộ ra đề thi để tránh trường hợp lộ, lọt dưới bất kỳ hình thức nào, không để sơ suất, tái diễn như những kỳ thi trước đây. Có như vậy kỳ thi mới có ý nghĩa, tác dụng.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: "Phương án 2+2 sẽ giảm áp lực cho học sinh, ngành giáo dục" - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Nghị trường. Ảnh: NVCC

Đồng tình với quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) cho rằng, phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thi do học sinh lựa chọn từ các môn học khác sẽ giảm áp lực cho học sinh và đỡ tốn kém cho xã hội.

"Việc này vừa phù hợp với 2 yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội là 'tổ chức kỳ thi gọn, nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học', vừa bảo đảm quyền chủ động lựa chọn của học sinh. Mặt khác, phương án 2 + 2 cũng góp phần bảo đảm sự tương đương giữa kỳ thi tốt nghiệp của hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm", bà Thuý nhấn mạnh.

Cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025

Bàn về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Chương trình có rất nhiều đổi mới từ nội dung học đến cách dạy, cách học so với chương trình cũ. Do đó, cần có những quy định đổi mới trong thi cử và đánh giá năng lực học sinh.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: "Phương án 2+2 sẽ giảm áp lực cho học sinh, ngành giáo dục" - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ GDĐT cần có chỉ đạo rõ ràng về đề thi đảm bảo đúng cấu trúc, ma trận. Đề thi cần đánh giá toàn diện về năng lực kỹ năng của thí sinh, tránh trường hợp đề không phân hóa được thí sinh, gây mất công bằng cho các em.

"Đây là lứa học sinh đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT sẽ phải có hình thức thi không giống với hình thức thi truyền thống mà tạm gọi là chương trình cũ với chương trình mới. Theo tôi, việc Bộ GDĐT lấy ý kiến rộng rãi để tham khảo cũng được nhưng việc quyết định không phải dư luận xã hội. Nếu như đứng ở góc độ người học, phụ huynh học sinh bao giờ cũng mong muốn thi càng ít càng tốt. Rõ ràng thi ít thì cảm giác đầu tiên học sinh đỡ bị áp lực, phụ huynh cũng thấy đỡ áp lực tốt hơn cho con mình", bà Nga nhấn mạnh.

Bà Nga cho hay, nếu hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến đích cuối cùng đó là phát huy tối đa năng lực, sở trường của học sinh, xây dựng được thế hệ công dân mà năng động, tự chủ, hiện đại.

Thời điểm hiện tại đã đi được gần nửa chặng đường của năm học 2023-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng không còn xa. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị Bộ GDĐT xem xét và sớm đưa ra phương án thi cụ thể và chú trọng kỹ lưỡng công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, hiệu quả và an toàn.

"Đến bây giờ Bộ chưa ban hành được chương trình này tôi e rằng thời gian chuẩn bị không còn nhiều bởi đã giữa năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025 chúng ta sẽ phải tổ chức kỳ thi đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính bởi vậy, thời gian hơn 1 năm nếu như các kỳ thi theo truyền thống, theo chương trình cũ không nói làm gì bởi chúng ta làm bao nhiêu năm rồi, ngân hàng đề thi có sẵn… thì khâu chuẩn bị cho kỳ thi không quá mất nhiều thời gian. 

Thế nhưng đây là lứa học sinh đầu tiên thì khâu chuẩn bị rất mất thời gian, kể cả chuẩn bị hình thức thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi. Hiện chưa xác định được môn nào thì đương nhiên sẽ chưa có ngân hàng đề thi đó", bà Nga nói và cho biết thêm, ngoài ra còn rất nhiều công việc chuẩn bị cho kỳ thi và điều quan trọng hơn cả với giáo viên và học sinh đó là cần có tâm thế khi họ biết kỳ thi sẽ diễn ra thế nào? Họ phải trải qua kỳ thi thế nào? Bà Nga cho rằng Bộ GDĐT nên khẩn trương vào việc này.

"Tôi đã nhìn 3 phương án, vấn đề khâu tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh trường hợp chúng ta thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nghĩa là chương trình sách giáo khoa mới nhưng cách thức thi lại như cũ thì tự nhiên chưa có sự đồng nhất. 

Đích đến của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà ngay việc chúng ta thực hiện chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã là bước tiến bộ nhưng đến lúc chúng ta phải đạt được đến yêu cầu có thể thi bất cứ môn gì. Bởi chúng ta có thể dạy bất cứ bộ sách giáo khoa nào mà đã được Bộ GDĐT thẩm định thì bây giờ ta có thể thi bất cứ môn nào mà học sinh được dạy ở trong trường. Có như thế mới đạt được yêu cầu của đối mới giáo dục nghĩa là không học vẹt, không học tủ thì môn nào các em cũng có thể chủ động trong kiến thức của môn đó. Khi đã biến kiến thức thành của mình rồi thì các em có thể thi môn này môn kia vì các em đã học cả rồi", bà Nga nhấn mạnh thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem